Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tìm mọi cách vào đại học vì sợ thi lại chương trình mới

Để tránh việc phải thi lại theo chương trình mới vào năm sau, nhiều thí sinh ra sức học, sử dụng nhiều phương thức xét tuyển để tăng cơ hội đỗ đại học năm nay.

Sĩ tử 2006 chạy đua với các mốc thời gian, dành toàn tâm sức cho việc học. Ảnh: Pexels.

Huyền Châm (2006) là học sinh lớp 12 tại Hà Nội. Chỉ khoảng nửa năm nữa, nữ sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2024. Đây là năm tuyển sinh đại học cuối cùng dành cho những học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông cũ.

Từ năm 2025, học sinh sẽ thi và xét tuyển theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi lớn. Điều này khiến nhiều học sinh 2006 lo ngại nếu chẳng may năm nay trượt đại học hoặc không đỗ ngành yêu thích.

“Năm 2025, không những kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ khác mà ngay cả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc các phương thức xét tuyển khác của các trường đại học cũng thay đổi để phù hợp với chương trình mới. Như vậy, nếu em không đỗ nguyện vọng yêu thích vào năm nay và chọn thi lại, chẳng khác nào em phải chuẩn bị lại từ con số 0 để xét tuyển vào năm 2025”, Huyền Châm băn khoăn.

Tham gia nhiều kỳ thi để tăng cơ hội

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Huyền Châm cho hay chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi so với chương trình mà em đang theo học. Nếu phải thi lại, nữ sinh sẽ không thể theo kịp các em khóa dưới.

Vì vậy, nữ sinh tìm mọi cách để chắc suất vào đại học năm nay, nhất định không thi lại vào năm tới. Ngay từ cuối lớp 11, Châm đã lên mạng để tìm hiểu các phương thức xét tuyển vào các trường đại học và nhận thấy cơ hội khá rộng mở.

Sau vài tuần cân nhắc, Châm quyết định ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, em sẽ dùng thêm điểm học bạ và và tham gia thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển vào các trường đào tạo sư phạm.

“Ban đầu, em dự tính dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ nhưng nhận thấy khó cạnh tranh, nên quyết định thi thêm đánh giá năng lực dù việc ôn tập vất vả hơn", Châm cho hay.

Tương tự, Kim Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng “không dám nghĩ đến cảnh phải thi lại đại học". Nữ sinh nói rằng nếu chẳng may không đỗ nguyện vọng yêu thích, em vẫn sẽ học các trường thấp điểm hơn vì không muốn thi lại chương trình mới.

Giống như Huyền Châm, trước khi vào năm học mới, Kim Anh đã tìm hiểu yêu cầu xét tuyển của một số trường đại học để tìm ra phương thức phù hợp nhất cũng như vạch ra kế hoạch học tập.

“Em dự tính đăng ký vào Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Hà Nội. Mỗi trường lại có phương thức xét tuyển cũng như yêu cầu khác nhau, em phải mất vài tuần để hiểu hết và chọn ra 4 hướng đi", Kim Anh chia sẻ.

Nữ sinh chốt sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực và chứng chỉ IELTS là ba phương thức xét tuyển chính. Ngoài ra, em dùng thêm điểm học bạ để dự phòng vào các trường thấp điểm hơn.

Cũng thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân, Nguyễn Minh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng chọn phương án an toàn là đa dạng phương thức xét tuyển để đỗ đại học năm nay, tránh phải thi lại vào năm sau.

Minh dự định dùng IELTS kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT là phương thức xét tuyển chính. Các phương án dự phòng bao gồm dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ.

“Ban đầu, em cũng phân vân giữa nhiều phương thức, trong đó có cả thi đánh giá năng lực. Nhưng em nhận thấy học IELTS khá nặng, nếu ôn thêm đánh giá năng lực, em lo sẽ quá sức", Minh nói.

tuyen sinh 2024 anh 1

Từ năm 2025, học sinh sẽ thi và xét tuyển theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi lớn. Ảnh: Pexels.

