Trước đó, ngày 11/4/2024, bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm bị TAND TP.HCM tuyên án sơ thẩm về các tội: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; "Tham ô tài sản"; "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình.
Sau bản sán sơ thẩm, bị cáo Lan và 47 bị cáo khác có đơn kháng cáo, trong đó bị cáo Lan kháng cáo toàn bộ bản án, nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo có đơn kháng cáo.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử "đại án" Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. |
Ngoài xem xét kháng các của bị cáo Lan và 47 đồng phạm, TAND cấp cao tại TP.HCM còn xem xét kháng cáo của bị hại là Ngân hàng SCB cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Sơn Hoa, Công ty CP T&H Hạ Long, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh…
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn, lấy Vạn Thịnh Phát làm trung tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.
Sau khi biết 3 ngân hàng là SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất mất khả năng thanh khoản buộc phải hợp nhất hoặc mua lại, bị cáo Trương Mỹ Lan đã nhờ nhiều người thân, bạn bè đứng ra mua một lượng lớn cổ phần. Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan đã thâu tóm, nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần tại Ngân hàng SCB.
Các bị cáo phiên tòa giai đoạn 1. |
Dù không nắm giữ chức vụ nào trong Ngân hàng SCB nhưng do sở hữu 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB, nên bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này và trở thành người quyết định cao nhất tại Ngân hàng SCB.
Với vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo Ngân hàng SCB như Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT), Trương Khánh Hoàng (Quyền Tổng giám đốc), Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc)… rút tiền ra khỏi SCB để phục vụ mục đích của mình, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB.
Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay (tính đến ngày 17/10/2022), tương đương số tiền là 673.800 tỷ đồng.
Dự kiến phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 4/11-25/11.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Pháp luật về cư trú - Những điều cần biết" đề cập những quy định pháp luật về nơi cư trú, đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, xác nhận thông tin về cư trú.