MV Tết của Lifebuoy đã trở thành món ăn tinh thần được công chúng háo hức đón chờ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Lấy cảm hứng từ cái vỗ về của gia đình để động viên mỗi người sau nhiều khó khăn, MV Tết vỗ về tiếp tục tạo nên cơn sốt trong những ngày cận kề năm mới.
Trong MV chào xuân Ất Tỵ 2025, Lifebuoy vẫn giữ những giá trị cốt lõi tạo nên thành công ở các mùa Tết trước. Đó là màn kết hợp của các nghệ sĩ nổi tiếng như Bùi Công Nam, Jun Phạm, Đông Nhi, Ông Cao Thắng... để tạo nên một bài hát với ca từ ý nghĩa truyền tải qua chất giọng đầy xúc cảm; cốt truyện có chiều sâu được kể theo trình tự tuyến tính; những mảnh đời, hoàn cảnh được xây dựng từ sự thấu hiểu bối cảnh xã hội, để bất cứ người xem nào cũng có thể thấy mình trong đó... Tất cả nhằm lan tỏa ý nghĩa về một cái Tết được vỗ về, khi mọi người đều có sức khỏe và có nhau.
Thấy mình trong từng câu chuyện
“Ba ơi, chắc Tết này con không về”, MV mở đầu bằng lời tự sự của An - một cô gái trẻ bỏ quê lên phố lập nghiệp đang tất bật với công việc tại xưởng gốm. Đó cũng là nội dung dòng tin nhắn An vẫn chưa dám gửi cho người đã sốt sắng giục con gái đặt vé xe về quê sớm từ nhiều ngày trước.
Câu chuyện của An đại diện cho những người trẻ xa quê lập nghiệp. |
Hóa ra, không phải vì xưởng nhiều việc vào dịp cận Tết nên An chưa được về, mà chính người bạn cùng phòng lấy trộm số tiền tiết kiệm cả năm đã khiến cô chẳng thể về dù có muốn. Trước cú vỗ của cuộc đời, An chẳng thể làm gì hơn ngoài cất vội chiếc điện thoại vào túi để trở về với công việc thường ngày.
Khoảnh khắc nhìn người đồng nghiệp cùng con gái nhỏ vui đùa bên nhau làm An mỉm cười khi nhớ về ba và những ký ức tuổi thơ. Dẫu vậy, đó cũng chỉ là hạnh phúc thoáng qua khi cô nhận ra bản thân đang cô đơn biết nhường nào.
Gõ vội dòng tin nhắn “Ba ơi, con muốn về...”, thay vì bấm gửi, An lại gục đầu khóc một cách bất lực như mọi lần. Có lẽ, cô đang chờ đợi một phép màu để trốn khỏi thực tại này, lập tức bay về nhà trong vòng tay vỗ về của ba. An là điển hình của những người trẻ xa nhà, cố gắng phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng lại luôn giấu nhẹm những tủi hờn vì sợ ba mẹ lo lắng.
“Về nhà đi con gái” - giọng nói ấm áp cất lên cùng sự xuất hiện bất ngờ của ba tại xưởng gốm khiến An vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Phép màu cô chờ đợi cuối cùng cũng tới.
“Ngày mới lớn đưa chân đi bon chen
Quên mất những lời ba dặn khi Tết đến
Là dù đời có dập dìu sóng vỗ
Thì về nhà mọi cơn sóng hóa hư vô”.
Gia đình luôn là điểm tựa sau những cú vỗ từ cuộc đời. |
Khi An cùng ba về tới nhà cũng là lúc người xem gặp mặt gia đình hàng xóm là NSND Hồng Vân và 2 chị em Đông Nhi, Jun Phạm (Vũ).
Lau đi lau lại tấm ảnh gia đình với ánh mắt trông ra sân ngóng con về là tâm trạng của mọi người mẹ mỗi dịp Tết đến. Tết vỗ về đưa người xem ngược về quá khứ, từ Vũ với bước đi chập chững, những lần 2 chị em thi đua khoe điểm tốt hay chành chọe ở khoảng sân nhỏ, cho đến khi gia đình lần đầu “chạm mặt” người bạn đời của cậu em trai.
