Nhờ được gia đình hỗ trợ, nhiều bạn trẻ không phải lo lắng về vấn đề tài chính. Một số có thể tiêu pha tùy ý với thu nhập riêng mà chưa cần tích lũy.
"Ở nhà với ba mẹ, tôi chưa cần lo lắng gì về vấn đề tiền bạc".
"Ra riêng được tự do, song tiền thuê nhà và các loại sinh hoạt phí đắt đỏ lại khiến tôi trở về sống với gia đình".
Dù đã đi làm nhiều năm, không ít người trẻ vẫn chọn sống cùng người thân. Ngoài cảm giác ấm cúng, họ thừa nhận quyết định này mang lại nhiều lợi thế tài chính hơn so với việc sống độc lập.
Trong cuộc trò chuyện với Zing Lifestyle, 9 bạn trẻ chia sẻ về "đặc quyền" cùng những khoản tiền "được lợi" khi chung sống với gia đình.
Đi làm được một thời gian, tôi vẫn được ba mẹ chu cấp sinh hoạt phí. Gia đình lo hết các khoản ăn ở, đôi khi hỗ trợ cả chi phí xăng xe, sắm sửa áo quần cho con gái.
Gần đây, khi tài chính tạm ổn định, tôi chủ động phụ trách đóng tiền nước, Internet hoặc thỉnh thoảng mua thực phẩm cho cả nhà.
Tuy vậy, ba mẹ vẫn khuyên con gái nên tập trung cho bản thân, giữ tiền lo cuộc sống riêng. Song, tôi biết hai người vẫn ngầm tự hào khi con đã biết nghĩ về gia đình nhiều hơn.
Tương tự với phần lớn bạn trẻ sống cùng ba mẹ, chuyện chi tiêu của tôi khá dễ chịu.
Tôi có thể tiết kiệm 3 triệu đồng/tháng, cũng như sắm những thứ thuộc về sở thích riêng như quần áo, truyện tranh.
Hiện, tôi đang ấp ủ kế hoạch sửa sang nhà cửa và đưa cả nhà đi du lịch nghỉ dưỡng. Tất nhiên, đây là dự định dài hạn bởi nguồn thu của tôi vẫn khá khiêm tốn. Để thực hiện mong muốn này, tôi đang dần chắt bóp, hạn chế chi tiêu tùy hứng cũng như tập trung “cày cuốc” nhiều hơn.
Từ khi tôi có công việc ổn định, ba mẹ đề xuất con gái phụ trách chi trả tiền điện, nước hàng tháng. Bên cạnh đó, tôi cũng chủ động sắm các vật dụng cần thiết cho cả nhà, chẳng hạn xà phòng, nước rửa chén, đồ gia dụng…
Thực tế, phần góp sức của tôi vẫn còn ít ỏi. Có vài khoản thu nhập thụ động, ba mẹ không cần đến khoản tiền tôi phụ giúp.
Với thu nhập định kỳ, tôi luôn chuyển ngày 1/3 vào tài khoản tiết kiệm. Phần còn lại, tôi chia đều cho các mục đích như sắm quần áo, làm đẹp, du lịch hay chi phí hẹn hò.
Nhìn chung, dù lương chưa cao, tôi vẫn có cuộc sống thoải mái nhờ được sống cùng với gia đình, không phải lo sinh hoạt phí quá nhiều như những người bạn ở trọ.
Trong thời gian tới, tôi đang cân nhắc về việc dọn ra riêng. Thực tế, với số tiền có hiện tại, đây là một kế hoạch nhiều rủi ro.
Tôi đã lên kế hoạch mở rộng nguồn thu, cũng như lưu tâm nhiều hơn đến khoản tiết kiệm. Mọi thứ có thể sẽ khó khăn hơn khi rời khỏi vòng tay ba mẹ, song tôi tin đó là cơ hội để mình thực sự trưởng thành.
Có ngoại hình ăn ảnh, tôi sớm trở thành người mẫu lookbook cho một số cửa hàng thời trang từ năm 2 đại học. Khoảng thời gian này, mỗi tháng tôi thu về 10-15 triệu đồng. Con số tăng lên gấp đôi trong một năm trở lại đây.
Từng nghĩ bản thân kiếm tiền giỏi, tôi xin ba mẹ cho chuyển ra ngoài sống từ năm 2021. Với một người bạn, chúng tôi thuê chung cư 2 phòng ngủ với giá 14 triệu đồng/tháng. Viễn cảnh được tự do mà không bị kiểm soát thời gian khiến tôi thấy tự hào và thoải mái.
