Cũng vì sau khi đọc bài viết Gửi lời chào lớp Một: Thơ của ai? (Tuổi Trẻ ngày 7/7), ông Hoài đã nhận ngay ra đây là bản dịch của cha ông - nhà báo Lê Khánh Căn.
Tại Thư viện Quốc gia, ông Lê Khánh Hoài đã tìm thấy bản dịch truyện Ma-rút-xi-a đi học gồm hai tập do NXB Kim Đồng in năm 1959 với số lưu chiểu lần lượt là 6.379 và 6.511.
Bài thơ cuối tập truyện Ma-rút-xi-a đi học được photo lại từ sách lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - NXB Kim Đồng in năm 1959, do ông Lê Khánh Hoài cung cấp. Ảnh: ĐứcTriết. |
Ngay trang đầu tập truyện dịch (in lần đầu năm 1958), lời nhà xuất bản có ghi: “Xin giới thiệu với các em tập truyện Ma-rút-xi-a đi học của nhà văn Liên Xô E. Su-oác. Đây là một truyện rất quen biết của các em nhỏ Liên Xô, đã được quay thành phim lấy tên là Em nữ sinh lớp một... Lần tái bản này chúng tôi có lược bớt đi một số đoạn. Mong rằng sau này sẽ có dịp giới thiệu với các em toàn bộ cuốn truyện”.
“Toàn lớp hai “A” kéo ra đầy sân khấu. Các em hát: Lớp một ơi, lớp một!/Đón em vào năm trước;/Năm nay lên lớp hai,/Gửi lời chào tiến bước!/ Phấn, bảng, sổ gọi tên,/Theo chúng em cùng lên/Chúng em dần lớn mãi,/Bàn ghế cùng lớn thêm,/Chúng em chơi thân mật/Yêu thương cả mọi người,/Đứa bạn em yêu nhất/Cũng cùng lên lớp hai./Còn cô giáo thân mến/Cô sẽ xa chúng em?/Không, cô yêu chúng em/ Cô cũng lên lớp chứ./Thế là cùng vui vẻ,/Chúng em tiến bước đều,/Cùng cả trường cả lớp,/Cùng Tổ quốc thân yêu!...Đáng chú ý là ở cuối tập hai của truyện có in toàn bộ bài thơ được dẫn dắt như sau:
Khánh Như trích dịch (theo bản Pháp văn Maroussia va à l’ecole của Nhà xuất bản Ngoại Văn Liên Xô)/ In 5.065c tại Nhà máy in Tiến Bộ - Hà Nội. Gửi lưu chiểu tháng 3-1959.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khánh Hoài nói: “Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bố tôi làm bí thư Đoàn Trường Khải Định ở Huế, sau đó cùng với bác Trần Hoàn đi theo kháng chiến. Năm 1956, bác Tố Hữu cử ông sang làm Sở Báo chí trung ương. Năm 1957 ông về làm báo Nhân Dân với bút danh Hồng Chuyên. Với vốn tiếng Pháp của mình, ông đã dịch tập truyện Ma- rút- xi-a đi học do NXB Kim Đồng ấn hành."
"Theo tôi nhớ, bản in lần đầu năm 1958 có ghi Lê Khánh Căn dịch. Đáng tiếc bản này tôi không tìm thấy nữa. Đến lần tái bản 1959, ông lấy tên con gái út mà ông yêu quý là Khánh Như để đặt bút danh. Đây là bản Thư viện Quốc gia còn lưu. Như vậy từ năm 1958-1959 đã có Ma-rút-xi-a đi học này rồi. Đến năm 1971, tập truyện tiếp tục được NXB Kim Đồng tái bản và dồn lại thành một tập”.
Bài thơ cuối tập truyện Ma-rút-xi-a đi học được photo lại từ sách lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - NXB Kim Đồng in năm 1959, do ông Lê Khánh Hoài cung cấp - Ảnh: ĐỨC TRIẾT |
Về câu chuyện dư luận đang quan tâm, ông Khánh Hoài giải thích: “Theo như tôi tìm hiểu qua các bản in bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong sách giáo khoa lớp 1, lần đầu tiên phần tác giả được ghi là Hữu Tưởng (theo quyển Ma- rút- xi-a đi học), lần in thứ hai chỉ đề là Theo Hữu Tưởng, lần ba chỉ còn Hữu Tưởng - lúc đó ông Hữu Tưởng đã mất rồi. Không hiểu sao lại ghi như vậy? Trong khi lẽ ra bài thơ này chính xác nhất phải viết là: dựa theo truyện Ma-rút-xi-a đi học của nhà văn Liên Xô E. Su-oác (Evgeny Shvarts - cũng là tác giả kịch bản bộ phim Nữ sinh lớp một - PV), bản dịch của Khánh Như, NXB Kim Đồng - 1959”.
Đúng là không hiểu nổi tại sao sách giáo khoa mà lại tam sao thất bản đến vậy?! Câu trả lời có lẽ chỉ những người biên soạn sách của NXB Giáo Dục mới biết? Nhưng câu hỏi Gửi lời chào lớp Một: thơ của ai? mà Tuổi Trẻ đặt ra trước đó thì đã có lời đáp rất cụ thể. Ít nhất cho đến lúc này với bản in năm 1959 của NXB Kim Đồng, bài thơ giản dị mà nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam quen thuộc, chắc chắn đã biết xuất xứ từ đâu.
Làm cho minh bạch câu chuyện tác quyền vẫn sai lệch lâu nay rõ ràng là bài học đầu đời cần sáng tỏ trước mọi trẻ thơ và người lớn.
Trách nhiệm lúc này cũng lại thuộc về NXB Giáo Dục.