Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

TikTok ‘náo loạn', phụ huynh chia phe vì cách dạy con quen thuộc

Chỉ trong vài ngày, một nữ phụ huynh đã nhận về nhiều chỉ trích trên mạng xã hội khi chia sẻ cách dạy con theo phương pháp Montessori.

Nhiều người để lại bình luận chế nhạo, chỉ trích phương pháp dạy con của một phụ huynh. Ảnh: SCMP.

“C. là một em bé được nuôi dạy theo phương pháp Montessori. Vì vậy, bạn ấy rất cá tính, tự tin, không quan tâm lắm đến xung quanh, rất có quan điểm, có chính kiến. Và đặc biệt, với những bậc phụ huynh nuôi con theo cách truyền thống thì khi gặp C. sẽ khá là crazy (phát điên - PV). Nhưng bạn C. cũng không quan tâm lắm. Cá nhân mình có những nguyên tắc rất cứng với con, vì mình cũng là người rất nguyên tắc. Thế nhưng, C. luôn có sự tự do trong khuôn khổ…”

Đó là chia sẻ của một bà mẹ trên nền tảng TikTok, đi kèm với đó là hình ảnh cậu con trai 8 tuổi có những hành động vui đùa. Video này đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem chỉ sau một ngày.

Thế nhưng, từ một chia sẻ về phương pháp dạy con của một bà mẹ, cộng đồng mạng đã bùng nổ tranh cãi. Trong đó, nhiều bình luận chế nhạo phụ huynh và phương pháp giáo dục Montessori.

“Một chị gái nhà giàu, giáo dục con bằng cách cho con tự làm gì tùy thích, không khuôn khổ, nhìn đứa con hành động đã thấy không bình thường", một người để lại bình luận.

“Montessori nào dạy con không quan tâm đến xung quanh thế?”, có người đặt câu hỏi.

“Dạy con không quan tâm đến xung quanh thì con chỉ có lỳ lợm, khó bảo, thiếu tôn trọng người khác. Phụ huynh đang thần thánh hóa phương pháp Montessori quá rồi", một người khác nói.

Không chỉ tranh cãi trong các video hay phần bình luận, thậm chí, nhiều người vô tư lấy lời chia sẻ trên ghép vào các video có hình ảnh động vật.

Nguồn cơn tranh cãi

Xem được video do phụ huynh chia sẻ trên TikTok, chị Phạm Thi (sống tại Hà Nội) bày tỏ nghi ngại, không biết phương pháp giáo dục Montessori có vấn đề gì hay người mẹ diễn đạt sai khi dạy trẻ không quan tâm đến xung quanh.

“Không tìm hiểu kỹ về phương pháp Montessori nhưng mình cũng từng nghe qua đây là phương pháp giáo dục hiện đại, không đòn roi. Nhưng giáo dục hiện đại mà dạy trẻ không quan tâm đến xung quanh thì mình nghĩ có vấn đề", chị Thi chia sẻ.

Song chị cũng nhận định bạn nhỏ trong video có chút hiếu động, tinh nghịch, nhưng không thể nói là con không bình thường như cộng đồng mạng chế nhạo.

tranh cai day con anh 1

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự nghi ngại về phương pháp giáo dục Montessori. Ảnh minh họa: Adobestock.

Liên quan đến những tranh cãi về phương pháp Montessori, chị T.H. (phụ huynh ở Hà Nội) nói rằng nguồn cơn của tranh cãi bắt nguồn từ việc người mẹ trên TikTok diễn đạt, chia sẻ sai về phương pháp Montessori nên khiến dân mạng hiểu nhầm và có cái nhìn tiêu cực, từ đó làm video ăn theo để chế nhạo.

Chị H. chưa xem video gốc của người mẹ do video đã bị xóa, nhưng thông qua phần âm thanh do TikToker khác sử dụng để làm video chế nhạo, chị H. thấy người mẹ này nói chưa đúng ở một số điểm như trẻ học Montessori không quan tâm đến xung quanh, phụ huynh nuôi con theo cách truyền thống sẽ “phát điên” nếu gặp trẻ được nuôi dạy theo phương pháp Montessori…

Là người có con đang học ở trường mầm non Montessori, chị H. hiểu rằng trẻ được dạy theo phương pháp này không phải không quan tâm đến xung quanh mà chỉ đơn giản là rất giỏi tập trung, có khả năng tập trung cao độ vì thời gian học của trẻ không bị gián đoạn, các em cũng được học những điều mình thích nên khả năng tập trung cũng sẽ được nâng cao.

“Nói trẻ Montessori không quan tâm đến xung quanh là không đúng. Các con giỏi tập trung, nhưng cũng rất nhanh nhạy nếu phát hiện xung quanh đang có vấn đề nào đó. Ví dụ, con mình ngồi ở phòng khách chơi ghép hình, nghe mình hét lên vì bị đứt tay lúc nấu ăn trong bếp, con sẽ ngay lập tức bỏ đồ chơi xuống rồi vào bếp xem mình bị gì”, chị H. chia sẻ.

Một điều nữa mà chị H. không đồng tình với người mẹ trên TikTok khi nói về phương pháp Montessori chính là “phụ huynh nuôi con theo cách truyền thống lúc gặp con sẽ phát điên”. Thực tế, chị H. thấy việc nuôi con theo phương pháp truyền thống, Montessori hay bất kỳ phương pháp nào đều có chung một đích đến là giúp trẻ phát triển, hoàn thiện con người.