Ra sức học để đỗ

Chọn dùng thêm chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học đồng nghĩa với việc Minh sẽ vất vả hơn trong việc học. Chưa kể, không chỉ mình em, rất nhiều sĩ tử 2006 cũng áp dụng nhiều phương thức, nên Minh cảm thấy “áp lực chồng áp lực" bởi mức độ cạnh tranh cao.

Ngay từ đầu lớp 11, ngoài việc học trên lớp, nữ sinh đã bắt tay vào học IELTS. Do ở ngoại thành Hà Nội, nữ sinh chọn học trực tuyến. Chỉ khi được nghỉ hè, em mới vào nội thành để học trực tiếp.

Tháng 2 tới, Minh sẽ thi lấy chứng chỉ IELTS. Vì vậy thời gian này, nữ sinh dốc toàn lực cho việc ôn tập, luyện nhuần nhuyễn các kỹ năng.

“Hiện tại, em tập trung học thêm từ vựng, ôn kỹ Reading và Listening để tăng cơ hội kéo điểm. Em dành mọi buổi tối trong tuần để học IELTS, khoảng 5 giờ/ngày”, Minh cho hay.

Đặt mục tiêu đạt 7.0 IELTS, thế nhưng, Minh vẫn lo lắm bởi bây giờ, các bạn đạt 7.5-8.5 IELTS cũng nhiều vô kể.

“7.0 IELTS chưa là gì. Vậy nên, em phải cố gắng đạt điểm cao môn Toán và Địa lý để xét tuyển kết hợp. Song song với học IELTS, em tập trung cày môn Toán vào các buổi chiều. Còn môn Địa lý, em dự định thi xong chứng chỉ rồi học vì môn này có phần dễ hơn. Học nhiều, em cũng mệt lắm nhưng phải cố thôi", Minh chia sẻ.

Tương tự, ngoài lịch học trên trường, Kim Anh học thêm môn Toán và Vật lý, 4 buổi/tuần. Cùng với đó, 3 buổi/tuần, nữ sinh bắt xe buýt vào nội thành để học IELTS, chuẩn bị thi trong tháng 1.

“Hiện, việc ôn tập cho kỳ thi IELTS đã chiếm gần hết thời gian của em. Sau khi thi xong chứng chỉ, em mới tiếp tục ôn đánh giá năng lực. Em phải chia thời gian như vậy để không chồng chéo và quá tải”, nữ sinh chia sẻ.

Dù vậy, từ đầu năm học đến nay, Kim Anh vẫn thường trong trạng thái căng thẳng. Tham gia 3 kỳ thi, nữ sinh phải cố gắng gấp 3 lần các bạn khác. Chưa kể, em vẫn phải hoàn thành đầy đủ mọi môn học trên lớp để đảm bảo điểm học bạ.

“IELTS khó hơn rất nhiều so với tiếng Anh THPT. Còn thi đánh giá năng lực, do học khối tự nhiên, em phải dành thời gian ôn thêm các môn xã hội. Chưa kể, kiến thức bên ngoài sách vở cũng rất nhiều”, Kim Anh nói.

Trong khi đó, Huyền Châm cảm thấy may mắn bởi lộ trình ôn thi tốt nghiệp THPT cũng đồng nhất với ôn thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội. Em không phải phân tách ôn tập quá nhiều.

“Hiện tại, em vẫn tự ôn đánh giá năng lực. Ngoài ra, em đăng ký đi học thêm Toán và Ngữ văn, 4 buổi/tuần. Bây giờ, em chỉ được nghỉ sáng chủ nhật. Thời gian còn lại, em dành toàn bộ cho việc học. Dù mệt nhưng chỉ còn một thời gian ngắn, em phải cố gắng hết sức", Châm cho hay.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Sợ phải thi lại chương trình mới, thí sinh 2006 học không dám nghỉ

Đối với học sinh 2006, nỗi lo thi tốt nghiệp THPT thêm phần căng thẳng khi sợ rằng nếu năm nay không đậu, các em sẽ “hẹp cửa” khi thi lại theo chương trình mới vào năm sau.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm