Sáng 28/12, dựa vào các tài liệu chứng cứ và tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định căn cứ vào đơn khởi kiện của Vinasun là đòi Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng chứ không yêu cầu giải quyết việc cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, việc Grab cho rằng việc giải quyết tranh chấp này của Bộ GTVT là không có căn cứ.
Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam
Grab là doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM nên thẩm quyền thụ lý thuộc Tòa Kinh tế TAND TP.HCM. Việc triệu tập các cơ quan như Bộ GTVT đến tòa, HĐXX cho rằng không cần thiết. Công ty giám định Cửu Long không phải là đối tượng bắt buộc phải có mặt nên không cần thiết phải triệu tập cho bằng được.
Xét hoạt động của Grab, tòa cho rằng Grab đã trực tiếp kinh doanh taxi, điều chỉnh giá bán, khuyến mãi, thưởng điểm cho tài xế,…Grab cho rằng tài xế thuộc Hợp tác xã quản lý nhưng phải thừa nhận Grab có xử phạt tài xế trong khi Đề án 24 không cho phép Grab làm điều này.
Với tài xế khi đăng ký làm cho Grab, họ hoàn toàn làm việc với Grab chứ không có đơn vị vận tải nào. Điều này tòa nhận định dựa vào biên bản lời khai của đơn vị vận tải và tài xế.
Các luật sư và đại diện Vinasun tại phiên tòa sáng 28/12. Ảnh: Hoài Thanh. |
HĐXX cho rằng nếu Grab là đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối thì không có lý do gì Grab đứng ra mua bảo hiểm cho lái xe. Khi khách hàng gọi xe thì khách hàng chi trả vào tài khoản của Grab, điều này cho thấy chi phí này thuộc về phần mềm dịch vụ của Grab chứ không phải đơn vị kinh doanh vận tải.
Tại tòa, HĐXX có hỏi Grab về mức chiết khấu về quãng đường khác nhau trong khi cùng một điều kiện nhưng Grab không trả lời được. Điều này cho thấy Grab chủ động điều chỉnh mức chiết khấu. Giao dịch của Grab không phải là hợp đồng điện tử như Grab nói, bởi vì không có điều khoản cơ bản, quyền nghĩa vụ của hai bên, chữ ký của các chủ thể, không có phương thức giải quyết tranh chấp,...
Từ những điều này cho thấy việc Grab cho rằng công ty này chỉ hoạt động cung ứng phần mềm là không có cơ sở chấp nhận. Hoạt động Grab đã và đang thực hiện là hoạt động kinh doanh vận tải taxi.
Tòa cũng dẫn chứng vụ kiện đối với Uber tại Tòa Công lý Châu Âu, với phán quyết theo hướng Uber cũng là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải. HĐXX nhận định Grab vị phạm Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Đề án 24, Luật Thương mại,... Bởi Grab chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh vận tải taxi. Đây là hành vi có lỗi của Grab, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
Đại diện phía Grab tại phiên tòa sáng nay, 28/12. Ảnh: Hoài Thanh. |
Việc Vinasun khởi kiện cho rằng thời gian qua Grab kinh doanh vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ. Tuy nhiên, cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab và hậu quả gây ra. Việc chọn công ty giám định thiệt hại của tòa là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.
Công ty Quốc Việt hỗ trợ Công ty Cửu Long giám định một số phần, tòa cho biết có cơ sở, không vi phạm pháp luật. Xét tranh chấp Vinasun - Grab là tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng, hành vi có lỗi của Grab đã được chứng minh. Còn về thiệt hại, dựa vào kết quả giám định đều cho thấy có thiệt hại với Vinasun, có nguyên nhân do Grab gây ra.
Về mối quan hệ nhân quả, dựa vào tài liệu thu thập cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến, số lượng xe nằm bãi và kinh doanh của Vinasun ngày càng giảm. Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab.
Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khỏi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồng.
Tài xế Vinasun cầm khẩu hiệu gây náo loạn ở sân tòa. Ảnh: Hoài Thanh. |
Đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun
Trình bày quan điểm về vụ kiện, đại diện VKS cho rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chứng cứ sau ngày 23/10, VKSND nhận định: Thẩm phán đã thực hiện đúng quy trình tự tố tụng.
Công ty giám định Cửu Long đã được triệu tập nhiều lần nhưng không đến, mặc dù được tòa chỉ định và nhiều lần triệu tập tới tòa nhưng đều không đến, cơ quan công tố cho rằng điều này là vi phạm pháp luật.
VKS cho rằng Grab có những hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho Vinasun và thiệt hại thực tế thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Tuy nhiên, Vinasun lại không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Vì vậy không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỷ đồng.
VKS cho biết thông qua vụ án này, VKS sẽ có báo cáo đề xuất với VKSND Tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách
Phó tổng giám đốc Vinasun Trương Đình Quý. Ảnh: Lê Quân. |
Tại phiên tòa ngày 26/12, HĐXX thông báo khi Grab đề nghị hòa giải với Viansun, giải pháp Grab đưa ra là mua lại cổ phiếu của Vinasun, chịu lỗ 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguyên đơn trả lời do nội dung đàm phán không gắn với nội dung vụ án và không gắn với mối quan hệ nhân quả nên Vinasun không chấp nhận.
“Số tiền đó dù có lớn hơn nữa nhưng mục đích chúng tôi không phải vì khoản tiền đó mà mục đích chúng tôi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để làm sao làm rõ được các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab. Đây là lợi ích của đất nước, của quốc gia với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh”, Vinasun nhấn mạnh trước tòa.
Vào chiều 23/10, VKS từng nhận định quan điểm về vụ kiện này. Cơ quan công tố cho rằng dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại tòa, đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỷ đồng cho thiệt hại phát sinh do các hành vi của Grab gây ra.
Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.
Vinasun cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.