1. Tỉnh nào sau đây ở miền Tây được hình thành từ 3 cù lao lớn?
"Xứ dừa" Bến Tre diện tích khoảng 2.360 km2, hợp thành bởi 3 cù lao lớn với địa hình khá đặc biệt. Hình dáng tỉnh này có thể xem là một tam giác cân theo trục Tây Bắc - Đông Nam, cạnh đáy tiếp giáp Biển Đông, 2 cạnh bên là sông Tiền và sông Cổ Chiên. Hoặc từ trên nhìn xuống, Bến Tre cũng giống hình rẻ quạt với các nan quạt xòe rộng là những nhánh sông lớn đổ ra 4 cửa: Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Ảnh: Vietnam National Mekong Committee. |
2. 3 cù lao lớn hợp thành "xứ dừa" có tên là gì?
Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao lớn là cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa, do phù sa của các nhánh sông Cửu Long bồi tụ qua nhiều thế hệ. Cù lao Minh và cù lao Bảo ngăn cách bởi sông Hàm Luông, trong khi đó ranh giới tự nhiên giữa cù lao An Hóa và cù lao Bảo là dòng Ba Lai. Đầu thế kỷ 20, đơn vị hành chính tỉnh Bến Tre thành lập dưới thời Pháp chỉ gồm cù lao Bảo và cù lao Minh, sau mới được chính quyền cách mạng nhập thêm cù lao An Hóa. Ảnh: @galaxyasan. |
3. Thành phố nào hiện là tỉnh lỵ của Bến Tre?
TP Bến Tre hiện là tỉnh lỵ của Bến Tre, thành lập năm 2009 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bến Tre trước đó. Đến TP Bến Tre, du khách có thể ghé thăm tượng đài Đồng Khởi, một biểu tượng, một điểm nhấn đô thị ở công viên trung tâm thành phố. Nhóm tượng, phù điêu này nhằm gợi nhắc phong trào Đồng Khởi (1959-1960) nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Ảnh: Tùng Nguyễn. |
4. Ngoài thành phố tỉnh lỵ, Bến Tre còn có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp huyện?
Ngoài TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre còn có 8 huyện là Châu Thành, Chợ Lách, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Thạnh Phú. Năm 2009, Chính phủ tách huyện Mỏ Cày và một phần huyện Chợ Lách để thành lập huyện Mỏ Cày Bắc, đổi tên huyện Mỏ Cày còn lại thành Mỏ Cày Nam, nâng số đơn vị hành chính của tỉnh Bến Tre lên 9 huyện, thành phố như hiện nay. Ảnh: @elenabj87. |
5. Điểm du lịch nào ở Bến Tre hiện còn các di tích liên quan đến Đạo Dừa kỳ lạ?
Cồn Phụng nổi lên giữa sông Tiền, thuộc nhóm 4 cồn có tên "tứ linh" an lành, may mắn là Long - Lân - Quy - Phụng. Nơi đây là điểm du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước nổi tiếng của Bến Tre, hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Cồn Phụng hiện còn lưu lại các di tích liên quan đến Đạo Dừa kỳ lạ. Đến cồn, bạn sẽ có cơ hội khám phá, trải nghiệm nét đặc sắc của nghề làm kẹo dừa, bánh tráng, đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa... Ảnh: @tham.nvba. |
6. Nhà cổ nào ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã được công nhận di tích quốc gia?
Năm 2011, nhà cổ Huỳnh Phủ ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) được xếp hạng di tích quốc gia, hứa hẹn là điểm du lịch tiềm năng của "xứ dừa". Công trình do ông Huỳnh Ngọc Khiêm, còn gọi Hương Liêm xây dựng, có nhiều khả năng hoàn thành vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trải qua bao thăng trầm, ngôi nhà cổ này vẫn khiến không ít người ngỡ ngàng vì vẻ đẹp lộng lẫy, bề thế của mình, nhất là các chi tiết chạm trổ, điêu khắc gỗ tinh xảo, công phu ở đây. Ảnh: @vietonthemove. |
7. Cây cầu nào bắc qua sông Tiền, nối liền 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang?
Khánh thành năm 2009, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối liền TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ở bờ bắc với huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre ở bờ nam. Cầu dây văng này có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 8.300 m. Thay thế bến phà Rạch Miễu hoạt động cả trăm năm lịch sử, cầu Rạch Miễu có ý nghĩa quan trọng với kinh tế - xã hội Bến Tre, giúp vùng đất này không còn là "tỉnh cù lao", giao thương, đi lại cách trở. Ảnh: Nguyen Ngoc Chinh. |