Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm nguồn phiên dịch tốt để xử bị cáo ngoại

Có ngoại ngữ rất ít người biết và người phiên dịch được trưng dụng sống trong cộng đồng nhỏ, rất dễ biết nên có thể bị đe dọa trả thù, áp lực…

Ngày 20/6, VKSND TP.HCM đã tổ chức hội thảo về thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong công tác công tố, kiểm sát các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài tại TP.HCM

Đại diện VKSND thành phố cho biết trong ba năm qua (2014 - 2016) có 108 vụ với 146 bị can người nước ngoài (của 25 quốc gia, vùng lãnh thổ) bị khởi tố, truy tố.

TAND thành phố đã xử 7 bị cáo tử hình, 4 bị cáo chung thân về tội Giết người; Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và 8 bị cáo trên 15 năm… Riêng ba hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, trục xuất không bị cáo nào được áp dụng.

VKS cũng nêu 4 khó khăn, vướng mắc khi điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo người nước ngoài, đó là ngôn ngữ, xác định nhân thân lý lịch, sự tham gia của người bào chữa và thẩm quyền. Trong đó, ngôn ngữ là vấn đề được nhiều đại biểu bàn luận.

Theo đó, VKSND thành phố cho rằng cần hoàn thiện các chế định liên quan đến người phiên dịch; nghiên cứu, thành lập trung tâm đào tạo, bổ nhiệm phiên dịch viên pháp lý để đảm bảo nguồn phiên dịch có chất lượng, hiệu quả.

Đồng tình, đại diện TAND thành phố cho biết có phiên tòa đại diện cho lãnh sự quán có công dân phạm tội có sự phản ứng về chất lượng dịch của người phiên dịch tại tòa chưa đúng với trình bày của bị cáo.

Công tố viên Nhật Bản Takako Tsukabe, chuyên gia dự án JICA, nêu kinh nghiệm ở Nhật Bản là luôn chuẩn bị sẵn nguồn phiên dịch viên. Nguồn này được lấy từ trường học, tổ chức thương mại, công ty tư… Những người này sau khi được xác định có nhân thân tốt, đủ điều kiện sẽ được tổ chức cho tham khảo thực tế để “cứng cáp” khi phiên dịch.

Một nữ thẩm phán tòa địa phương ở Osaka, Nhật Bản cho biết cơ sở dữ liệu về phiên dịch tại Nhật có 4.000 người đăng ký từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tư nhân…, có cả những người nội trợ. Tòa án luôn mở các hội thảo mô phỏng về phiên xử cho họ làm quen trước khi hành nghề.

Cơ quan tố tụng cũng đặt đến vấn đề an toàn tính mạng cho người phiên dịch. Có những ngoại ngữ rất ít người biết và người phiên dịch được trưng dụng sống trong cộng đồng nhỏ, rất dễ biết nên có thể bị đe dọa trả thù, áp lực…

Tòa án không công bố tên và địa chỉ của người phiên dịch, cơ quan điều tra và công tố cũng tương tự.

http://plo.vn/phap-luat/tim-nguon-phien-dich-tot-de-xu-bi-cao-ngoai-709924.html

Theo Hoàng Yến/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm