![]() |
Bà Trần Phương Hoa chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Bích. |
Nội dung này được bà Trần Phương Hoa, đồng sáng lập, CEO Tổ chức giáo dục Summit, đưa ra tại hội thảo Tiêu chí "ngầm" đại học top Mỹ tìm kiếm, tổ chức tại Hà Nội chiều 13/4.
Ứng tuyển vào đại học Mỹ ngày càng khó
Theo bà Hoa, việc ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ có xu hướng ngày càng khó.
Lý do là lượng thí sinh ứng tuyển ngày một đông lên, song số chỉ tiêu dành cho sinh viên quốc tế ít và không thay đổi. Ví dụ, trong khoảng 20 năm đổ lại, mỗi năm, Đại học Harvard chỉ nhận khoảng 2-3 học sinh, Đại học Dartmouth chỉ nhận 2-4 em...
Bên cạnh đó, hồ sơ ứng tuyển ngày càng cạnh tranh khi mặt bằng chung học sinh giỏi lên. Điểm chuẩn hóa, chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng cao. Ví dụ, 5 năm trước, thí sinh đạt 1.520-1.550/1.600 điểm SAT đã được coi là cao, số lượng đếm trên đầu ngón tay. Nhưng hiện tại, điểm SAT 1.520 có thể cần thi lại để đạt mức cao hơn.
Xét riêng các ngành, bà Hoa nhận định các ngành như Công nghệ thông tin, Hóa Sinh sẽ có tỷ lệ chọi cao hơn nhiều so với những ngành như Giáo dục, Quan hệ quốc tế, Triết học...
"Ngành Công nghệ thông tin cực kỳ căng thẳng, nhất là những trường top đầu. Ứng tuyển vào ngành là cuộc đua khốc liệt", bà Hoa lưu ý thí sinh cần có chiến lược khi ứng tuyển đại học Mỹ.
Tiêu chí "ngầm" của đại học Mỹ
Chia sẻ thêm về tiêu chí chọn thí sinh của các trường đại học hàng đầu Mỹ, bà Hoa chia sẻ nhiều phụ huynh, học sinh luôn nghĩ phải đạt điểm GPA cao, phải cố thi SAT, AP cao, có giải thưởng nghiên cứu là sẽ đỗ.
Nhưng đôi khi, các trường tìm kiếm những hồ sơ thú vị hoặc lựa chọn học sinh dựa trên tính cách.
Nếu một học sinh có hồ sơ học tập xuất sắc nhưng quá kiêu ngạo, cực đoan cũng không được nhận. Hoặc hồ sơ "long lanh", 10 điểm học thuật nhưng đọc không có cảm xúc cũng có thể bị đánh trượt.
Vì vậy, phụ huynh cần tìm hiểu yếu tố trường đang tìm, tránh việc đầu tư quá đà, suốt ngày cho con đi học thêm, thi lại nhiều lần để đạt điểm tuyệt đối.
"Không phải cứ tuyệt đối SAT là trường sẽ nhận. Có bạn 1.600 SAT lại không đỗ, nhưng đôi khi, có bạn 1.490 vẫn đỗ. Đó là tiêu chí ngầm của các trường", vị CEO nói.
![]() |
Ngoài các tiêu chí chính, đôi khi, các đại học hàng đầu Mỹ có tiêu chí "ngầm". Ảnh: Harvard University. |
Nói riêng về các trường Ivy League - nhóm trường tinh hoa của Mỹ, một số thí sinh lên chiến thuật "hy sinh" sở thích cá nhân, lựa chọn các ngành ít cạnh tranh như Khảo cổ học, Đông phương học... để có cơ hội vào các trường đại học danh tiếng này, sau đó chuyển ngành sau.
Theo bà Hoa, nếu một học sinh có nền tảng vững chắc và hoạt động ngoại khóa trong lĩnh vực STEM lại cố tình nộp đơn vào ngành khoa học xã hội không liên quan, hội đồng tuyển sinh sẽ dễ dàng nhận thấy sự thiếu nhất quán này trong hồ sơ.
Hoặc một số bạn đã học chuyên Tin, chuyên Lý, nếu nói thích học Văn học sẽ rất khó tin. Các em có thể nói ngoài việc học Tin học, Khoa học tự nhiên, em rất thích đọc sách thì hợp lý. Nhưng việc nói muốn nghiên cứu sâu về Văn học lại là một chuyện khác, trừ khi các em có những thành tích đặc biệt trong lĩnh vực này, chẳng hạn như viết sách hoặc có gì đó rất đặc biệt.
"Việc xây dựng hồ sơ du học cần được thực hiện sớm và đảm bảo sự thống nhất và logic", bà Hoa nhấn mạnh.
Vị CEO lưu ý phụ huynh tuyệt đối không nên tìm cách "làm đẹp" hồ sơ bằng cách gian dối, như làm giả giấy tờ hoặc khai báo thông tin sai lệch.
Hồ sơ du học cần phải trung thực. Nếu bị phát hiện hồ sơ giả, thí sinh có thể bị tước thư mời sau khi nhập học, thậm chí cha mẹ còn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý vì hành vi gian lận này.
Chia sẻ thêm về việc chọn ngành, bà Hoa nhận định việc lựa chọn được ngành học phù hợp ngay ở tuổi 16-17 là khó, bởi lúc này, các em chưa hiểu rõ về ngành nghề.
Vì vậy, các em nên tiếp cận bằng cách tìm hiểu về những môn học thế mạnh liên quan đến ngành, hoặc sử dụng phương pháp loại trừ dựa trên sở thích và năng lực.
Ví dụ, không thích Toán, các em sẽ loại trừ nhóm ngành STEM, không thích kinh doanh sẽ loại trừ nhóm ngành Tài chính. Từ đó, các em có thể xác định được nhóm ngành phù hợp và xây dựng hồ sơ cá nhân tương ứng.
Vị CEO cho biết ưu điểm của nhiều đại học Mỹ là cho phép sinh viên được đổi ngành học hoặc học 2-3 chuyên ngành một lúc.
Do vậy, khi chọn ngành ứng tuyển, thí sinh cần có sự tính toán "khôn ngoan" trong chuyện kết hợp ngành để tạo nét riêng cho hồ sơ.
Các phụ huynh phải hiểu con có những chỉ số hợp với ngành nào, không nên "đóng đinh" vào một ngành học cụ thể.
Thay vào đó, có thể cân nhắc một ngành tương đối phù hợp, dễ trúng tuyển, đồng thời tạo cơ hội cho con chuyển đổi ngành sau này nếu cảm thấy phù hợp hơn, tránh lãng phí thời gian và vẫn có cơ hội vào được trường yêu thích.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.