![]() |
Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt là đơn vị phân phối kẹo rau củ Kera, bị xử phạt 125 triệu đồng, thu hồi sản phẩm và tiêu huỷ, nộp lại tiền đã thu từ bán sản phẩm. Ảnh: Kera. |
Việc kẹo rau củ Kera bị xử phạt đã khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng tiếp theo không chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, mà còn ở quá trình thu hồi sản phẩm vi phạm và giám sát doanh nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Phong sát, cấm sóng" KOLs, KOC quảng cáo sai sự thật?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng kết quả xác minh cho thấy những nghi ngờ từ phía công chúng là có cơ sở, Quang Linh và Hằng Du Mục đã phải nhận lỗi và xin lỗi. Cơ quan chức năng cũng đã kết luận và xác định có sai phạm phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi sản phẩm.
Về mặt pháp lý, người vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý. Những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật sẽ phải trả giá bởi tiền bạc, uy tín và cả niềm tin của công chúng đối với họ. Doanh nghiệp này sẽ phải phối hợp với cơ quan chức năng để bàn giao lại sản phẩm không đủ điều kiện lưu hành. Với các sản phẩm đã bán mà không có tranh chấp với khách hàng thì sẽ nộp lại số tiền từ việc bán hàng này theo quyết định của cơ quan chức năng.
![]() |
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ảnh: MOI. |
Theo luật sư Đặng Văn Cường, các cơ quan quản lý thị trường, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với ban ngành chức năng để tiến hành tiếp nhận, thu hồi các sản phẩm vi phạm về điều kiện lưu hành để công ty này có thể hoàn thiện lại hồ sơ, bán hàng hóa đúng với chất lượng, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin theo quy định.
Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho biết thông thường, sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan xử phạt sẽ ban hành thông báo cho người phải thi hành khi có hình phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong thông báo đó, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu người vi phạm phải thực hiện việc rà soát, báo cáo chi tiết đến sản phẩm hàng hóa đã xuất xưởng, sản phẩm hàng hóa đã bán, sản phẩm hàng hóa còn lại khi bị buộc phải thu hồi, tiêu hủy.
Thông báo cũng ấn định cho người vi phạm một khoảng thời gian để họ chuẩn bị và hoàn thành việc này. Điều này làm cơ sở cho bộ phận giám sát có thể giám sát việc thực thi hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
"Trách nhiệm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt là phải thực hiện đúng các quyết định xử phạt, buộc phải thực hiện việc cải chính thông tin về nội dung đã quảng cáo, gỡ bỏ nội dung quảng cáo... Bởi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn, có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả", luật sư Lê Trung Phát nói với Tri Thức - Znews.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp này cũng phải thực hiện việc liên hệ với người tiêu dùng, để thực hiện biện pháp thu hồi sản phẩm đã bán hoặc có thỏa thuận liên quan giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng khi đã mua hàng hóa của họ.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng vụ việc này sẽ là bài học cho những người nổi tiếng quảng cáo bất chấp, vì lợi nhuận mà sẵn sàng bán niềm tin của người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm tương tự.
![]() |
Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs xin lỗi sau vụ việc quảng cáo sai sự thật đối với sản phẩm kẹo rau củ. Ảnh: Việt Linh. |
Cơ chế quản lý cấp phép nên từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, mở rộng quyền tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, nếu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn như công bố sẽ bị xử lý và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, cơ hội kinh doanh và vấn đề bồi thường thiệt hại.
"Theo tôi, chúng ta cần phải bổ sung các quy tắc ứng xử, nội quy quy chế, chế tài để quản lý đối với những người nổi tiếng. Đặc biệt, những người nổi tiếng nhờ công nghệ như các KOL, KOC… cần phải áp dụng các biện pháp mạnh tay như 'phong sát, cấm sóng'", luật sự Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Theo ông, nếu thực hiện các hành vi lừa dối người tiêu dùng, lừa dối khách hàng, quảng cáo gian dối, cần áp dụng những chế tài nghiêm khắc nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thách thức trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đã cảnh báo về tình trạng đáng lo ngại trong lĩnh vực thực phẩm chức năng.
Bà Lan chỉ ra rằng một số cơ sở sản xuất đang lợi dụng sự bùng nổ nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để thực hiện các hành vi gian dối. Họ mua sẵn viên nén, trộn lẫn với các nguyên liệu không rõ nguồn gốc và tự xưng là thực phẩm chức năng. Nghiêm trọng hơn, các sản phẩm này sau đó được quảng cáo rầm rộ, thổi phồng công dụng một cách trắng trợn.
Theo PGS Lan, ngành thực phẩm chức năng ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhưng công tác quản lý lại chưa theo kịp, dẫn đến nhiều bất cập trong sản xuất, mua bán và đặc biệt là quảng cáo.
Bà nhấn mạnh nhiều sản phẩm được gọi là thực phẩm chức năng nhưng quy trình sản xuất lại rất sơ sài, thậm chí chỉ dừng lại ở việc trộn nguyên liệu thủ công rồi đóng gói.
Bên cạnh đó, việc chưa có quy định chặt chẽ về kinh doanh thực phẩm chức năng trên các kênh như chợ truyền thống hay sàn thương mại điện tử cũng gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Vấn đề quảng cáo sai sự thật cũng khiến các cơ quan chức năng đau đầu, khi nhiều đối tượng tung hô công dụng của thực phẩm chức năng vượt xa khả năng thực tế, thậm chí khẳng định chữa được bách bệnh, sử dụng cả hình ảnh người nổi tiếng và cắt ghép hình ảnh lãnh đạo ngành y tế để tăng độ tin cậy.
Điều đáng nói, những sản phẩm này được quảng cáo sai lệch, phóng đại công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cũng thừa nhận sự phức tạp trong việc xử lý các trường hợp quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, đặc biệt là trên các nền tảng livestream khi chưa có chế tài cụ thể.
Cơ quan quản lý đánh sập trang này, thì trang khác lại mọc lên. Tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội rất phức tạp, ông Hoà cho hay.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.