Việc antifan đăng tải bài hát của "Chúng ta không thuộc về nhau" lên Facebook ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ Charlie Puth tố cáo Sơn Tùng đạo nhạc cũng giống như hành động của cộng đồng mạng Việt vận động ký tên online gửi đến ca sĩ Lenka để kiện Bảo Thy hay hàng nghìn lời kể tội Hồ Ngọc Hà trên trang cá nhân của người mẫu Tyra Banks.
Tố cáo, kể tội trên Facebook sao nước ngoài
Cái tên Sơn Tùng MTP thường đi cùng tranh cãi về nghi án đạo nhạc. Những ca khúc như "Chắc ai đó sẽ về", "Em của ngày hôm qua", "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần"... đều bị tố có đoạn nhạc, vũ đạo, thậm chí phụ kiện hay MV giống với ca sĩ nước ngoài.
Thời điểm này, giọng ca Thái Bình lại trở thành tâm điểm khi MV "Chúng ta không thuộc về nhau" vừa ra mắt ngày 3/8 bị cộng đồng mạng so sánh với bản hit "We Don't Talk Anymore"- bài hát từng làm "điên đảo" cộng đồng mạng thế giới vì ca từ ý nghĩa và giọng ca ngọt ngào của "nữ hoàng Instagram" Selena Gomez.
Hàng trăm bình luận cợt nhả bằng tiếng Việt tràn ngập Facebook của Charlie Puth, tố Sơn Tùng đạo nhạc.
|
Thế nhưng, trong khi chàng ca sĩ sinh năm 1993 cùng ekip chưa đưa ra lời giải thích, cũng như các nhà chuyên môn vẫn đang tiếp tục phân tích, thì cộng đồng mạng Việt đã "điểm danh" tại MV "We Don't Talk Anymore" trên kênh YouTube, cũng như Facebook cá nhân của Charlie Puth bằng hàng trăm bình luận cợt nhả, thiếu nghiêm túc, cãi nhau qua lại bằng tiếng Việt.
Năm 2009, ca sĩ Người Australia Lenka có chuyến thăm Việt Nam và vô tình phát hiện việc ca sĩ Bảo Thy cover ca khúc "The Show" mà không xin phép cô.
Mọi việc chưa ngã ngũ thì một cuộc vận động ký tên online mang tên Lenka, Stop Bao Thy, Please! được mở ra nhằm gửi đến Lenka và đại diện pháp lý của cô với mong muốn ca sĩ xứ sở chuột túi kiện Bảo Thy vì vi phạm bản quyền.
Năm 2015, bức ảnh selfie của người mẫu nổi tiếng Tyra Bank chụp cùng ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, nhà thiết kế Lý Quý Khánh nhận được hàng nghìn lời nhắn nhủ, kể tội Hà Hồ.
Những dòng chữ viết bằng tiếng Anh đề nghị Tyra xem xét các tác động xấu từ Hồ Ngọc Hà đến con người, gia đình Việt Nam trước khi mời cô tham gia chương trình, hoặc tố cô là ca sĩ có nhiều tai tiếng cả trong công ca hát lẫn đời tư nhất Việt Nam.... xuất hiện dày đặc trên trang cá nhân của người sáng lập chương trình America's Next Top Model
Ngay sau đó, người hâm mộ của HLV Gương mặt thương hiệu cũng xuất hiện bảo vệ thần tượng bằng màn cãi nhau tay đôi cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt trước sự ngỡ ngàng của bạn bè quốc tế.
Cuối cùng, Instagram của Tyra phải đăng một bức ảnh cùng lời bình: "Đừng lo lắng, kể cả nàng công chúa xinh đẹp cũng vẫn bị ghen ghét" mới khiến "cơn bão" kể xấu Hà Hồ trên trang cá nhân của cô qua đi.
|
Lên tiếng vì công lý hay vạch áo cho người xem lưng?
Ngày nay, khi mạng xã hội phát triển, việc người trẻ trao đổi thông tin với bạn bè nước ngoài trở nên đơn giản hơn.
Nhiều cuộc tranh luận trên mạng cũng tìm ra lẽ phải như sự việc ca khúc "Princess of China" của nữ ca sĩ Latin nổi tiếng Rihanna - Chris Martin đạo bài hát "Ra ngõ tụng kinh" của Hà Trần, do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác vào năm 2011.
Năm 2014, toàn bộ phần nhạc của ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng MTP đã phải thay đổi vì bị cho là giống với ca khúc "Because I miss you" của ca sĩ Jung Young Hwa, và người phát hiện sự việc này chính là dân mạng.
Việc tranh luận tìm ra lẽ phải không hề sai trái, nhưng những cuộc khẩu chiến vội vàng chắc chắn mang lại ấn tượng xấu cho dân mạng quốc tế.
Thay vì “vạch áo cho người xem lưng”, đấu tố nhau bằng những ngôn ngữ hằn học, gay gắt ngay trên trang cá nhân của các ngôi sao quốc tế, tại sao chúng ta không học cách lên tiếng và bảo vệ quan điểm một cách văn minh, lịch sự?
Những bạn trẻ này có nghĩ đến trường hợp Charlie Puth dịch những tin nhắn này ra tiếng Anh và hiểu điều họ nói.
|
Nguyễn Thị My, thạc sĩ cộng đồng ĐH La Trobe, Australia, nhận định, nhiều bạn trẻ cho rằng, công lý phải được đưa ra ánh sáng, nhưng không nghĩ đến việc có thể sự việc chưa được xác thực.
"Việc cãi nhau qua lại thường không mang về kết quả như mong đợi, mà chỉ trở thành những trận mạt sát, ngụy biện, tấn công cá nhân lẫn nhau. Bình tĩnh nhìn nhận sự việc, lên tiếng khi cần thiết mới thể hiện sự hiểu biết và văn minh của người trẻ", Nguyễn Thị My nêu quan điểm.
Nữ thạc sĩ nói thêm, cho đến giờ, việc Sơn Tùng có đạo nhạc hay không chưa ngã ngũ, nhưng chắc chắn nam ca sĩ người Mỹ cùng fan của anh đã thấy sợ... dân mạng Việt Nam.
Cùng ý kiến này, tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Khắc Điệp khẳng định, không một ai, kể cả những ngôi sao sống quen trong chốn thị phi của showbiz, muốn Facebook của mình biến thành “bãi chiến trường” của những anh hùng bàn phím.
"Những người bạn nước ngoài sẽ nghĩ thế nào khi người Việt cứ tự bôi xấu nhau? Những dòng chữ thô lỗ sẽ gây cái nhìn xấu về con người Việt chứ không phải chỉ ảnh hưởng cá nhân. Bạn cảm thấy thế nào nếu một ngày nhìn thấy những dòng chữ thiếu văn mình bằng tiếng nước ngoài tràn ngập Facebook, IG, Twitter của thần tượng mình?", Nguyễn Khắc Điệp đặt câu hỏi.
Vị tiến sĩ cho rằng, cái người trẻ thiếu bây giờ là sự định hướng và học cách tranh luận văn minh ngay cả trên mạng ảo.
"Không ai ngăn cản các bạn nêu ý kiến và quan điểm, nhưng những điều đó phải được lên tiếng đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích", tiến sĩ Điệp nêu quan điểm.