|
Phẫu thuật robot điều trị ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: BVCC. |
Cứ 100 người đàn ông mắc ung thư thì khoảng 6 người đối mặt với ung thư tuyến tiền liệt – căn bệnh cướp đi hàng nghìn sinh mạng mỗi năm tại Việt Nam.
Tin vui là nghiên cứu mới từ các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đang mở ra hy vọng trong cuộc chiến chống lại nó. Các nhà khoa học hiện tập trung khám phá vai trò của gene – “mật mã” di truyền – trong sự phát triển của căn bệnh này.
Mối lo ngại mới
Tại Hội Nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 21 diễn ra trong ngày 4-5/4, PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc bệnh viện, đã có bài báo cáo kết quả nghiên cứu phát hiện đột biến gene gây bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Theo thống kê của GLOBOCAN 2022, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ hai về tỷ lệ mắc mới và thứ 8 về tỷ lệ tử vong trong các bệnh ung thư ở nam giới.
Dù tỷ lệ mắc bệnh còn thấp so với các nước phát triển (8,7/100.000 dân), ung thư tuyến tiền liệt vẫn đứng thứ 5 về số ca mắc mới (6.248 ca) và cướp đi 3.964 sinh mạng mỗi năm tại Việt Nam.
"Những con số trên cho thấy xu hướng gia tăng của bệnh này đáng báo động", bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Hưng cho biết nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số thay đổi gene di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt di truyền, khoảng 10%. Ngoài ra, nam giới mắc hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp - HNPCC ) làm tăng nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, gồm cả ung thư tuyến tiền liệt.
![]() |
PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BVCC. |
Trước bối cảnh đó, PGS Hưng cùng cộng sự đã thực hiện nghiên cứu nhằm khám phá mối liên hệ giữa đột biến gene và ung thư tuyến tiền liệt. Công trình kéo dài từ tháng 7/2023 đến tháng 3/2024, bước đầu hé lộ những kết quả đáng chú ý về mối quan hệ này
Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên nhóm bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn T2 đến T4. Đây là những người đã trải qua điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc nội tiết.
Trong nghiên cứu, bác sĩ Hưng chia bệnh nhân thành hai nhóm không ngẫu nhiên: Nhóm thử nghiệm dòng tế bào mầm (germline testing, 11 người) và nhóm thử nghiệm khối u bản thể (solid tumour testing, 12 người). Kết quả bước đầu cho thấy sự khác biệt đáng chú ý giữa hai nhóm.
Mở ra hướng điều trị tối ưu
Ở nhóm thử nghiệm dòng tế bào mầm, 100% bệnh nhân âm tính với đột biến gene BRCA1/2. Ngược lại, ở nhóm thử nghiệm khối u bản thể, 41,67% âm tính, còn 58,3% dương tính. Đáng chú ý, trong 7 bệnh nhân dương tính, 57,14% mang một loại đột biến, còn 42,86% mang từ hai loại đột biến trở lên.
Bác sĩ Hưng nhận định kết quả bước đầu này cho thấy có mối liên hệ tiềm năng giữa các xét nghiệm giải trình tự gene thế hệ mới (NGS) và tình trạng đột biến gây ra ung thư tuyến liền liệt.
Mặc dù nhóm thử nghiệm dòng tế bào mầm cho kết quả âm tính với BRCA1/2 trong phạm vi nghiên cứu này, bác sĩ Hưng khuyến cáo cần tiến hành nghiên cứu trên mẫu số lượng lớn hơn để đưa ra kết luận chắc chắn về vai trò của BRCA1/2 ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt tại Việt Nam.
Riêng đối với nhóm thử nghiệm khối u bản thể, kết quả ban đầu đã hé lộ mối tương quan giữa các đột biến gen được phát hiện trong khối u và sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt.
"Điều này mở ra hướng nghiên cứu sâu hơn về vai trò của các đột biến này, trong việc tiên lượng và lựa chọn phương pháp điều trị cá nhân hóa cho bệnh nhân ung thư", PGS Hưng cho hay.
|
Bác sĩ điều khiển robot phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: BVCC. |
Song song đó, PGS Hưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khảo sát đột biến gene trong quản lý ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt sau điều trị ban đầu để tiên lượng nguy cơ tái phát và khả năng kháng thuốc. Việc tối ưu hóa các kỹ thuật phát hiện đột biến trên cả mẫu mô và máu là rất cần thiết, để ứng dụng hiệu quả xét nghiệm gen trong thực hành lâm sàng.
Nghiên cứu này, dù còn ở giai đoạn ban đầu với số lượng mẫu hạn chế, đã góp phần vào việc hiểu rõ hơn về cơ sở di truyền của bệnh ung thư tuyến tiền liệt tại Việt Nam. Bác sĩ Hưng cho rằng các kết quả tiếp theo với cỡ mẫu lớn hơn, phân tích sâu hơn về các loại đột biến được phát hiện sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chẩn đoán, tiên lượng và đưa ra các phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt phù hợp cho từng bệnh nhân.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá cao tinh thần tiên phong của Bệnh viện Bình Dân. Đây là một trong những cơ sở y tế hàng đầu về ngoại khoa tại Việt Nam. Bệnh viện không ngừng tiên phong trong các kỹ thuật phẫu thuật, từ mổ mở truyền thống đến phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot và các phương pháp điều trị tiên tiến khác.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.