Trong clip nhận được 3,8 triệu lượt xem, nữ TikToker đóng vai "công chúa" một tay ôm tà váy bồng bềnh, một tay phải bám vào phần tay vịn thang cuốn song vẫn chới với. Khi di chuyển, cô cũng thường xuyên phải túm tà váy để không vấp ngã, vướng vào đồ vật xung quanh.
Trong một clip có nội dung tương tự, chủ tài khoản TikTok @buiibaootramm21 và người bạn đi chung hai tay ôm phần tùng váy rộng, vừa nhìn trước ngó sau, chật vật để váy không bị cuốn vào thang.
Những cô gái này đều đang tham gia trào lưu "công chúa đi siêu thị” lan truyền trên TikTok. Bắt nguồn từ Trung Quốc, người tham gia mặc những chiếc váy màu sắc sặc sỡ, bồng bềnh như công chúa, trang điểm cầu kỳ và đến dạo chơi ở siêu thị, trung tâm thương mại, ghi lại hành trình cùng phản ứng của người xung quanh.
Tính đến 13/4, hashtag #congchuadisieuthi có 64,8 triệu lượt xem trên nền tảng này tại Việt Nam. Các clip bắt trend nhận được từ hàng nghìn đến vài triệu lượt xem.
Với độ hot ngày càng tăng của trào lưu, các “công chúa” cùng ê-kíp, người quay phim đi chung đổ bộ siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng nhiều, kéo theo đó là nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là sự lo ngại về độ an toàn và ảnh hưởng đến người xung quanh.
Hai TikToker (trái) bị kẹt váy vào thang cuốn khi mặc váy công chúa đi siêu thị. |
Ranh giới giữa giải trí và phiền toái
Trong phần lớn clip, các TikToker chọn những bộ váy cồng kềnh, nhiều chi tiết để ghi hình.
Nhiều bình luận dưới các đoạn video của những “công chúa” cho rằng các tà váy có thể vướng vào hàng bày bán, vật trang trí ở siêu thị gây đổ vỡ. Bên cạnh đó, vì thường đi kèm giày cao gót, các cô gái dễ trượt ngã khi gặp sàn nhà trơn trượt, lối đi không bằng phẳng.
“Nhìn mấy đuôi váy dài lê thê mà sợ quá”, “Nhìn mà lo giùm mấy bạn này lúc di chuyển qua mấy khu nhỏ, nhiều đồ hay thang cuốn”, “Xinh nhưng mà thấy trend này hơi ‘ô dề’ (hành vi lố lăng, làm quá - PV), đi vào thang máy hay thang cuốn thì nguy hiểm lắm”, nhiều tài khoản bình luận.
Trong một clip của tài khoản @chiemnhansam, bộ váy dài quết đất, được may nhiều lớp của hai cô gái đã bị vướng vào thang cuốn. Khi cả hai đang loay hoay, một nhân viên siêu thị ở gần đó phát hiện và nhanh chóng tới giúp đỡ.
“Bọn mình/em gửi lời xin lỗi tới các bạn/anh chị vì đã làm phiền và gây ảnh hưởng đến mọi người. Gửi lời cảm ơn các anh kỹ thuật, anh chị đi đường đã giúp đỡ, động viên bọn em trong tình huống hoảng loạn. Sự cố xảy ra là điều không ai mong muốn. Video này đăng lên để bọn mình cùng mọi người rút kinh nghiệm cẩn thận hơn”, chủ nhân tài khoản này lên tiếng trong một clip sau đó.
Trang phục vướng víu, làm lố của TikToker khi tham gia trào lưu. |
Sự bất tiện khi di chuyển cũng là điều được chính nhiều TikToker thừa nhận. Các cô gái thường xuyên phải ôm váy để không bị vấp ngã, vướng vào nơi nguy hiểm. Một cô gái thậm chí bị kẹt mép váy vào xe chở hàng siêu thị.
Bên cạnh đó, việc mặc đồ cồng kềnh đến siêu thị, trung tâm thương mại - những nơi đông người - là yếu tố khiến nhiều người ngán ngẩm trào lưu này.
Vì mục đích chính là quay clip, nhiều TikToker liên tục tạo dáng, phần tà váy dài thướt tha cũng choán phần lớn lối đi giữa các gian hàng.
Trong một clip của tài khoản @khoakt94, TikToker này và người bạn diện chiếc váy có tùng rộng, “diễn sâu” chọn đồ hay trêu chọc, xô đẩy nhau trong không gian siêu thị thay vì mua sắm.
Tài khoản @tran.quyen03 lại chọn chiếc váy cưới và khăn voan cài đầu dài, đính thêm chùm bóng bay màu trắng phía sau để thu hút sự chú ý. Khi có người bình luận: “Sao mình thấy hơi ô dề”, nữ TikToker đáp: “Bạn thấy vậy là mình thành công rồi”.
Cũng bắt trend "công chúa đi siêu thị" vào đầu tháng 4, hai TikToker trong video của tài khoản @lan150195 cho biết bị "cấm cửa", không được vào siêu thị quay clip với bộ váy bồng bềnh.
"Chuẩn bị mấy ngày để quay trend cuối cùng siêu thị không cho vào, cấm công chúa", tài khoản chú thích video, cho biết cuối cùng phải sang một công viên ghi hình.
Lựa chọn trend có ý thức
Thời gian qua, TikTok là nơi lan truyền nhiều trào lưu, thử thách được người trẻ hưởng ứng. Tuy nhiên, không ít trong số này gây tranh cãi, nhận chỉ trích vì gây hại, làm phiền người khác hay các TikToker bỏ qua mục đích ban đầu, cố tình làm lố để câu view.
Đầu tháng 4, TikToker T.L. và M.C. đóng giả làm du khách Hàn Quốc đến chợ Bến Thành (TP.HCM) mua đồ, thử trình độ ngoại ngữ của tiểu thương ở đây.
Hai TikToker giả làm người nước ngoài vào chợ Bến Thành mua sắm. |
Ở quầy đầu tiên, hai nữ TikToker được một người bán niềm nở giới thiệu hàng hóa.
Đến quầy thứ hai, họ bị phát hiện là người Việt. Một số người xung quanh cũng nhận ra và khó chịu: “Muốn kiếm chuyện đúng không?”, “Đừng có mà quay nữa”. Trước phản ứng, cả hai nhanh chóng tháo chạy mà không có lời giải thích hay xin lỗi nào cho hành động của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng hai TikToker đang làm phiền những người bán hàng ở chợ, vô duyên hơn là chỉ mang tính vui vẻ. Mục đích chính của họ cũng chỉ là quay clip kiếm view thay vì mua đồ ủng hộ.
Trên thế giới, hồi tháng 7/2022, TikTok xuất hiện nhiều clip của các thanh thiếu niên mặc vest, sơ mi, đeo kính râm đi xem bộ phim Minions: The Rise of Gru. Với hashtag #gentleminions, các clip này nhận được hơn 65 triệu lượt xem.
Tuy nhiên, theo NPR, nhiều thanh thiếu niên được ghi nhận gây ồn ào, cười đùa trong rạp phim, ảnh hưởng đến những khán giả xem chung. Sau đó, một số rạp ở Anh đã phải thông báo cấm khán giả mặc vest đến đến các buổi chiếu phim hoặc đưa ra cảnh báo đến những TikToker làm phiền người khác.
Dù vậy, vẫn có không ít thanh thiếu niên cố tình phản ứng bằng cách mặc đồ bình thường bên ngoài, sau đó cởi ra, để lộ trang phục vest, sơ mi bên trong khi vào phòng chiếu.
Thanh thiếu niên Ấn Độ làm phiền người khác khi bắt trend nhảy nhót. |
Đầu tháng 3 vừa qua, tập đoàn đường sắt Delhi Metro (DMRC) ở Ấn Độ quyết định đưa ra thông báo cấm quay video nhảy nhót, cũng như bất kỳ hoạt động nào có thể làm phiền tới những hành khách khác, sau khi xuất hiện tình trạng nhiều thanh thiếu niên quay clip nhảy múa trên các chuyến tàu.
“Tàu điện ngầm về cơ bản là để đi lại thoải mái. Chúng tôi không muốn hành khách của mình gặp bất tiện bởi hành động thiếu ý thức”, Anuj Dayal, phát ngôn viên của DMRC, nói với The Straits Times.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.