Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình dục thăng hoa khi vợ chồng ngủ riêng?

Ngủ riêng không làm giảm sự thân mật, thậm chí giúp cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và có thể khiến vợ chồng thêm năng lượng cho chuyện chăn gối.

Tri Thức - Znews trích dịch bài viết Could sleeping separately from your partner lead to a better night’s rest? đăng trên The Conversation của tác giả Alix Mellor - nghiên cứu viên, Khoa Tâm lý học, Đại học Monash (Australia).

Các cặp đôi có thể quyết định ngủ riêng nếu giấc ngủ của một người làm phiền người còn lại, hoặc cả hai đều gây ảnh hưởng đến nhau. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: thức giấc nhiều lần trong đêm; đồng hồ sinh học lệch nhau (ví dụ một người ngủ muộn hơn); lịch làm việc khác nhau (ví dụ người làm ca đêm); ngáy, giật chân tay hoặc nói mớ khi ngủ; cha mẹ có con nhỏ cũng có thể ngủ riêng để tránh cả hai đều bị thiếu ngủ.

Ngoài ra, những người có sở thích khác nhau về môi trường ngủ - chẳng hạn một người thích phòng mát, có quạt, còn người kia muốn ấm áp - cũng có thể chọn ngủ riêng.

Lợi ích của ngủ một mình

Nhiều cặp đôi cho biết họ thích ngủ cùng bạn đời và cảm thấy dễ ngủ hơn. Nhưng khi các nhà khoa học đo lường khách quan bằng các thiết bị như điện não đồ (EEG) để theo dõi sóng não, dữ liệu lại cho thấy ngủ chung thực sự có chất lượng kém hơn. Nghĩa là ngủ một mình có thể mang lại giấc ngủ sâu và dài hơn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu một người bị rối loạn giấc ngủ, như mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ, họ thường vô tình đánh thức bạn đời. Vì vậy, ngủ riêng có thể là lựa chọn tốt nếu đối phương có bệnh lý về giấc ngủ.

Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy mất ngủ và giấc ngủ kém chất lượng có liên quan đến mức độ hài lòng thấp trong mối quan hệ. Vậy nên ngủ riêng đôi khi lại giúp các cặp đôi hạnh phúc hơn.

Cuối cùng, ai từng vật lộn với mất ngủ đều biết lo âu về giấc ngủ là chuyện phổ biến. Nhiều khách hàng tôi từng gặp chia sẻ rằng ngủ một mình giúp họ bớt lo lắng, vì ít nhất họ không sợ làm phiền hoặc bị làm phiền bởi bạn đời.

vo chong ngu rieng anh 1

Các cặp vợ chồng có thể cân nhắc ngủ riêng nếu gặp các vấn đề khi ngủ, đồng hồ sinh học lệch nhau hoặc lịch làm việc khác nhau. Ảnh: iStock/mapo.

Nhược điểm của ngủ riêng

Một số người không thích ngủ một mình vì họ cảm thấy thoải mái, an toàn khi có bạn đời bên cạnh – và thấy cô đơn nếu không có. Ngủ riêng cũng đòi hỏi có hai phòng hoặc ít nhất hai giường, điều mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện.

Ngoài ra, ngủ riêng vẫn bị gắn với định kiến tiêu cực, nhiều người cho rằng đó là dấu hiệu đời sống tình dục của cặp đôi đã “chết”. Nhưng ngủ riêng không hẳn đồng nghĩa với mất đi sự thân mật.

Thực tế, ngủ riêng có thể khiến một số cặp đôi có đời sống tình dục tốt hơn. Vì ngủ ngon giúp tâm trạng tích cực hơn, từ đó ham muốn thân mật có thể tăng lên. Khi ngủ đủ giấc, bạn còn có nhiều năng lượng hơn để gần gũi.

Tất nhiên, nếu chọn ngủ riêng, cần có sự trao đổi cởi mở và ưu tiên những cơ hội kết nối. Một khách hàng của tôi từng gọi vui là “quyền thăm viếng” - tức bạn đời sẽ sang giường của cô ấy trước khi ngủ hoặc vào buổi sáng.

vo chong ngu rieng anh 2

Nhiều cặp đôi cho biết đời sống tình dục của họ được cải thiện sau khi ngủ riêng. Ảnh: The New York Times.

Ai nên cân nhắc việc ngủ riêng?

Bạn có thể thử ngủ riêng nếu: hai người làm phiền giấc ngủ của nhau; có con nhỏ và muốn tránh cả hai bị mất ngủ; có sở thích khác nhau về nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn, gây ảnh hưởng giấc ngủ.

Cuối cùng, nếu ngủ chung khiến bạn ngủ kém, ngủ riêng - nếu có thể - có thể giúp cải thiện giấc ngủ.

Nếu không thể ngủ riêng, vẫn có cách giảm ảnh hưởng từ bạn đời, như đeo bịt mắt, tai nghe chống ồn hoặc dùng máy tạo tiếng trắng (white noise).

Khi quyết định thử ngủ riêng, hãy nhớ đây có thể chỉ là giải pháp linh hoạt hoặc tạm thời, không nhất thiết áp dụng mọi đêm. Một số cặp đôi ngủ riêng vào ngày làm việc và ngủ chung vào cuối tuần, điều này cũng hoạt động khá tốt.

Cuối cùng, nếu bạn gặp các vấn đề giấc ngủ kéo dài, như ngáy, mất ngủ, hay hành vi bất thường khi ngủ (như la hét, đi lại), hãy trao đổi với bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ cần điều trị.

Ngủ chung với con đến 12 tuổi: Gắn kết hay hy sinh đời sống vợ chồng?

Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, ngủ chung giường với con là điều cấm kỵ. Trong khi đó, tại châu Á, đây lại là thói quen phổ biến, kéo dài đến khi trẻ lớn.

6 hormone hạnh phúc

Dopamine tạo ra động lực và cảm giác hài lòng, Endorphin mang đến cảm giác thăng hoa, trong khi Cortisol lại "sản sinh" cảm giác căng thẳng, giúp bạn có tâm trạng phấn khích để phiêu lưu ra khỏi vùng an toàn… Nếu hiểu được cơ chế hoạt động của những hormone then chốt này, bạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, như tác giả David JP Phillips bật mí trong cuốn sách Cho đời nhẹ lên cao.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm