Căn nhà đầu tiên mang ý nghĩa lớn đối với người trẻ. Họ phải có kế hoạch tài chính kỹ càng, tiết kiệm hàng chục năm để thực hiện hóa ước mơ sở hữu căn hộ riêng. Một số khác lại mua nhà thuận tiện hơn với sự hỗ trợ từ gia đình.
Zing chia sẻ câu chuyện của 3 người trẻ về quá trình sở hữu căn nhà đầu tiên của họ.
Vân Anh (23 tuổi, Hà Nội) - Cha mẹ mua tặng
Tôi có được căn nhà đầu tiên khi vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm. Khi đó, tôi tất nhiên không có tiền để mua nhà hay bất kỳ tài sản gì lớn. Căn hộ gần 3 tỷ đồng hoàn toàn do cha mẹ tôi mua tặng.
Tôi làm việc và sinh sống một mình tại thành phố. Cha mẹ ở quê mong muốn tôi có không gian sống thoải mái, do vậy quyết định dành tặng tôi một căn hộ vào dịp sinh nhật tuổi 23.
Gia đình tôi lựa chọn một dự án ở quận Long Biên, cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km. Khu vực này có cảnh quan và đường sá thoáng đãng, sạch sẽ, hiếm khi xảy ra ùn tắc.
Bên cạnh tòa chung cư của tôi còn có dãy biệt thự liền kề, nhân viên an ninh luôn túc trực. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy yên tâm khi sinh hoạt tại đây.
Căn hộ của tôi có 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh. Sau khi mua nhà, tôi thuê đơn vị thiết kế làm căn hộ theo phong cách tân cổ điển với tông màu chủ đạo trắng, be.
Lần đầu tiên có nhà riêng, tôi rất hào hứng, song cũng có chút lo lắng vì bước vào cuộc sống hoàn toàn tự lập với gia đình. Tuy vậy, tôi tin rằng cuộc sống một mình này sẽ giúp bản thân trưởng thành hơn trong tương lai.
Căn hộ gần 3 tỷ đồng là món quà sinh nhật tuổi 23 của cha mẹ dành tặng Vân Anh. |
Trương Như Ngọc (32 tuổi, TP.HCM) - Vay ngân hàng 10%
Sau 8 năm làm việc tại TP.HCM, vào năm 2019, tôi mua một căn hộ nhà trị giá 2 tỷ đồng.
Đối với tôi, đây là thành tựu đáng tự hào. Để đạt được mục tiêu sở hữu nhà riêng, tôi thực sự đã phải đi một con đường dài và khó.
Khi mới đi làm, lương khởi điểm của tôi chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Ban ngày, tôi làm việc tại văn phòng, đến chiều lại phụ việc ở quán ăn của một người bạn. Cuối tuần, tôi lại nhận thêm công việc dẫn tour du lịch.
Làm nhiều việc như thế, sau khoảng 3 năm đầu tiên trụ ở thành phố, tôi mới có được cuốn sổ tiết kiệm 19 triệu đồng đầu tiên.
Năm 2014, tôi tiết kiệm được 100 triệu đồng, thêm 60 triệu đồng vào một năm sau đó. Đến năm 2016, tôi được thăng chức, tăng lương, vì vậy mới có thể đạt thu nhập tốt và tiết kiệm nhiều hơn.
Căn hộ đánh dấu cột mốc tuổi 30 của Như Ngọc. |
Phương pháp tiết kiệm của tôi không có gì đặc biệt, chính là "tích tiểu thành đại" cho đến khi đủ số tiền mua nhà. Trong việc tiết kiệm, tôi không đặt ra con số cố định và cũng không quan tâm mình chi tiêu hết bao nhiêu. Điều quan trọng là sau một thời gian, tôi nắm được các nguồn tiền mình đang có và đầu tư.
Năm 2019, 30 tuổi, tôi quyết định "an cư lạc nghiệp" khi có trong tay gần 1,7 tỷ đồng. Tôi lựa chọn một căn hộ 60 m2 gần công ty, nằm trong khu bình dân, vừa sức với điều kiện tài chính.
Tổng số tiền mua và cải tạo nhà là gần 2 tỷ đồng. Tôi vay ngân hàng 200 triệu đồng, ngoài ra vay thêm người thân một khoản nhỏ để mua sắm vài món nội thất cần thiết.
Giờ đây, tôi đã thanh toán hết nợ. Mỗi ngày thức dậy trong căn nhà của chính mình, tôi đều rất hạnh phúc và trân trọng thành quả do mình tạo dựng nên.
Như Ngọc tự hào, hạnh phúc khi đạt được ước mơ sở hữu nhà riêng. |
Nguyễn Thu (32 tuổi, TP. HCM) - Vay ngân hàng và gia đình 50%
Năm 2020, tôi mua ngôi nhà đầu tiên của mình. Đây là căn hộ 1 phòng ngủ +1 thuộc dự án nằm tại quận 9, TP.HCM.
Tôi ấp ủ ước mơ sở hữu nhà riêng ngay từ lúc tốt nghiệp đại học. Sau khi nhận lương hàng tháng, tôi luôn chuyển một nửa vào tài khoản ngân hàng, dành khoản này cho việc mua nhà.
Công việc của tôi ổn định, thăng tiến theo thời gian nên việc tiết kiệm diễn ra đều đặn, không gặp trở ngại lớn. Tuy nhiên, tôi phải nghiêm khắc với bản thân, không cho phép mình chi tiêu quá tay cho những khoản khác để hoàn thành mục tiêu mua nhà.
Nguyễn Thu mua nhà nhờ sự hỗ trợ từ gia đình. |
Dành dụm suốt 10 năm như vậy, thế mà tôi vẫn không đủ tiền mua nhà. Căn hộ tôi muốn mua có giá khoảng 2,7 tỷ đồng (bao gồm nội thất), mà tôi chỉ có một nửa.
Tôi vay ngân hàng 20% và mượn cha mẹ thêm 30% còn lại.
Kế hoạch trả nợ của tôi bị ảnh hưởng ít nhiều bởi đợt dịch năm ngoái. Khi đó, thu nhập của tôi bị cắt giảm. Tình hình tài chính khó khăn, tôi từng có ý định bán căn hộ vào đầu năm 2022 để giảm áp lực.
Căn nhà được thiết kế theo phong cách Nhật Bản. |
Lúc này, cha mẹ lại giúp đỡ tôi một lần nữa bằng việc cho vay thêm tiền, động viên tôi phải đi đến cùng mục tiêu sở hữu nhà.
Hiện tại, tôi vẫn trả nợ mua nhà đều đặn hàng tháng. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, tôi sẽ thanh toán đủ cho ngân hàng. Còn phía cha mẹ, tôi dự kiến lâu hơn, có lẽ là 10 năm nữa.