BMW mới đây vừa tung ra gói thuê dịch vụ ghế sưởi thông qua ứng dụng ConnectedDrive Store với mức 18 USD/tháng cho người dùng tại Hàn Quốc.
Trước đây, BMW từng đề xuất mức phí 80 USD/tháng để người dùng có thể truy cập Apple CarPlay và Android Auto trên ôtô, bất chấp những tính năng này là hoàn toàn miễn phí trên các hãng xe thương mại khác.
Mặc dù hãng ôtô nước Đức sau cùng phải hủy bỏ dịch vụ này, việc BMW buộc người dùng trả tiền cho một tính năng lẽ ra là miễn phí đã vẽ nên một tương lai khá ảm đạm cho người dùng ôtô.
Người dùng phải trả phí để mở khóa một số tính năng trên xe BMW. Ảnh: BMW. |
Khi máy tính và phần mềm được áp dụng ngày càng phổ biến trên các mẫu ôtô, nhà sản xuất có thể bổ sung các tính năng mới, hoặc nhanh chóng vá lỗi sự cố thông qua các bản cập nhật phần mềm được thực hiện trực tuyến. Thông qua đó, họ cũng dễ dàng khai thác nhiều cách kiếm tiền mới từ khách hàng.
Không chỉ BMW, cả Volkswagen, Toyota, Audi, Cadillac, Porsche và Tesla đều đã thử nghiệm mô hình trả phí để sử dụng một số tính năng nhất định trên ôtô, chẳng hạn hỗ trợ người lái hay nhận dạng giọng nói.
Trong một cuộc khảo sát 217 người có ý định mua ôtô mới trong hai năm sắp tới do Cox Automotive thực hiện, chỉ 54 người cho biết họ sẵn sàng trả khoản phí cố định hàng tháng hoặc hàng năm để mở khóa một tính năng trên ôtô. Số còn lại tỏ rõ thái độ khó chịu khi nhắc đến dịch vụ này.
Nhóm người đồng tình cho biết họ sẵn lòng trả khoản phí định kỳ để truy cập vào các tính năng an toàn (hỗ trợ giữ làn đường, phanh khẩn cấp tự động), tính năng hiệu suất (mô-men xoắn hay công suất bổ sung) và các tiện nghi khác như sưởi ấm ghế ngồi và vô lăng.
“Để thu được phí của người dùng, các nhà sản xuất ôtô rõ ràng còn nhiều việc phải làm”, Michelle Krebs của Cox Automotive nhận định.
Hầu hết chương trình trả phí định kỳ được triển khai bởi các nhà sản xuất ôtô cao cấp. Điều này dường như khá hợp lý vì tệp khách hàng của họ là những người giàu có với thu nhập hàng tháng ở mức cao.
Tuy vậy, các phân tích trong ngành đang chỉ ra rằng các tính năng được cho thuê định kỳ trên ôtô đang vươn vòi đến nhóm xe phổ thông, bởi các nhà sản xuất ôtô đang tìm kiếm dòng doanh thu mới nhằm phục vụ cho kế hoạch chế tạo xe điện và xe tự hành.
Năm ngoái, General Motors công bố doanh thu hơn 2 tỷ USD từ dịch vụ trả phí định kỳ trên ôtô. Thậm chí, ông lớn ngành ôtô tại Mỹ dự kiến thu về con số 25 tỷ USD từ mảng này vào cuối thập kỷ, qua đó đưa họ ngang hàng với những công ty giải trí như Netflix hay Spotify.
General Motors có khoảng 16 triệu xe đang lưu thông trên đường phố tại Mỹ. Khoảng một phần tư trong số đó tích hợp các tính năng mà khách hàng phải trả phí định kỳ để sử dụng.
General Motors cũng cung cấp một vài tính năng trả phí trên ôtô của mình. Ảnh: The Drive. |
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, khách hàng sẽ sẵn lòng chi trung bình 135 USD/tháng cho các sản phẩm và dịch vụ đủ hấp dẫn”, ông Alan Wexler – phó chủ tịch cấp cao của General Motors chia sẻ hồi cuối năm 2021.
Điều này đại diện cho một sự thay đổi lớn sắp diễn ra trong cách các thương hiệu quảng bá và bán ôtô đến tay khách hàng.
Thông thường, các tính năng được trang bị trên ôtô sẽ duy trì vĩnh viễn, từ lúc chiếc xe còn ở nhà máy đến khi lăn bánh trên đường, bất kể mẫu ôtô ấy đã 10 năm tuổi hay phải trải qua vài ba đời chủ.
Tuy vậy, tư duy đó đang dần thay đổi trong các năm gần đây. Tesla với sự ra đời của các bản cập nhật phần mềm được thực hiện hoàn toàn trực tuyến là cái tên tiên phong trong việc bán quyền truy cập vào những tính năng bổ sung.
Thậm chí, Tesla còn cung cấp dịch vụ mở rộng dung lượng pin cho những khách hàng sẵn lòng trả thêm một khoản phí.
Một số chuyên gia dự đoán động thái tương tự có thể khuyến khích các nhà sản xuất ôtô hướng đến cung cấp nhiều bản cập nhật phần mềm hơn, qua đó hoàn thiện các mẫu xe ngay cả khi chúng đang trong vòng đời sử dụng. Tuy vậy, sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng lợi ích của người dùng là thứ duy nhất các nhà sản xuất ôtô quan tâm.
Một vài hãng xe đang nghĩ đến khả năng cung cấp dịch vụ trả phí hàng tháng cho những người dùng muốn sử dụng nhiều mẫu ôtô khác nhau cùng thương hiệu, thay thế cho quyền sở hữu chỉ một chiếc xe.
Ford, BMW, Cadillac và Mercedes-Benz đều đã bắt đầu triển khai dịch vụ này tại Mỹ, trong khi các công ty khác vẫn đang loay hoay với quy trình thiết lập biểu phí.
Với trường hợp ghế sưởi hay dung lượng pin, về cơ bản, khách hàng đang trả tiền để mở khóa một chức năng đã tồn tại trên hệ thống xe.
Một bộ phận khách hàng sẵn sàng trả phí để được cập nhật các tính năng như cảnh báo giao thông tự động. Tuy vậy, chức năng sưởi vô lăng hay Apple Car Play trên ôtô dường như chỉ là chiêu trò móc túi khách hàng từ các công ty.
“Các nhà sản xuất ôtô muốn khách hàng làm quen với điều này, nhưng tôi lại hoài nghi tính khả thi của nó”, Sam Abuelsamid của Guidehouse Insights nhìn nhận.
Vị này nhận định ôtô đang trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Chi phí trung bình để sở hữu phương tiện di chuyển này tại Mỹ đã tăng lên mức 48.000 USD trong tháng vừa rồi.
Chi phí trung bình để sở hữu ôtô tại Mỹ đã tăng cao chóng mặt. Ảnh: Kevork Djansezian/Getty. |
Khi quá trình điện hóa ngành công nghiệp ôtô đang rục rịch triển khai, số tiền trung bình mà một người phải chi trả cho chiếc ôtô được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Người tiêu dùng hẳn đang cảm thấy bị chèn ép bởi mức giá quá cao ở các đại lý, vì thế có rất ít khả năng họ chấp nhận trả thêm khoản tiền định kỳ để mở khóa một vài tính năng tiện nghi nhất định.
“Các nhà sản xuất ôtô có lẽ nên cân nhắc giảm phí định kỳ hoặc bớt đi số lượng tính năng mà họ muốn người dùng trả phí hàng tháng”, Sam Abuelsamid kết luận.