Tình huống được TS.BS Ngô Thị Yên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Giới tính Việt Nam, chia sẻ. Hơn 30 năm làm việc trong ngành Sản phụ khoa, bác sĩ Yên đã chứng kiến rất nhiều tình huống "dở khóc dở cười" khi ngồi phòng khám.
TS.BS Ngô Thị Yên, công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), từng chứng kiến rất nhiều trường hợp oái oăm khi đi khám phụ khoa. Ảnh: Tổ chức Nơ Xanh. |
Nằm sấp trên giường khám phụ khoa
TS.BS Ngô Thị Yên nhớ như in câu chuyện của một cô gái là học sinh lớp 11, được mẹ dẫn đi khám vì kinh nguyệt không đều, không hành kinh trong 4 năm. Những gì diễn ra đối với ca bệnh này sau đó khiến nữ bác sĩ nhận ra việc giáo dục giới tính từ sớm quan trọng đến nhường nào.
"Khi vào phòng khám, do chưa từng tìm hiểu hay được hướng dẫn cụ thể về quy trình khám, cộng thêm tâm lý e ngại, cô bé đã cởi hết đồ và nằm sấp ở trên giường bệnh. Lúc quay lại, bác sĩ ngỡ ngàng và giật mình vì đây là lần đầu tiên thấy có người đi khám phụ khoa nhưng nằm sấp", bác sĩ Yên kể.
Sau khi khám, cô bé được chẩn đoán u nang buồng trứng lành tính cấp 1A, được chỉ định điều hoà kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai. Tuy nhiên, do bác sĩ chưa giải thích kỹ, người mẹ khi phát hiện con gái uống thuốc tránh thai đã hiểu lầm, dẫn đến tình cảm mẹ con sứt mẻ, phải tìm đến phòng khám để gặp bác sĩ.
"Trong tình huống này, bác sĩ cũng có lỗi khi chưa hướng dẫn kỹ lưỡng với người bệnh. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự thiếu hụt kiến thức về giáo dục giới tính nghiêm trọng ở phụ nữ Việt nói chung, trẻ vị thành niên nói riêng", bác sĩ Yên nói.
Từng tu nghiệp tại Thụy Điển, Na Uy, bác sĩ Yên cho hay trẻ em gái tại đây được giáo dục giới tính từ sớm, đã được cho đi khám phụ khoa định kỳ từ những năm 14-15 tuổi. Do đó, tình huống khó xử như trên là điều hiếm khi xảy ra.
Do chưa được trang bị đầy đủ thông tin và tâm lý ngại ngùng, nhiều bạn trẻ có những tình huống khó xử tại phòng khám phụ khoa. Ảnh minh họa: Pexels. |
Bình thường hóa chuyện đi khám phụ khoa
TS.BS Ngô Thị Yên cho hay hiện nay, xã hội đã cởi mở với việc khám phụ khoa. Tuy nhiên, rất nhiều cô gái trẻ vẫn bị viêm nhiễm do tâm lý ngại ngùng, có vấn đề nhưng không dám đi khám bệnh. Một nguyên nhân khác lại là không được giáo dục giới tính tốt từ trên ghế nhà trường.
Theo bác sĩ, nữ giới dù chưa quan hệ tình dục vẫn nên đi khám phụ khoa định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề viêm nhiễm.
"Một số người cho rằng chưa quan hệ tình dục thì không nên đi khám phụ khoa. Điều này không đúng. Một số bệnh phụ khoa có thể bắt nguồn từ di truyền, thói quen hay mặc quần jeans, mặc đồ không thoáng khí...", bác sĩ Yên nhấn mạnh.
Ngoài ra, nếu xuất hiện các dấu hiệu như khí hư bất thường, ngứa ngáy khó chịu, đi tiểu nhiều, nặng bụng, kinh nguyệt không đều, mọi người cũng nên đến các phòng khám chuyên môn hoặc bệnh viện để được xử trí sớm nhất.
Bác sĩ Yên nhấn mạnh bệnh phụ khoa có thể chữa khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng nếu điều trị sớm và kịp thời. Tuy nhiên, nếu không điều trị dứt điểm, tình trạng viêm nhiễm sẽ tái lại nhiều lần, dẫn đến biến đổi tế bào cổ tử cung, gây ra loạn sản, thậm chí ung thư.
Ngoài ra, để phòng bệnh phụ khoa, nữ giới nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh và vệ sinh cơ thể tốt. Vệ sinh vùng kín đúng cách là yếu tố rất quan trọng giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập, tránh các nguy cơ viêm nhiễm. Thay vì dùng giấy vệ sinh, cách làm đúng là sử dụng vòi xịt để vệ sinh từ trước ra sau, dùng khăn mềm để thấm khô và không dùng vòi xịt nước quá mạnh.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp với tình trạng cơ thể, có độ axit nhẹ, không chứa paraben, cồn. Những người có bệnh phụ khoa nên chọn sản phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với những người bình thường, tốt nhất nên sử dụng nước đun sôi để nguội, trà xanh hoặc nước lá ổi để vệ sinh vùng kín.
Đặc biệt, mọi người nên thay nội y 3-6 tháng/lần, phơi đồ tại nơi có nắng. Các tia trong ánh nắng mặt trời có thể giúp diệt nang bào tử vi khuẩn lây bệnh.
"Nhiều người có thói quen dùng bàn ủi ở chế độ nóng để diệt vi khuẩn dưới đáy quần lót là sai lầm. Chỉ có các tia từ mặt trời mới có khả năng diệt nang bào tử vi khuẩn gây viêm nhiễm phụ khoa", bác sĩ Yên giải thích.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.