Sau khi cơ quan chức năng công bố N.H.N. (26 tuổi, trú Trúc Bạch, Hà Nội) là nữ bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, mạng xã hội xuất hiện nhiều chỉ trích đăng kèm hình ảnh, danh tính và nhiều thông tin khác liên quan đến cô gái này.
Sau đó, hình ảnh và nhân thân nhiều hành khách khác đi cùng chuyến bay với bệnh nhân N. cũng được lan truyền trên mạng.
Luật hiện quy định ra sao về việc tiết lộ thông tin của người bệnh cũng như việc đảm bảo bí mật cho bệnh nhân hoặc người đang cách ly?
Cần đưa tin để phòng, chống dịch
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, nói từ năm 2007, Việt Nam đã nhận thức được vấn đề liên quan phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Từ đó, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, luật này lần đầu tiên được triển khai trên diện rộng.
Trong hàng loạt biện pháp, nguyên tắc phòng dịch thì có điều khoản quy định việc công bố các thông tin liên quan đến bệnh nhân đã hoặc có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hình ảnh nữ bệnh nhân thứ 17 ở nơi cách ly. Ảnh: BSCC. |
"Cần phải công bố thông tin những người đã nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm cao", luật sư nói và giải thích đó là quyền lợi của người sống trong vùng dịch cần được biết.
Ngoài ra, luật sư cho rằng việc công khai người nhiễm hoặc đã bị cách ly y tế bắt buộc là hoàn toàn cần thiết để người dân ở cùng khu vực cần được biết đó là ai, ở địa chỉ nào, từng đi những nơi nào để họ có biện pháp bảo vệ cho bản thân, gia đình.
"Theo nguyên tắc thì với bệnh truyền nhiễm, công tác phòng dịch được đề cao hơn chống dịch", ông Tuấn Anh nói và lưu ý Điều 8 của luật này cũng quy định không được phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Thông tin tiêu cực ở đây có thể hiểu là thông tin mà từ đó có thể xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác, hoặc đưa hình ảnh của họ lên mạng để chửi bới, lăng mạ, bôi nhọ.
"Còn lại, nhân thân, hộ chiếu, hành trình di chuyển thì cần phải được công bố để người trong vùng dịch biết nhằm phòng, chống dịch", luật sư Tuấn Anh phân tích và cho rằng công khai những chi tiết này không phạm luật.
Trong trường hợp cá nhân cố tình sử dụng các thông tin, hình ảnh cần công bố để thực hiện hành vi trái luật như bêu rếu xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm thì hoàn toàn đủ căn cứ để xử lý vi phạm hành chính. Bị hại cũng có quyền yêu cầu người tung tin sai sự thật phải bồi thường vật chất, tinh thần và gỡ bỏ thông tin đó.
Phải giữ bí mật
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho biết theo khoản 5, Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra ông nói cần lưu ý thêm khoản 3, Điều 33 luật này buộc nhân viên y tế phải giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.
Theo luật sư, để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân thì Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông không công khai tên tuổi, hình ảnh của bệnh nhân.
Việc cách ly các ca bệnh và kiểm soát các vấn đề liên quan đến người bệnh như đã tiếp xúc với những ai, di chuyển từ đâu đến đâu, số hiệu chuyến bay, chuyến tàu nào... đều được thông báo cụ thể đến địa phương nơi có người tiếp xúc với ca bệnh.
Mặc dù vậy, luật sư Hùng cũng cho rằng trong một số trường hợp, việc đưa thông tin và hình ảnh của bệnh nhân để phòng chống bệnh chứ không phải phân biệt đối xử thì vẫn có thể được chấp nhận.
"Virus corona có mức độ lây lan và nguy hiểm cao. Luật quy định cấm đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực. Còn trong trường hợp đưa thông tin để khuyến cáo với chủ đích tích cực thì vẫn có thể được", ông Hùng nói và cho rằng nếu cơ quan Nhà nước yêu cầu thì bệnh viện và bác sĩ phải cung cấp.
Nhiều trường hợp bị phạt tiền vì tung tin sai sự thật lên mạng. Ảnh: Công an Lào Cai. |
Cũng theo các luật sư, trong trường hợp người dùng mạng xã hội lợi dụng thông tin, hình ảnh bệnh nhân hay của người đang cách lý để chửi bới, xúc phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Cụ thể, nếu hành vi chửi bới, đe dọa làm cho người bị đe dọa lo sợ và nghĩ việc làm này sẽ được thực hiện, thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.
Còn nếu những lời lăng mạ, xúc phạm hay đe dọa không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính 100.000 - 300.000 đồng theo Nghị định 167/2013.
Đêm 6/3, Hà Nội công bố N.H.N. là ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội (thứ 17 tại Việt Nam) dương tính với Covid-19. Theo điều tra dịch tễ, ngày 15/2, bệnh nhân xuất cảnh từ Nội Bài sang London (Anh). Đến 18/2, bệnh nhân từ London sang Milan (Italy) khi nơi đây chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát. Đến 20/2, bệnh nhân quay trở lại London để sang Paris (Pháp) gặp chị gái.
Ngày 26/2, bệnh nhân quay lại London. Ngày 29/2, cô có biểu hiện ho nhưng không đi khám, hôm sau xuất hiện thêm triệu chứng đau mỏi người. Trong ngày 1/3, bệnh nhân đáp chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines từ London về Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3 (lúc này bệnh nhân không sốt).
Sau khi về nhà riêng, bệnh nhân xuất hiện sốt (38 độ C), ho nhiều, có đờm, mệt mỏi và đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở và được kết luận dương tính với Covid-19 tại đây.
Tổng số ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30, trong đó 16 người đã được điều trị khỏi hoàn toàn, 14 ca đang được điều trị cách ly, tình trạng sức khỏe ổn định.
Trong số 14 ca có 11 trường hợp dương tính trên cùng chuyến bay với bệnh nhân thứ 17. Ba ca còn lại gồm 2 ca lây từ nữ bệnh nhân số 17, 1 ca người Việt về từ Hàn Quốc.