10 năm Viện Lưu trữ phim châu Á, 10 nhà làm phim đến từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Indonesia... đã mang đến buổi chiếu phim tối 30-10 những phim ngắn mới nhất của họ, được làm bằng kinh phí do Viện Lưu trữ phim châu Á tài trợ.
Chiều 31-10, các nhà làm phim đã có một buổi hội thảo cùng một số nhà nghiên cứu điện ảnh để nói chuyện về chủ đề các nhà làm phim Đông Nam Á đi tìm bản sắc.
Mưa - phim ngắn đại diện VN của đạo diễn Phan Đăng Di - Ảnh: ĐPCC |
Đại diện nữ duy nhất trong số 10 nhà làm phim là Tan Chui Mui đến từ Malaysia từng đoạt một số giải ở liên hoan phim Busan, Rotterdam, Clermont Ferrand... The Beautiful losers của Mui là một câu chuyện kể về người cha và cô con gái đi mua lại những món đồ trong quán bar cũ của người cha nay đang bị phát mãi...
Ngược lại với sự dịu dàng mà Mui tạo ra, Serpong của đạo diễn trẻ Lucky Kuswandi đã làm được một dư chấn nho nhỏ trong buổi chiếu tại rạp Projector ở tòa nhà Golden Mile (đây là một trong hai cụm rạp chuyên về phim Art-house tại Singapore). Serpong kể về một cặp vợ chồng Indonesia sống bên cạnh một siêu thị mới, họ đối mặt với một vấn đề quan trọng - nhu cầu đi vệ sinh!
Lucky Kuswandi đã khiến khán giả choáng váng khi quay cận cảnh chất thải của hai vợ chồng theo diễn tiến của bộ phim. Tuy thế, Serpong được làm rất duyên dáng, ẩn sâu sau sự giễu nhại đó là một hiện thực cay đắng mà các nước đang phát triển trong khu vực đều phải đối mặt - đó là việc người nghèo đang bị đẩy ra bên lề trên chính mảnh đất họ đã gắn bó.
Một cách tinh tế hơn, Scene 38 của đạo diễn người Thái Lan Nawapol Thamrongrattanarit lại miêu tả thân phận bên lề (những diễn viên quần chúng) lần đầu được lắng nghe trong một cảnh quay mà họ không biết rằng mình đã bị nghe lén.
Mưa của Phan Đăng Di cũng là một phim chia sẻ hiện thực này khi kể câu chuyện về những người cùng thế hệ nhưng ở hai tầng lớp: một bên làm công, một bên làm chủ đang nhìn nhau ra sao.
Trong một khoảng thời gian chỉ vài tháng lên ý tưởng, liên lạc với các nhà làm phim và có một tập hợp 10 phim ngắn, có thể nói 10 câu chuyện của 10 nhà làm phim với chủ đề Fragment (Mảnh ghép) đã được kết hợp thành một phim dài độc đáo có vấn đề riêng của nhà làm phim và có vấn đề đương đại chung của Đông Nam Á.
Trong 10 năm trở lại đây, điện ảnh Đông Nam Á được biết đến ở các liên hoan phim hàng đầu thế giới sau sự xuất hiện ấn tượng của Brillante Mendoza (đạo diễn Philippines - giải đạo diễn xuất sắc ở Cannes 2009), Apichatpong Weerasethakul (đạo diễn Thái Lan - Cành cọ vàng ở Cannes 2010), Athony Chen (đạo diễn Singapore với phim Ilo Ilo đoạt giải Camera vàng ở Cannes 2013)...
Từ một vùng trũng của điện ảnh thế giới, Đông Nam Á trở nên thu hút đến mức hiện tại các liên hoan phim hàng đầu thế giới đều có người tuyển phim dành riêng cho khu vực này. Nhưng thực tế tuy là biết đến như vậy nhưng các nước Đông Nam Á lại thiếu sự kết nối, và những kết nối chủ yếu nằm ở Liên hoan phim Busan hoặc Liên hoan phim Hong Kong.
Tại sao các nước Đông Nam Á đã chia sẻ một số bản sắc chung về văn hóa, về vị trí địa lý thì lý do gì họ không chia sẻ hơn nữa về điện ảnh để phá tan suy nghĩ rằng hình như với thế giới Đông Nam Á chỉ có ý nghĩa liên kết về mặt kinh tế hoặc quốc phòng?
Câu hỏi vẫn treo ở đó vì câu trả lời sẽ cần nhiều hơn sự nỗ lực sáng tạo, nỗ lực hợp tác...
Có 7 phim Việt ở Viện Lưu trữ phim châu Á
Viện Lưu trữ phim châu Á (AFA) được lập ra với mong muốn vừa bảo quản vừa có thể giúp khán giả tiếp cận được với điện ảnh châu Á trong cả quá khứ và hiện tại. Có thể nói AFA đã cho các bộ phim một ngôi nhà khi khôi phục, bảo tồn các bộ phim cũ (mà con số hiện tại đã là 1.700 phim) giúp cho khoảng 80.000 lượt sinh viên - tính từ tháng 12-2014 - có thể tham khảo nguồn phim này.
Chúng tôi cũng đã làm việc với Viện Phim VN để có được một con số tuy còn ít ỏi là 7 phim Việt và 5 phim trong số đó là Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê, Gánh xiếc rong, Canh bạc, Em bé Hà Nội đã có trên danh mục trực tuyến của AFA.
Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với các nhà làm phim Việt để tìm cách bảo vệ tốt hơn di sản phim Việt như là một phần quan trọng của điện ảnh Đông Nam Á.
KAREN CHAN (giám đốc AFA)
C.K. ghi
Hình ảnh của 10 phim ngắn được làm bởi 10 nhà làm phim Đông Nam Á - Ảnh: AFA |
Nỗ lực xích lại gần nhau
Một loạt vấn đề đã được đặt ra cho giới làm điện ảnh trong khu vực là: Trong khi mỗi nền điện ảnh trong khu vực hầu hết đã đưa được các phim đến những nơi quan trọng nhất, của các liên hoan phim lớn nhất thế giới, và một vài gương mặt đạo diễn đã nổi tiếng toàn cầu, trở thành đại diện ưu tú của điện ảnh thế giới đương đại, thì bản thân các nhà làm phim, khán giả trong khu vực Đông Nam Á lại ít biết đến điện ảnh của nhau.
Dự án Fragment và hội thảo về điện ảnh Đông Nam Á lần này nằm trong nỗ lực xích lại gần nhau hơn của giới làm phim khu vực, trước hết là qua một dự án làm phim chung, mà thông qua đó nghệ sĩ của mỗi nước có quyền thể hiện quan điểm nghệ thuật cũng như chính kiến cá nhân trước các vấn đề của bản thân, của đất nước họ đang sống.
Sự kết hợp của 10 bộ phim cùng chủ đề Mảnh ghép phần nào đó thể hiện diện mạo điện ảnh/diện mạo xã hội một Đông Nam Á đương đại, vốn đang vật lộn để vươn lên với nhiều câu hỏi quanh việc đánh mất/tìm lại bản sắc.
Câu hỏi làm sao để trên chính quê hương Đông Nam Á, các bộ phim Đông Nam Á được hiểu, tôn vinh đúng và trở thành một phần di sản tinh thần của mỗi quốc gia, của khu vực chính là câu hỏi lớn mà các nhà điện ảnh phải tìm câu trả lời.
Viện Lưu trữ phim châu Á (Asian Film Archive) trực thuộc Thư viện Quốc gia Singapore - nơi sản xuất dự án và tổ chức hội thảo này sẽ là điểm kết nối trong hành trình đi tìm câu trả lời đó. Đạo diễn
PHAN ĐĂNG DI