Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu của nữ phó giáo sư trẻ nhất 2012

“Nhiều người nghĩ nghiên cứu khoa học là điều gì đó cao siêu, nhưng với tôi, tất cả đều bắt nguồn từ niềm say mê tìm hiểu và chinh phục những điều mới mẻ” – chia sẻ của nữ PGS 31 tuổi trẻ nhất năm 2012.

 

Tình yêu của nữ phó giáo sư trẻ nhất 2012

“Nhiều người nghĩ nghiên cứu khoa học là điều gì đó cao siêu, nhưng với tôi, tất cả đều bắt nguồn từ niềm say mê tìm hiểu và chinh phục những điều mới mẻ” – chia sẻ của nữ PGS 31 tuổi trẻ nhất năm 2012.

Đam mê làm nghiên cứu khoa học

Gương mặt xinh đẹp, nụ cười tươi lan tỏa cảm giác dễ chịu là những ấn tượng mà PGS Nguyễn Khánh Diệu Hồng (ĐH Bách khoa Hà Nội) để lại cho người đối diện.

Trước khi được vinh danh PGS, từ thời sinh viên, cô đã nổi tiếng với nhiều công trình khoa học chất lượng, liên tiếp giành các giải thưởng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước uy tín, được đưa vào thực tế.

Điều gì đã khiến cô gái trẻ sớm có đam mê nghiên cứu khoa học gặt hái được nhiều thành công đến thế? Diệu Hồng cho rằng, đó là một đam mê, khi được làm điều mình thích, cộng với khả năng, nỗ lực của bản thân thì thành công sẽ đến.

“Nhiều người nghĩ nghiên cứu khoa học là điều gì đó cao siêu. Nhưng với tôi, tất cả đều bắt nguồn từ niềm say mê tìm hiểu những cái mới, lý giải những điều mình quan tâm, những điều mình chưa biết… Hơn nữa, nghiên cứu khoa học có rất nhiều lợi ích, ngoài những thành công do kết quả nghiên cứu mang lại, thì đó còn là một quá trình trưởng thành lên rất nhiều về tri thức và con người. Nó giúp bạn rèn được đức kiên trì, nhẫn nại, tính cẩn thận và khả năng sắp xếp công việc, sắp xếp cuộc sống, hoàn thiện bản thân” – cô chia sẻ trải nghiệm của chính mình. 

Là một giảng viên, Diệu Hồng luôn khuyến khích sinh viên của mình tìm hiểu, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, bởi như cô nhận xét: “Điều này còn phụ thuộc vào tính cách, sở thích của mỗi người. Không phải cứ làm nghiên cứu mới là tốt, là giỏi. Thực tế, các bạn trẻ có rất nhiều lựa chọn, nhiều lĩnh vực để thử sức và phát triển bản thân, miễn là được làm điều mình thích, làm toàn tâm toàn ý thì đều có cơ hội thành công”.

Chuyện của “cô gái châu Á”

Tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, Diệu Hồng nhận được học bổng du học Anh quốc và là người Việt Nam đầu tiên học tập, làm việc tại Viện nghiên cứu hoàng gia Anh (The Royal Institution of Great Britain). Bao năm tháng sống, học tập ở trời Tây đối với cô, mãi mãi là những kinh nghiệm sống quý giá.

Cô tâm sự, đó là thời kỳ học tập và làm việc không ngừng nghỉ, không ngừng nỗ lực cả trong học tập và trong cuộc sống. Ngoài giờ học, cũng như nhiều du học sinh khác, Hồng còn làm gia sư, làm hướng dẫn viên trong bảo tàng, đi phiên dịch khắp nơi để rèn kỹ năng ngoại ngữ...

Những câu chuyện thú vị, không đầu không cuối, những kỷ niệm vừa vui vừa buồn phác họa hình ảnh của cô gái châu Á nhỏ bé, chăm chỉ và kiên trì. Song cô gái ấy không hề là một “mọt sách”.

Cô tiết lộ: “Tôi cũng có rất nhiều đam mê như phim ảnh, thể thao, hội họa... giúp mình cân bằng cuộc sống. Đời sống rất thú vị, đâu chỉ có học và làm. Mà thực tế, biết cách cân bằng như vậy mới có thể thêm sức lực và cảm hứng để làm việc. Khi hài lòng với cuộc sống thì chúng ta sẽ dễ dàng đối mặt với những khó khăn hơn. Trải qua rất nhiều khó khăn rồi, thì mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Trước bất cứ vấn đề gì, tôi cũng đều tự nhủ trước tiên: “Mình sẽ vượt qua được”. 

Tình yêu của nữ phó giáo sư

Nồng nhiệt khi nói chuyện khoa học, nhưng khi nhắc đến gia đình, Diệu Hồng dường như khác hẳn – một người phụ nữ đằm thắm, tha thiết với chồng con. Cô bảo, đi làm thì thôi, về nhà là sẽ cuốn lấy con không dứt nổi. Niềm hạnh phúc của cô là được tranh thủ từng giây phút cho con gái bé bỏng, cho chồng và người thân.

“Để có được những thành công hôm nay, thực sự tôi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn của gia đình và nhà trường” – cô nói.

Diệu Hồng bảo cô thật may mắn khi được mọi người tin tưởng, ủng hộ. Mẹ cô, cũng là một GS, là một người mẹ tâm lý, chưa bao giờ ép con học hay làm gì, cứ lặng lẽ khuyến khích con gái làm điều con thích. Khi lập gia đình, cô lại được chồng, bố mẹ chồng ủng hộ rất nhiều. Đó là những ân tình lớn, cũng là nguồn lực để cô được toàn tâm toàn ý làm việc, cống hiến cho khoa học.

Một “tình yêu” lớn khác trong cuộc sống của nữ PGS trẻ tuổi chính là ngôi trường Bách khoa. Cô tâm sự, việc được trở về làm việc tại trường chính là giấc mơ suốt  thời thơ ấu của mình. “Nhà tôi ở gần trường, nên từ nhỏ tôi đã hay vào trường chơi, trèo cây, nghịch ngợm mọi ngõ ngách... Tôi luôn cảm thấy ngôi trường của mình thật đẹp, mình yêu nó, mình muốn được ở đây, được làm việc ở nơi này” – Diệu Hồng tâm sự.

31 tuổi, có một gia đình để yêu thương, một nơi làm việc mơ ước, một đam mê để tận tâm theo đuổi, hạnh phúc đã khá vẹn toàn đối với Nguyễn Khánh Diệu Hồng, song cô vẫn tin rằng: "Tôi còn rất trẻ, còn nhiều điều để học hỏi và nỗ lực".

Thành tích của PGS Nguyễn Khánh Diệu Hồng 

2012: Xét công nhận chức danh Phó Giáo sư - Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

2011: Giải thưởng bài báo xuất sắc tại hội nghị khoa học châu Á về Công nghệ sinh học và Năng lượng tái tạo tại Bangkok, 12/2010. 

2010: Giải nhất  Sáng tạo trẻ của thủ đô Hà Nội lần thứ 7 năm 11/2010

Giải nhì sáng tạo trẻ toàn quốc 11/2010. 

2009: Bằng khen của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho thanh niên tiêu biểu thủ đô Hà Nội năm 2009. 

2005-2007: Huy Chương vàng Quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Award of World Interllectual Property Organization) dành cho tài năng trẻ sáng tạo nhất (Best Young Inventor Award).

2004: Bằng khen gương Người tốt việc tốt của thành ủy Hà Nội; Huy Chương Vì Tuổi trẻ Sáng tạo do Trung Ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng .

2005: Huy chương vàng Chợ công nghệ Việt Nam năm 2005. 

2004: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo.

2003:  Huy chương vàng Chợ Công nghệ Việt Nam TECHMART năm 2003, Giải nhất “Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTECH năm 2003

Theo Vietnamnet

 

 

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm