Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếng Anh của người Việt ở tầm thế giới

Trước xu thế hội nhập và phát triển của Việt Nam, tôi mong trong vòng 20 năm tới, tiếng Anh của người Việt sẽ vươn tầm thế giới.

 

Giới trẻ Việt Nam trong 20 năm tới sẽ tự tin hơn vì có đủ năng lực tiếng Anh để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiếng Anh khi đó sẽ trở thành một công cụ chứ không phải đơn thuần là môn học.

Từng người trong xã hội sẽ sử dụng vốn tiếng Anh của mình để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam hiền hòa, thân thiện và hiếu khách.

 

Trong ảnh là một lớp tiếng Anh cho trẻ em ở làng chài ven sông Lạch Tray thuộc địa phận P.Ngọc Sơn, Q.Kiến An, TP Hải Phòng. - Ảnh tư liệu
Trong ảnh là một lớp tiếng Anh cho trẻ em ở làng chài ven sông Lạch Tray thuộc địa phận P.Ngọc Sơn, Q.Kiến An, TP Hải Phòng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Việc một bác nông dân có thể giao tiếp tiếng Anh với những đối tác nước ngoài ngay trên ruộng lúa của mình hay một em học sinh mạnh dạn trò chuyện với những vị khách du lịch khắp năm châu về những gì đang diễn ra trên quê hương mình không còn là điều xa lạ nữa. Thậm chí lúc ấy sẽ có nhiều quốc gia trên thế giới đến để tham khảo cách dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam.

Ở góc nhìn sư phạm, để đạt được những điều nói trên, chúng ta cần phài có những giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, chúng ta phải quy hoạch chương trình tổng thể cho việc dạy và học tiếng Anh ngay từ bây giờ. Một chương trình có tính chất liên thông từ bậc tiểu học cho đến đại học là việc cần thiết và cấp bách.

Ở bậc phổ thông, sách giáo khoa phải thiết kế thế nào để người học phát huy được tính giao tiếp của mình vì những kỹ năng ngôn ngữ phải được hình thành ngay từ khi bắt đầu làm quen với một ngoại ngữ.

Ở những bậc học tiếp theo, người học sẽ dễ dàng tiếp cận được tiếng Anh chuyên ngành hay phát huy được sở trường của mình vì đã hình thành được một nền tảng kiến thức và kỹ năng ngay từ những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, phải đổi mới cách dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục hiện nay. Nói không quá lời rằng việc nhiều người Việt Nam không thể sử dụng tiếng Anh vào thực tế cuộc sống là hệ quả tất yếu của một quá trình đào tạo trong thời gian dài.

Để thay đổi, vai trò của người thầy rất quan trọng. Người thầy không những có kiến thức ngôn ngữ sâu rộng mà còn phải có những phương pháp sư phạm sinh động, lôi cuốn học trò. Người thầy phải tạo cho học trò mình sự tự tin khi sử dụng tiếng Anh của chính bản thân các em qua những hoạt động dạy và học trong tiết dạy, qua những hoạt động ngoại khóa.

Nói cách khác, làm thế nào người thầy phải thổi hồn vào bài giảng để truyền lửa cho học trò mình trong việc học tiếng Anh.

Thứ ba, chúng ta phải đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn tiếng Anh của người học. Những bài kiểm tra đánh giá hiện nay trong trường phổ thông và ngay cả kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh… được thiết kế theo kiểu kiểm tra đánh giá kiến thức chứ không phải là kiểm tra đánh giá kỹ năng.

Vì vậy để có được tính giá trị, độ tin cậy và tính khả thi. các hình thức kiểm tra, đánh giá phải được thiết kế theo các chuẩn đánh giá quốc tế về năng lực dạy và học tiếng Anh. Bốn kỹ năng cơ bản trong việc học ngoại ngữ - nghe, nói, đọc, viết phải được lồng ghép vào nhau trong các bài kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, các hình thức kiểm tra đánh giá phải đa dạng và thích hợp với trình độ người học để họ biết được sự tiến bộ cũng như những hạn chế cần khắc phục.

Khi những giải pháp cơ bản trên được tiến hành một cách đồng bộ, tiếng Anh sẽ được giảng dạy như một môn kỹ năng chứ không phải là môn khoa học. Tư duy đổi mới phải được phát huy và cần những con người dám mạnh dạn đột phá. Từ đó tìm ra những hướng đi thiết thực, vượt qua lối mòn cũ bấy lâu nay để người Việt Nam có được một môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh bền vững để làm việc, giao tiếp và hội nhập.

Giảng viên muốn dạy tiếng Anh miễn phí cho 500.000 người

Giúp đỡ nửa triệu bạn trẻ giao tiếp tiếng Anh tự tin trong vòng 4-6 tháng với “học phí 0 đồng” là mục tiêu của chuỗi lớp học cộng đồng do thầy giáo sinh năm 1990 sáng lập.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150526/tieng-anh-cua-nguoi-viet-o-tam-the-gioi/752559.html

Theo Lê Tấn Thời/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm