Trẻ mắc tay chân miệng thường có vết ban mọc ở lòng bàn chân dễ bị bỏ qua. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 10/6 đến ngày 16/6, TP.HCM ghi nhận 360 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, thấp hơn 39% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến tuần 24 là 6.619 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và quận 8.
Trong tuần 24, TP.HCM cũng ghi nhận 95 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, thấp hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 24 là 3.790 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
TP.HCM đang trong cao điểm mùa mưa. Vào khoảng thời gian này các năm trước, thành phố ghi nhận sự gia tăng các ca mắc, ca bệnh nặng do tay chân miệng và sốt xuất huyết. Theo biểu đồ diễn biến dịch bệnh của HCDC, tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng năm nay có sự giảm rõ rệt về số lượng ca mắc mới ghi nhận.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, vào 2 đợt cao điểm trong năm là tháng 4-6 và tháng 9-11. Trẻ mắc bệnh thường nổi ban đặc trưng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và loét miệng.
Để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch - ở sạch - bàn tay và chơi đồ chơi sạch.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Trẻ khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, xuất hiện ở mọi nhóm tuổi và quanh năm. Vào mùa mưa, bệnh có xu hướng gia tăng do môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện lý tưởng để muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế TP.HCM kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bao gồm:
- Đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (như chậu cảnh, bình hoa, lốp xe cũ và các dụng cụ chứa nước khác...).
- Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, dọn sạch rác thải.
- Ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...
- Người có dấu hiệu sốt cao cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.