Mùa leo núi Phú Sĩ bắt đầu từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9, trong đó cao điểm sẽ kéo dài từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8. Ảnh: @sanichopath. |
Cụ thể, tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) sẽ bắt đầu thu phí vào cửa là 2.000 yen (khoảng 316.000 đồng) đối với tất cả du khách muốn leo núi Phú Sĩ bằng cung đường mòn Yoshida nổi tiếng. Hành động này là một phần trong nỗ lực làm giảm tắc nghẽn và ngăn ngừa tình trạng leo núi không an toàn.
Bên cạnh đó, việc giới hạn số lượng người leo núi mỗi ngày, tối đa chỉ 4.000 khách, cũng là một biện pháp để đối phó với tình trạng quá tải du lịch. Đây là lần đầu tiên khách du lịch phải đóng phí để leo lên ngọn núi linh thiêng biểu tượng của Nhật Bản.
Đường mòn Yoshida là cung đường phổ biến nhất đối với du khách leo núi Phú Sĩ. Ảnh: @visitmyjapan. |
Ông Kotaro Nagasaki, thống đốc tỉnh Yamanashi, cho biết: "Việc ngày càng có nhiều người leo núi đến thăm Phú Sĩ khiến nơi đây phải đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn do tập trung quá đông người ở gần đỉnh núi, gia tăng tác động đến môi trường do việc xả rác bừa bãi và cách cư xử kém của những người leo núi tự phát".
"Tình trạng quá tải du lịch ở núi Phú Sĩ trở thành thách thức và là vấn đề cấp bách cần được giải quyết đối với chúng tôi kể từ khi ngọn núi này được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2013. Vì vậy chúng tôi đang triển khai biện pháp mới nhằm ngăn chặn quá quá tải du lịch của đất nước chúng tôi", ông Nagasaki nói.
Phí vào cửa sẽ được áp dụng cho tuyến đường mòn Yoshida phổ biến đối với du khách. Giờ đây những ai dự định leo xa hơn Trạm số 5 sẽ phải trả khoản phí 2.000 yen ngay gần lối vào, cả tiền mặt và thẻ tín dụng đều được chấp nhận.
Sau khi trả phí tham quan, du khách sẽ nhận được dây đeo ở cổ tay để vào cổng trong mùa leo núi năm nay. Ông Nagasaki cho biết một cổng cố định sẽ được xây dựng cho mùa leo núi năm sau khi mùa leo núi năm nay kết thúc vào tháng 9.
Cổng chỉ mở từ 3 giờ sáng đến 16h, hạn chế việc ra vào trong khoảng thời gian đó.
Nhân viên Yamanashi thực hành cách kiểm tra dây đeo cổ tay tại cổng được dựng tạm thời ở lối vào đường mòn Yoshida của núi Phú Sĩ. Ảnh: Yukana Inoue. |
Để ngăn chặn tình trạng quá tải trên đường mòn - một vấn đề mà ngọn núi phải đối mặt trong những năm gần đây khi du lịch trong nước tăng đột biến - tỉnh sẽ giới hạn số lượng chỉ 4.000 người được qua cổng mỗi ngày, những người đến sau sẽ bị từ chối.
Thông tin cập nhật về số lượng người đã bắt đầu đi trên đường mòn sẽ được thực hiện thông qua tài khoản X chính thức của ngọn núi và nhân viên sẽ liên tục cập nhật cho du khách ở chân núi để ngăn tình trạng khách phải quay đầu về từ Trạm 5.
Để đảm bảo có chỗ leo, chính quyền tỉnh khuyến khích du khách đặt chỗ vào một ngày cố định trong mùa leo núi và thanh toán trước phí trên trang web chính thức của ngọn núi, từ ngày 1/7 đến 10/9. Rất hiếm khi số lượng người leo núi vượt quá 4.000 người/ngày. Điều này chỉ xảy ra vào 5 ngày trong mùa leo núi năm 2023 và từ 10-20 ngày/năm trước đại dịch Covid-19.
Với các biện pháp quản lý mới, Nagasaki cho biết ông hy vọng ngọn núi Di sản Thế giới có thể được bảo tồn bằng cách giảm thiểu tác động đến môi trường và số tiền thu được từ phí vào cửa sẽ được dùng để củng cố hệ thống và các cơ sở liên quan.
Ngoài ra, chính quyền cũng đang nỗ lực ngăn chặn hành động leo núi không an toàn của những "người leo núi chuyên nghiệp" - những du khách quyết định leo núi Phú Sĩ theo ý thích, không có sự chuẩn bị trước và thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe như say độ cao và hạ thân nhiệt trên đường đi.
Ông Kotaro Nagasaki trình bày cách đăng ký leo núi Phú Sĩ cho du khách. Ảnh: Yukana Inoue. |
Đối với nhiều du khách nước ngoài, khoản phí này dường như không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bryce Gaul (20 tuổi, du khách Australia) lần đầu tiên đến thăm núi Phú Sĩ, cho biết: "Nếu số tiền này được dùng để bảo trì đường mòn và mọi thứ, tôi nghĩ nó đáng giá. Tôi biết du lịch mang lại rất nhiều tiền cho nền kinh tế, vậy tại sao không?".
"Điều này sẽ không ngăn cản quyết định leo núi Phú Sĩ của tôi", Kimberly, nữ du khách cùng gia đình đến từ Minnesota, cho biết. "Dù sao thì ở Mỹ, bạn cũng phải trả một khoản phí tương tự khi đến thăm các công viên quốc gia, đây có lẽ là điều không thể tránh khỏi", cô bày tỏ.
Tuy nhiên, đối với những người kinh doanh trong khu vực, biện pháp này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
"Đây là trường hợp đầu tiên tôi gặp phải nên không biết ảnh hưởng của việc thu phí cho đến khi nó được áp dụng", một nhân viên làm việc tại gian hàng cưỡi ngựa ở Trạm 5 cho biết. "Nhưng tôi nghĩ thật không công bằng khi họ chỉ thu phí ở Trạm 5 trong khi có nhiều lối vào", anh nói.
Trên thực tế, việc quy định trên chỉ được áp dụng cho một tuyến đường ở tỉnh Yamanashi đã làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể đẩy những người leo núi sang phía núi thuộc tỉnh Shizuoka và khiến những tuyến đường khác trở nên quá tải. Ông Nagasaki cũng đã thừa nhận rằng kịch bản này có thể xảy ra.
"Tỉnh Shizuoka cũng đang bắt đầu hành động. Mỗi tỉnh đang thực hiện các biện pháp một cách độc lập và đồng thời nhằm ngăn chặn tình trạng quá tải du lịch", Nagasaki chia sẻ trong một cuộc họp báo vào tháng 6.
"Sau khi mùa leo núi kết thúc, chúng tôi sẽ tập hợp những thông tin và kinh nghiệm, bao gồm cả việc chia sẻ ý tưởng về cách cải thiện các biện pháp hiện có và cách 2 tỉnh có thể hợp tác tốt nhất trong dài hạn".
Nagasaki cho biết cổng tại đường mòn Yoshida sẽ là nơi thu phí thử nghiệm trong mùa leo núi này. Tùy thuộc vào hiệu quả của nó, các biện pháp khác có thể được thực hiện tại các tuyến khác trong những năm tiếp theo.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.