Do đó, việc nói đứa trẻ Montessori khác biệt so với những đứa trẻ khác là chưa đúng. Các con có thể được học theo phương pháp hơi khác so với các bạn, như học bằng các công cụ được thiết kế riêng, được chọn ngồi học trên sàn nhà hoặc ngồi bàn ghế tùy thích, được chọn học những thứ yêu thích…, nhưng tựu trung, những điều đó đều là để giúp trẻ phát phát triển khả năng học hỏi, sáng tạo và hình thành những kỹ năng cần thiết, phù hợp với lứa tuổi.

“Mình không thích việc một số người cho rằng trẻ Montessori khác biệt hay ‘cao cấp’ hơn trẻ được học phương pháp truyền thống. Mọi người cứ coi như các con đang được đi học như bình thường thôi, tránh nói con khác biệt vì như thế rất dễ gây phản ứng ngược rồi gây ảnh hưởng đến con”, chị H. nói.

Đồng quan điểm, chị Phạm Thi cũng cho rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, có tính cách khác nhau, mỗi gia đình cũng có cách nuôi dạy con khác nhau, chúng ta cần tôn trọng điều đó.

Tuy nhiên, các phụ huynh cũng không nên thần thánh hóa phương pháp dạy con của mình bởi không có phương pháp giáo dục nào hoàn hảo tuyệt đối.

“Mỗi phương pháp giáo dục lại có ưu nhược điểm khác nhau, phương pháp truyền thống cũng có mặt tốt mặt hại, phương pháp Montessori cũng vậy. Quan trọng là phụ huynh cần điều chỉnh trong quá trình nuôi dưỡng để phù hợp với con”, chị Thi bày tỏ.

tranh cai day con anh 2

Phương pháp giáo dục Montessori do tiến sĩ người Italy - Maria Montessori phát triển vào đầu những năm 1900. Ảnh minh họa: Chrysalis Montessori School.

Dân mạng đã quá đà

Nói thêm về những tranh cãi trên mạng, chị T.H. nói rằng người mẹ trong vụ việc này có phần lỗi vì diễn đạt sai cách, gây hiểu nhầm, nhưng chị cũng không đồng tình với một bộ phận dân mạng khi hùa vào chửi bới, thậm chí công kích con trai của nữ TikToker này. Chị H. đánh giá đó là hành động kém văn minh, thô lỗ.

Khi vụ việc xảy ra, một số người khác cũng làm nội dung ăn theo, hoặc bình luận nói họ dạy con theo phương pháp bàn tay phải (đánh con), phương pháp 1 đến 3 (dọa con phải làm theo mệnh lệnh), phương pháp cây roi… Chị H. thấy những nội dung như vậy rất phản cảm vì điều đó đang cổ xúy cho phương pháp dạy con cực đoan.

Là mẹ của hai đứa con nhỏ, chị H. hiểu rằng khi đến một giai đoạn nhất định, trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh, khó bảo nên cha mẹ vẫn cần áp dụng kỷ luật để rèn tính cách cho con. Tuy nhiên, kỷ luật hoặc đòn roi không đồng nghĩa với việc dùng bạo lực mạnh.

Đồng quan điểm, chị Thi cho rằng mỗi gia đình có một phương pháp giáo dục con riêng, miễn là nó phù hợp với con. Các phụ huynh khác không nên phán xét, dùng từ ngữ nặng lời với một đứa trẻ mới chỉ khoảng 7-8 tuổi.

“Không phải cứ thấy người khác không giống mình, khác với số đông là công kích, chế nhạo người ta không bình thường. Điều đó cũng thể hiện sự kém văn minh, thiếu tôn trọng sự khác biệt”, chị Thi bày tỏ.

Về phần người mẹ trong vụ việc trên, chị Thi cho rằng trước tiên, phụ huynh này cần hiểu hoặc diễn đạt đúng về phương pháp giáo dục con trước khi đưa quan điểm lên mạng xã hội. Điều này thứ nhất giúp bảo vệ con và gia đình khỏi sự tiêu cực, đồng thời tránh gây hiểu lầm cho cộng đồng mạng.

Chị H. cũng đề xuất người mẹ nên hạn chế đưa con lên mạng xã hội. Hiện tại, những nền tảng như TikTok đa dạng người xem, kiểu người nào cũng có nên việc đưa trẻ lên các video công khai rất nguy hiểm. Ngoài việc con bị công kích, chê bai, các em cũng có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân nên phụ huynh cần hạn chế để không ảnh hưởng đến con.

“Phụ huynh đấy chia sẻ cách dạy con cũng được, nhưng không nên đưa hình ảnh con vào, kể cả bóng lưng cũng không nên. Bây giờ mạng xã hội độc hại, chỉ cần một video vài giây cũng đủ để họ suy diễn, chỉ trích đến cùng. Bản thân phụ huynh không thể quản được miệng lưỡi của dân mạng thì phụ huynh có thể phòng tránh bằng cách không công khai hình ảnh của con, thế là an toàn nhất”, chị H. nhấn mạnh.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Đừng nuôi dạy con thành đứa trẻ hư

Theo trang Parents, nguyên nhân chính khiến trẻ trở nên hư hỏng thường xuất phát từ cách giáo dục quá nuông chiều.

Ngọc Bích - Thái An

Bạn có thể quan tâm