Phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm sáng ngày 26/5, các luật sư tập trung xét hỏi Sở kế hoạch đầu tư TP.HCM, Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước để làm rõ hành vi góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp. Vị đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Quy định Luật Tổ chức Tín dụng, các cổ đông góp vốn phải thực hiện theo quy định không chỉ là giấy phép mà còn phải kê khai".
Nói về hành vi trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên, đại diện công ty B&B trình bày việc phân chia lỗ lãi đã được xác định theo nguyên tắc. Theo đó, lỗ hay lãi bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) phải chịu, công ty B&B chỉ được phí ủy thác. Quá trình kinh doanh, bà Hương lỗ 500 tỷ đồng, trừ lãi chốt lại nợ 380 tỷ đồng.
Trước câu hỏi của luật sư rằng: "Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan thuế có văn bản đòi tiền công ty B&B chưa?", đại diện công ty này khẳng định là chưa.
Trả lời các luật sư sáng nay, Tổng cục thuế cho rằng nếu kết luận của cơ quan điều tra và phán quyết của tòa cho rằng hợp đồng giữa bà Hương và công ty B&B là bất hợp pháp thì khoản thu này phải thực hiện ủy thác bổ sung, thu hồi toàn bộ tiền bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Quang Hưng, giám định viên Bộ Tài chính nói: "Căn cứ 5 hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp không thể xây dựng chính xác số thuế của một doanh nghiệp. Trường hợp nếu các hoạt động kinh doanh khác được kê khai đầy đủ và hợp đồng này chưa kê khai thì vẫn có thể tính riêng số thuế và tính vào kê khai thuế chung. Trong kết quả giám định, số tiền 25 tỷ đồng được xác định là số thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác. Tôi chịu trách nhiệm về kết quả giám định của tôi".
Bà Đặng Ngọc Lan xuất hiện tại tòa với tư cách đại diện công ty B&B. |
Cũng trong sáng nay, luật sư chuyển sang hỏi bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công ty B&B trong phần hành vi trốn thuế.
"Tôi đã trình bày với quý tòa, thời gian đó tôi nghỉ sinh nên không nắm được hoạt động của công ty. Tôi đã ủy quyền anh Đặng Trường Sơn. Anh Sơn không phải là người của công ty nhưng nắm được mọi hoạt động…", bà Lan nói.
Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận ủy quyền này và yêu cầu bà Lan trả lời. Bà Lan xin phép HĐXX trả lời sau giờ nghỉ giải lao hoặc vào buổi chiều.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại tòa sáng nay. |
Trả lời HĐXX về hành vi kinh doanh trái phép, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: "Là công dân, tôi khẳng định không phạm tội, không kinh doanh trái phép, không làm việc gì ảnh hưởng đến chính sách kinh doanh tiền tệ của Nhà nước".
Luật sư đã đặt câu hỏi trực tiếp đến các tội danh bị cáo bị truy tố. Với tội lừa đảo, bị cáo tóm tắt nội dung thỏa thuận giữa Kiên với Trần Đình Long (Tổng giám đốc công ty Thép Hòa Phát) liên quan việc hoán chuyển cổ phiếu.
Trước khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện việc chuyển đổi đó như nào? Theo lời Kiên: "Tôi đã thực hiện đúng thỏa thuận của tôi với anh Long. Trong đó có nội dung hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa công ty Thép Hòa Phát chuyển bán cho công ty một thành viên Thép Hòa Phát và tôi là người ứng tiền để hoán đổi cổ phiếu".
Về hành vi gian dối, bị cáo Kiên nói: "Tôi, anh Thanh (đại diện Công ty ACBI), chị Yến (kế toán trưởng ACBI) không hề gian dối. Trong quá trình ký và thực hiện hợp đồng, có sai sót xuất phát từ các lãnh đạo công ty tập đoàn Thép Hòa Phát. Đây là sai sót thuần túy mang tính nghiệp vụ kế toán".
Trả lời câu hỏi thực tế kinh doanh B&B tính đến ngày 31/12/2010 là lỗ hay lãi?, bị cáo Kiên cho rằng nếu hợp đồng của Nguyễn Thúy Hương và B&B tuyên vô hiệu, thì căn cứ thực tế B&B phải điều chỉnh kế toán theo pháp luật, nên công ty bị lỗ và không phải chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp.
"Tôi không rõ vì sao lại quy kết tôi tội làm trái. Tôi làm tư vấn ACB, không có ý nghĩa gì về việc ban hành các quyết định của HĐQT. Cá nhân tôi với vai trò thành viên sáng lập, không chỉ đạo ai, hay bất kỳ việc gì trong HĐQT", bầu Kiên nói.
Về việc thành lập 6 công ty, Nguyễn Đức Kiên trình bày: "Tôi là doanh nhân được nhà nước cấp phép đầu tư, với việc này tôi phải hiểu các vấn đề của pháp luật khi đầu tư".