Tuy nhiên, mọi thứ trở nên khó khăn khi cô bạn muốn dừng hợp đồng thuê để về quê sống hẳn. Cố chấp muốn giữ lại căn hộ yêu thích, tôi chật vật tìm người ở ghép nhưng không thành. 2 tháng sau đó, tôi phải cáng đáng 100% chi phí, chưa tính các khoản tiền sinh hoạt, quản lý chung cư…
Thu nhập người mẫu ảnh tháng ít, tháng nhiều, cộng thêm việc quay cuồng vì lo lắng, quá mệt mỏi và áp lực, tôi quyết định sang lại hợp đồng để về với ba mẹ. Ra riêng từ sớm mà thiếu kế hoạch chi tiêu là sai lầm tôi không bao giờ quên được.
Sau 3 năm đi làm, thu nhập của tôi đang ở mức khá lý tưởng.
Đều đặn mỗi tháng, sau khi nhận lương, tôi lập tức chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm độc lập.
8 triệu đồng còn lại, tôi chủ yếu để sắm quần áo, mỹ phẩm, mua quà cho người thân và bạn bè trong dịp quan trọng.
Ba mẹ chưa đến tuổi hưu, vẫn có nguồn thu đều đặn. Cả hai cho phép tôi tùy ý chi tiêu với thu nhập riêng mà không cần phụ giúp gia đình.
Vì không cần shopping nhiều cho chính mình, tôi vẫn dư ra một ít để phụ mẹ mua thực phẩm, đồ dùng cho cả nhà. Nhìn chung, tôi tự thấy may mắn vì chưa khi nào phải đắn đo, lo lắng vì vấn đề tài chính.
Hiện, tôi đang nhận thêm công việc để cải thiện nguồn thu. Đây là bước chuẩn bị để tôi sẵn sàng “tài trợ” chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên cho ba mẹ và em gái vào đầu năm 2024.
Mức lương của tôi sau 3 năm đi làm không phải là con số lý tưởng. Tuy nhiên, đây lại là công việc ổn định và ít rủi ro.
Với 8 triệu đồng có mỗi tháng, tôi gửi mẹ 3 triệu phụ phí sinh hoạt. Số tiền còn lại, tôi tiêu xài một ít cho sở thích và học tập, đầu tư chứng khoán. Vì chỉ mới tham gia vào thị trường, kiến thức còn non yếu, tôi gần như không có lãi.
Tôi cảm thấy mình may mắn khi không phải chi trả tiền thuê nhà ở thành phố. Nếu ở trọ, chắc chắn tôi không thể sống tốt với thu nhập hiện tại của mình.
Dù vậy, việc ở nhà với gia đình và luôn có đủ nhu cầu thiết yếu khiến tôi có một chút lười biếng. Số tiền lương không cao, tiền gửi mẹ cũng chẳng bao nhiêu, tôi vẫn chưa tìm ra cách có thêm thu nhập.
Tôi và mẹ đã dọn ra riêng 2,5 năm sau biến cố gia đình. Thời gian đầu, hai mẹ con hầu như không dám sắm sửa gì theo sở thích. Thậm chí, các khoản sinh hoạt phí cũng phải được chi trả tằn tiện để đảm bảo tiền học cho tôi.
Do đó, khác với đa số bạn bè còn sống cùng người thân, tôi gặp khá nhiều khó khăn với vấn đề tài chính. Với mức thu nhập hiện tại, tôi duy trì gửi tiết kiệm 1/4.
Tôi gửi mẹ 8 triệu đồng để đi chợ và phòng thân. Phần còn lại, tôi chủ động chi trả các loại sinh hoạt phí thông thường cũng như hẹn hò bạn gái.
Thoạt nghe, mọi người có thể nghĩ đây là một cuộc sống áp lực. Song, tôi vẫn thoải mái và xem hoàn cảnh là động lực để phát triển. Tôi cũng bắt tay vào một số khoản đầu tư nhỏ, an toàn để thử sức và tạo nguồn thu thụ động với mong muốn chăm lo cho mẹ đầy đủ hơn.
Mặt khác, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi vẫn được sống với mẹ và có mẹ đồng hành trong cuộc sống.
Lương cứng hàng tháng của tôi không cao, tổng thu nhập phụ thuộc vào số ngày đi tour trong tháng và tiền tips từ khách. Trung bình, vào tháng cao điểm tôi có khoảng 30 triệu đồng.
Khi tôi có nguyện vọng san sẻ sinh hoạt phí với gia đình, ba mẹ tôi từ chối vì muốn con tập trung cho bản thân. Dẫu vậy, tôi vẫn gửi gia đình 6-10 triệu đồng mỗi tháng, xem như khoản tích cóp, đề phòng.
Số tiền 15-20 triệu đồng còn lại, tôi chia theo tỷ lệ 30% đưa vào quỹ tiết kiệm riêng, 30% cho sinh hoạt cá nhân, 10% cho việc học, 10% cho mua sắm và 20% để dành cho những chuyến du lịch.
Nhìn chung, nhờ việc ở cùng gia đình, tôi đã thoải mái hơn rất nhiều trong việc chi tiêu và lập kế hoạch tài chính. Số tiền gửi ba mẹ, tôi có thể xin lại trong trường hợp cấp bách mà không quá lo lắng.
Với vị trí chuyên viên lập trình web, mỗi tháng, tôi kiếm được 25 triệu đồng. Nhờ kỹ năng và công việc có lộ trình thăng tiến cụ thể, lương của tôi sẽ tăng khoảng 5-10%/năm.
Sống cùng gia đình, tôi không gặp khó khăn gì trong chi tiêu. Anh em tôi thống nhất gửi mẹ 10 triệu đồng/tháng nhằm lo phí sinh hoạt chung. Số tiền còn lại, tôi dùng để sắm sửa cá nhân, mua mô hình xe và đầu tư.
Tôi ưu tiên các kênh đầu tư bền vững như vàng và USD. Khi thị trường đi xuống, tôi cũng đã sớm cắt lỗ từ chứng khoán để gửi vào ngân hàng với tiền lãi 8,8%/năm. Theo tôi, đây là hình thức đầu tư hợp lý ở thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, sưu tầm mô hình xe đã là đam mê từ lâu. Thú thật, đây là thú chơi khá tốn kém khi có những mô hình đẹp, giá cao lên đến vài chục triệu đồng. Hiện tại, mỗi tháng tôi đều chi 2-3 triệu đồng cho sở thích này. Nếu không sống cùng gia đình, không có chỗ dựa tài chính, chưa chắc tôi đã dám mạnh tay với sở thích này của mình.
Tôi đang làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh. Nhờ kinh nghiệm có được từ những lần đứng lớp, quan sát các giáo viên khác, tôi nhận làm gia sư riêng cho học sinh 12-16 tuổi.
2 công việc này đem lại thu nhập khá ổn định. Mỗi tháng, tôi không cần gửi thêm chi phí sinh hoạt vì ba mẹ dứt khoát từ chối.
Do đó, tiền lương mỗi tháng của tôi chủ yếu dùng để mua sắm, gặp gỡ bạn bè và đi du lịch. Dù biết đây là lối sống nhiều rủi ro, tôi vẫn cảm thấy thoải mái vì được gia đình hỗ trợ.
Đôi lần, tôi có nghĩ tới việc tiết kiệm, có tiền phòng thân đề phòng bất trắc nhưng chưa có động lực. Nhìn nhiều bạn bè cùng tuổi quay cuồng với tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền tiêu và còn phải nuôi thêm gia đình, tôi thầm biết ơn vì mình vẫn thoải mái, không phải sớm lo toan, có chỗ dựa tài chính từ ba mẹ.
Khác với thế hệ được khuyến khích rời khỏi mái ấm gia đình như một “nghi thức” để gây dựng cuộc sống, sự nghiệp và nguồn tài chính độc lập với cha mẹ, nhóm Gen Z (sinh năm 1996-2010) và cuối thế hệ Millennials (1990-1996) ở Mỹ đang phải quay về sống với cha mẹ vì chi phí sinh hoạt cao, nợ học phí sinh viên, đại dịch và hậu quả của nó là suy thoái kinh tế.
Tại Hàn Quốc, cuộc nghiên cứu trên 14.000 người trưởng thành trong độ tuổi 12-49 cho thấy 49,7% những người ở độ tuổi 30 và 48,8% người ở độ tuổi 40 vẫn chưa kết hôn và đang sống cùng cha mẹ. Điều này xuất phát từ 2 lý do chính: Họ độc thân và điều kiện kinh tế eo hẹp.
Tại Anh, khoảng một phần tư thanh niên đang sống cùng bố mẹ, con số cao nhất kể từ năm 1996. Lý do chính phải kể tới là khủng hoảng tài chính, mức lương không đảm bảo, chi phí thuê, mua nhà khiến người trẻ phải vật lộn. Nhóm này cũng tạo áp lực lên các bậc phụ huynh. Việc con cái quay trở lại sống cùng nhà khiến chất lượng cuộc sống cũng như mức độ hạnh phúc của cha mẹ có xu hướng giảm mạnh.
Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách
Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. "Thậm chí ông ấy còn rất vui mừng khi biết tôi đã tìm được con đường của mình và dốc sức vì nó", Trung cho biết. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...