Trong phút giây đoàn tụ, đại gia đình cùng nhau làm từng bó hương Tết truyền thống, biến khoảng sân đã gắn bó với Vũ suốt cả tuổi thơ trở nên rực sắc đỏ vàng của mùa Tết. Các thành viên trong gia đình Vũ đều biết về mối quan hệ của cậu với người bạn trai. Song, thay vì chọn phản ứng một cách tiêu cực, họ lặng lẽ quan sát bằng cái nhìn thấu hiểu, cổ vũ người con trai duy nhất trong nhà sống thật với chính mình bất chấp những định kiến.
Dù bạn là ai hay như thế nào, khi Tết về, điều quan trọng nhất vẫn là khoảnh khắc đoàn viên, sức khỏe và niềm vui cho mọi người.
“Này đừng tào lao, nơi để ta nghỉ ngơi là nhà
Về đây mau
Nhà là chẳng cần gồng mình, chẳng điều gì phải giấu
Vinh hoa hay ê chề, miễn cứ khỏe mà về”.
“Tết vỗ về” cho tất cả
Không gì quý giá hơn được ở bên gia đình vào Tết đoàn viên, nhưng ngay cả những người cô đơn cũng cần được vỗ về. Đó là câu chuyện của bà cụ do NSƯT Lê Thiện thủ vai - người sống một mình trong căn nhà trống hoác với nỗi đau mất mát sau trận bão quét qua. Hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi một mình loay hoay với những công việc nhỏ nhặt, trở mình liên tục giữa đêm bởi những ký ức tang thương còn đeo bám khiến người xem không khỏi chạnh lòng.
Trong căn nhà tối với ánh đèn dầu le lói đó, tia sáng của hy vọng bất ngờ xuất hiện từ khung cửa sổ khi chàng trai trẻ Khoai Lang Thang dẫn theo đoàn gồm gia đình Vũ, An và những người dân xung quanh tới mang hơi ấm cho bà cụ.
Sau nhiều mất mát, cuối cùng, người phụ nữ cũng tìm thấy niềm tin từ sự vỗ về của cả cộng đồng để có cái Tết trọn vẹn hơn. Đây không chỉ là lời an ủi Lifebuoy gửi tới những nạn nhân của bão Yagi, mà còn cho thấy thông điệp sâu sắc về tình người và sự gắn kết: Niềm vui của Tết không gói gọn trong mỗi gia đình, mà còn lan tỏa tới cả xã hội.
“Tết đến để mình được chở che
Nâng niu như ngày còn khóc nhè
Để mừng vui vì còn sức khỏe, gia đình mình vẫn thế
Tết về là để ta vỗ về”.
Ngay cả những người cô đơn cũng cần một cái Tết được vỗ về. |
Ra mắt đúng 0h ngày 1/1 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM và trên các nền tảng mạng xã hội, MV Tết vỗ về không chỉ thu hút sự tham gia của hàng trăm khán giả ở sự kiện, mà còn nhận được sự đồng cảm lớn từ cộng đồng mạng. Chưa đầy 3 ngày, MV đã đạt hơn 1,2 triệu lượt xem và vào danh mục thịnh hành trên nền tảng YouTube. Những bài đăng giới thiệu MV của các nghệ sĩ cũng nhận về lượng tương tác lớn, tiêu biểu như Khoai Lang Thang với hơn 27.000 lượt bày tỏ cảm xúc.
Những người hâm mộ mong ngóng MV Tết của Lifebuoy cuối cùng cũng được chiêu đãi một món ăn tinh thần thịnh soạn và đầy ý nghĩa. Trên nền tảng TikTok, nhiều người dùng cũng làm những video phân tích các chi tiết ẩn dụ trong MV và gọi Tết vỗ về là một “bữa tiệc cảm xúc” với lời bài hát hứa hẹn viral khắp cõi mạng dịp Tết này.
Qua MV Tết vỗ về, Lifebuoy cùng các nghệ sĩ một lần nữa nhấn mạnh giá trị bất biến của ngày Tết: Khoảnh khắc đoàn viên và tình yêu thương lan tỏa, từ đó nhắc nhớ mọi người “Vinh hoa hay ê chề, cũng phải khỏe mà về”, bởi có gia đình, có sức khỏe là Tết này đã được “vỗ về”.