Loại hình: Live concert
Nhạc cụ: Violin
Nghệ sĩ biểu diễn: Hoàng Rob, Hà Trần, Bùi Lan Hương
Zing.vn đánh giá: 8/10 điểm
Tối ngày 9/1, concert Viễn Du của nghệ sĩ violin Hoàng Rob diễn ra trên du thuyền, giữa sông Sài Gòn. Đêm nhạc giới hạn đúng 100 khách mời với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham dự. Trong đó, Hà Trần và Bùi Lan Hương đóng vai trò là khách mời biểu diễn.
Hoàng Rob trong live concert trên du thuyền tối 9/1. |
"Chiêu trò" riêng để hấp dẫn khán giả
Cái tên Viễn Du nghe có phần “đao to búa lớn” nhưng đặt trong bối cảnh của âm nhạc và loại hình nhạc cụ lại tạo nên những dư âm đẹp. Cái tên gợi mở cho khán giả nhiều điều.
Đó có thể là những hành trình đến những miền đất mới, “miền đất” ở đây không chỉ giới hạn là một địa danh địa lý, mà có thể là chính những nghĩ suy, chiêm nghiệm trong tiềm thức của mỗi người. Với Hoàng Rob, đó là chuyến “viễn du” trong âm nhạc, trong loại hình nghệ thuật mà anh theo đuổi.
Đêm nhạc mở đầu với Palladio - Gen 9, Hoàng Rob xuất hiện từ phía cuối boong tàu, bất ngờ kéo đài trong những giai điệu nhanh, dồn dập. Khán giả bị hút hồn trong giây phút ấy.
Hoàng chưa bao giờ được xem là sở hữu tiếng đàn “trời cho”. Hoàng cũng học nhạc muộn hơn nhiều những người cùng trang lứa. Nhưng anh luôn có một hấp lực riêng mà nhiều nghệ sĩ nhạc cụ không có được. Đó có thể cũng được coi là "chiêu trò" riêng để hút hồn khán giả.
“Nghe không đủ, phải xem, đó mới là tiếng đàn của Hoàng”, một người trong giới từng nói như vậy. Nam nghệ sĩ biết kết hợp giữa âm nhạc, thời trang và biểu diễn. Nhìn thần thái của Hoàng Rob trên sân khấu mới nghiệm ra anh sinh ra để làm nghệ thuật và theo đuổi nghiệp cầm vĩ.
Diva Hà Trần là khách mời của đêm nhạc. |
Sau nhạc khúc mở đầu là những Hừng Đông, Tiếng vọng, Tiếng đêm . Đó đều là những nhạc khúc đậm chất Tây. Vĩ cầm như được trả về nơi nó sinh ra, Tây Phương trong sự hài hòa giữa cổ điển và hiện đại.
Sau đó, Hoàng Rob gây bất ngờ khi thể hiện bản nhạc Inh lả ơi, một khúc hát quen thuộc của đồng bào miền núi phía Bắc. Chất dân gian đương đại được Hoàng Rob đưa vào nhạc khúc, tạo nên những thân thuộc trong người nghe.
Tiếng đàn Hoàng Rob trưởng thành
Điểm nhấn của concert là hai vị khách mời Bùi Lan Hương và Trần Thu Hà. Cả hai đối lập nhau trong màu sắc âm nhạc, con đường âm nhạc. Song, họ lại có điểm chung là tính nghệ sĩ cao, chọn lối riêng trong nghệ thuật.
Sự kết hợp của Trần Thu Hà và Bùi Lan Hương với tiếng đàn của Hoàng Rob tạo nên những dư cảm về âm nhạc. Bùi Lan Hương mang đến những giai điệu dream pop mộng mị của ca khúc Vi vu, trong khi diva Hà Trần sảng khoái, hoang dại và một chút “điên” với Mây bay cuối trời và Cầu vồng sau mưa.
Một điểm khác cũng cần lưu ý là cả hai đều tôn tiếng đàn của Hoàng Rob, nhất là trường hợp của Hà Trần. Có những đoạn, Hà Trần xử lý lả lơi để theo tiếng đàn của cộng sự. Ngược lại, Hoàng cũng thể hiện rõ khả năng căn chỉnh để không chông chênh với những khách mời đẳng cấp.
Một sân khấu kết hợp không thể nào quên nữa là màn kết hợp giữa Hoàng Rob và nghệ nhân đàn nhị Trần Văn Xâm. Hoàng Rob gọi đùa violin là “đàn nhị tây” bởi có nhiều sự tương đồng với đàn nhị truyền thống của Việt Nam.
Viễn Du kết thúc với Những đứa trẻ trong cảm xúc còn nhiều lưu luyến ở người nghe. |
Phần cuối đêm nhạc là những lời chúc Giáng sinh và năm mới qua liên khúc Last Christmas và Khúc giao mùa được phối lại với phần nhạc nền điện tử. Viễn Du kết thúc với Những đứa trẻ trong cảm xúc còn nhiều lưu luyến ở người nghe.
Sân khấu của “Viễn Du” được bố trí thành giống một chiếc violin khổng lồ. Thiết kế sân khấu không màu mè, cầu kỳ, chỉ có Hoàng Rob, cây violin và âm nhạc thuần túy ngự trị.
Bên cạnh đó, phần background của sân khấu được trang trí với một vầng mặt trời khổng lồ. Khởi đầu là một vầng mặt trời vẫn còn khuất dạng, sau đó cùng với âm nhạc đã từ từ nhô lên và khi kết thúc cũng là lúc vầng mặt trời lên cao nhất.
Trên nền sân khấu ấy, giữa sông Sài Gòn, tiếng đàn của Hoàng Rob đã chứng tỏ được sự trưởng thành. So với 2 năm trước, với Hừng đông, trình độ của nam nghệ sĩ đã có sự tiến bộ vượt bậc. Anh đàn màu sắc và thuyết phục hơn nhiều. Hoàng có lẽ là minh chứng cho câu “chậm mà chắc” trong nghệ thuật.