Ngày 23/9, sau 4 lần tạm hoãn, TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mở lại phiên xét xử vụ việc khách hàng kiện Công ty TNHH Nước Giải khát Coca-Cola Việt Nam vì chai nước có chứa dị vật.
Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình Minh (33 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm). Do vắng mặt, bà Minh đã ủy quyền cho bà Trần Thị Lan (27 tuổi).
Theo nội dung khởi kiện, ngày 5/10/2011, bà Minh mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của hãng Coca-Cola (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011) do Chi nhánh Coca-Cola tại Hà Nội sản xuất. Trong số mặt hàng này, bà Minh phát hiện có một chai Splash còn nguyên nắp chứa nhiều tạp chất, mảnh thủy tinh và mẩu giấy có viết chữ bên trong chai nước.
Bà Minh đã ủy quyền cho một công ty luật làm việc với Công ty Coca-Cola. Cảm thấy vụ việc giải quyết chưa thỏa đáng, bà Minh khởi kiện Công ty TNHH Nước Giải khát Coca-Cola Việt Nam ra tòa.
Quang cảnh phiên xét xử vụ kiện. Ảnh: Hoa Đỗ. |
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, các màu in trên nhãn của chai thủy tinh được giám định đều cùng loại với các màu tương ứng in trên nhãn chai Minute Maid Splash do Chi nhánh Coca-Cola tại Hà Nội cung cấp. Về màu sơn, sơn màu đỏ trên nắp chai thủy tinh cùng loại sơn, khác màu màu với sơn màu vàng của nắp chai nhãn Minute Maid Splash cho Coca cung cấp làm mẫu so sánh, thành phần và các chỉ tiêu hóa lý của chai nước và mẫu do Coca cung cấp tương tự nhau.
Do mẫu giám định chỉ có 1 chai nên không kiểm tra được độ kín của nắp chai.
Có mặt tại tòa, ông Vũ Quốc Tuấn, Trần Thanh Bình – giám định viên Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đã giải thích về kết luận giám định. Theo ông Tuấn, qua đối chiếu, chai nước được giám định, thành phần chính là chất tạo màu, cam ép, chất bảo quản… đều nằm trong khung tiêu chuẩn cho phép của Coca-Cola. Ông Tuấn cho biết kết luận giám định chỉ có thể kết luận là tương tự, không thể kết luận là 100% được.
Được hỏi về sự khác biệt ở nắp chai, giám định viên Bình giải thích, năm 2013, nắp chai của Coca-Cola có màu đỏ hồng, nắp chai gửi đến đối chiếu màu vàng. So sánh đặc điểm dấu vết, độ uốn lượn cong của các đường gờ là khác nhau.
Ở phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các nghị định hướng dẫn thì người tiêu dùng không phải cung cấp địa chỉ người bán hàng, mua hàng dưới 200.000 đồng thì không phải cung cấp hóa đơn. Luật sư cũng nêu, quyền của người tiêu dùng phải được biết về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Thực tế, Coca-Cola có thể truy được đại lý tiêu thụ hàng hóa để tìm ra nguồn gốc của chai nước.
Không đồng tình, luật sư của bị đơn cho rằng mẫu vật nguyên đơn đưa ra không phải là sản phẩm của Coca-Cola. Luật sư khẳng định, dị vật không thể lọt vào chai nếu đúng là sản phẩm của Coca-Cola và đề nghị tòa bác đơn yêu cầu của nguyên đơn.
Sau một ngày xét xử, TAND quận Bắc Từ Liêm chấp nhận đề nghị của bị đơn và bác đơn khởi kiện của bà Minh.