![]() |
Thức khuya tìm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Ảnh: Freepik. |
Thức khuya có thể là thói quen khó tránh trong cuộc sống hiện đại. Thực tế, việc duy trì giấc ngủ không đủ hoặc kém chất lượng có thể âm thầm làm tăng nguy cơ đột quỵ - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã chỉ ra so với những người ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm, những người thiếu ngủ có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 15-20%.
Phân tích với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ TP.HCM, cho rằng dù không phải yếu tố trực tiếp, thức khuya vẫn có thể tác động tiêu cực đến hệ tim mạch và não bộ theo nhiều cơ chế khác nhau.
Cơ chế tác động của thức khuya đến nguy cơ đột quỵ
Việc thường xuyên thức khuya có thể gây ra nhiều rối loạn sinh lý, từ đó làm gia tăng nguy cơ đột quỵ:
- Rối loạn nhịp sinh học: Thức khuya làm gián đoạn đồng hồ sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình điều hòa huyết áp, nhịp tim và hormone như cortisol.
- Tăng huyết áp: Thiếu ngủ kéo dài có thể làm tăng áp lực lên mạch máu, một trong những yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ.
- Gia tăng viêm và stress oxy hóa: Cơ thể bị căng thẳng do thức khuya có thể dẫn đến viêm mạn tính và tổn thương mạch máu, góp phần hình thành các mảng xơ vữa – nguyên nhân chính gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Rối loạn chuyển hóa: Giấc ngủ không đủ ảnh hưởng đến chuyển hóa đường và chất béo, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và béo phì - cả hai đều là yếu tố liên quan đến đột quỵ.
Tùy vào cơ chế bệnh sinh, thức khuya có thể dẫn đến đến cả hai loại đột quỵ phổ biến:
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ (do tắc nghẽn mạch máu): Việc rối loạn đông máu, tăng viêm và hình thành mảng xơ vữa do thức khuya có thể làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông.
- Đột quỵ xuất huyết não (do vỡ mạch máu): Tình trạng thiếu ngủ kéo dài có thể khiến huyết áp tăng cao, làm suy yếu thành mạch và tăng nguy cơ vỡ mạch máu não.
Các yếu tố liên quan khi thức khuya
Thức khuya thường đi kèm với những thói quen không lành mạnh, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Việc sử dụng chất kích thích như cà phê, trà đặc hoặc hút thuốc có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến tim mạch.
Ăn khuya dễ gây rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, căng thẳng do làm việc muộn hoặc tiếp xúc thiết bị điện tử quá lâu cũng có thể tác động tiêu cực đến nhịp tim và huyết.
Phòng ngừa đột quỵ liên quan đến thức khuya
Dù thức khuya không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ, nhưng nếu kéo dài, nó có thể tác động tiêu cực đến hệ tim mạch và não bộ. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ đột quỵ, việc xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học là điều cần thiết.
- Duy trì giấc ngủ đều đặn: Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm và tuân thủ giờ giấc ngủ cố định.
- Hạn chế các yếu tố kích thích: Tránh sử dụng cà phê, trà hoặc thiết bị điện tử (do ánh sáng xanh gây ức chế hormone melatonin) trước khi ngủ.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Rèn luyện thể chất giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm stress.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Theo dõi huyết áp, cholesterol và đường huyết để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ.
- Thư giãn trước khi ngủ: Thiền, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ để giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.