TAND TP.HCM vừa ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) trong vụ kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhân danh Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên khởi kiện.
Trong vụ kiện trên, bà Thảo yêu cầu ông Vũ phải chấm dứt hành vi tố cáo các sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7 do Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên (chi nhánh Bắc Giang) sản xuất là hàng giả; chấm dứt hành vi khởi kiện các nhà phân phối trong nước và tại thị trường quốc tế đang phân phối các sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu Trung Nguyên và G7.
Ngày 28/3, TAND TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, tòa buộc ông Vũ không được tiếp tục nhân danh Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên khởi kiện các cá nhân, pháp nhân đang phân phối, mua bán sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu: Coffee G7 cà phê hòa tan, Coffee G7 Instantcoffee, The No.1 coffee G7 cà phê thứ thiệt, do chi nhánh Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang sản xuất.
Ông Vũ không được tiếp tục nhân danh Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên gửi thư cảnh báo, tố cáo đến các cá nhân, pháp nhân đang phân phối, mua bán sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu "Coffee G7 cà phê hòa tan", "Coffee G7 Instan coffee", "The No.1 coffee G7 cà phê thứ thiệt" do chi nhánh Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên - chi nhánh Bắc Giang sản xuất.
Đình chỉ đối với các vụ kiện nhà sản xuất, phân phối Sky Blue đang do tòa án Đài Loan giải quyết và vụ kiện các nhà phân phối Blake Trading, CNL Global Co.Ltd, NJ.CO.LTD đang được tòa án Hàn Quốc giải quyết.
Bà Thảo khởi kiện yêu cầu ông Vũ chấm dứt hành vi tố cáo các sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7 là hàng giả. Ảnh: Lê Quân. |
Ngay sau khi nhận được quyết định trên, ngày 29/3, ông Vũ đã có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP.HCM, yêu cầu hủy bỏ toàn bộ nội trong quyết định khẩn cấp tạm thời ngày 28/3.
Ông cho rằng quyết định trên của tòa trái với các quy định của Luật doanh nghiệp. Bản thân ông là người đại diện theo pháp luật của công ty, với chức danh Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên nên có quyền đại diện cho công ty thực hiện các quyền của doanh nghiệp như khởi kiện, khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Theo ông Vũ, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng là trái với quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 9 của Bộ luật Tố tụng dân sư (TTDS) 2015 và khoản 1, Điều 30 Hiến pháp 2013, vi phạm đến quyền và nghĩa vụ của người quản lý công ty trong việc đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty theo quy định tại điều 160 Luật doanh nghiệp 2014, đồng thời xâm phạm đến quyền được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.
Quyết định trên ban hành không đúng theo quy định của Bộ luật TTDS, không có căn cứ cho thấy các hành vi bị cấm thực hiện làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hay làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được tòa án giải quyết.
Việc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này là cần thiết nhằm bảo vệ và để không tiếp tục xảy ra việc xâm phạm quyền lợi hợp pháp và chính đáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên và Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên.
Ngày 19/4/2019, TAND TP.HCM đã ra quyết định "chấp nhận đơn khiếu nại của ông Đặng Lê Nguyên Vũ,hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với lý do nguyên đơn "không cung cấp được các chứng cứ ông Vũ thực hiện, hoặc không thực hiện, sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được tòa giải quyết".