Khi người có ảnh hưởng trong làng game Pangmao hay Mèo Béo tự kết liễu đời mình vào ngày 11/4, mọi người trên mạng xã hội Trung Quốc đã đồng loạt hướng mũi tên hận thù vào bạn gái cũ của anh, theo Sixth Tone.
Người phụ nữ họ Tan được miêu tả là "kẻ đào mỏ". Thông tin được tung lên mạng cho thấy Mèo Béo đã chuyển hơn 500.000 NDT (69.000 USD) vào tài khoản của cô, giúp cô thanh toán hóa đơn điện thoại, các chuyến du lịch nước ngoài và chi phí kinh doanh khởi nghiệp.
Cô gái 27 tuổi nhanh chóng trở thành nhân vật bị ghét bỏ trên mạng, bị buộc tội hủy hoại tài chính của bạn trai và sau đó đẩy anh ta vào chỗ chết. Những người chống nữ quyền ở Trung Quốc coi vụ việc này là một ví dụ về việc đàn ông phải đối mặt với áp lực không công bằng trong việc hỗ trợ tài chính cho bạn đời của mình.
Thế nhưng, cuộc điều tra của cảnh sát đã tiết lộ rằng toàn bộ câu chuyện này là sai sự thật.
Cảnh sát thành phố Trùng Khánh cho biết Tan không phụ thuộc tài chính vào Mèo Béo, tên thật là Liu. Không có bằng chứng nào cho thấy Tan là người gây ra cái chết của game thủ.
Câu chuyện bịa đặt về Tan được dàn dựng bởi gia đình Mèo Béo, những người được cho là có mối hận thù với Tan. Chị gái của Mèo Béo tung câu chuyện bịa đặt lên mạng, cáo buộc Tan, sau đó trả tiền cho các tài khoản, trang mạng xã hội giả mạo khuếch đại các bài đăng vu khống.
Đối với nhiều người ở Trung Quốc, sự thay đổi đột ngột trong câu chuyện là cú sốc lớn, đồng thời là lời nhắc nhở rằng tin tức giả mạo và thành kiến xã hội có thể dễ dàng thao túng dư luận như thế nào.
Nguồn gốc của tin đồn
Mèo Béo đã tự sát bằng cách nhảy từ một cây cầu ở Trùng Khánh. Cái chết của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của người hâm mộ trò chơi điện tử trên toàn Trung Quốc.
Nhưng phải đến khi những cáo buộc chống lại Tan xuất hiện vài ngày sau đó thì câu chuyện mới bùng nổ trên mạng xã hội. Chị gái của Mèo Béo đã chia sẻ ảnh chụp màn hình các giao dịch tài chính giữa Mèo Béo và Tan, cho thấy game thủ đã chuyển ít nhất 510.000 NDT vào tài khoản của Tan trước khi qua đời.
Chị gái Mèo Béo bị cáo buộc thao túng dư luận và xâm phạm quyền riêng tư. |
Đây dường như là một trường hợp điển hình của "pig butchering" - một loại lừa đảo trong đó những kẻ lừa đảo phát triển mối quan hệ tình cảm với nạn nhân và sau đó thao túng họ chuyển số tiền rất lớn cho mình.
Kiểu lừa đảo này có nhiều hình thức, nhưng thường nhắm vào nam giới. "Rõ ràng người phụ nữ này đã cố tình gài bẫy để lấy tiền. Đây là một trò lừa đảo", một người viết trên Weibo.
Tan nhanh chóng trở thành nhân vật bị căm ghét. Hashtags liên quan đến cái chết của Mèo Béo đã thu hút hàng tỷ lượt xem trên Weibo. Đàn ông Trung Quốc đặc biệt bày tỏ sự giận dữ với Tan, coi trường hợp của cô như áp lực tài chính mà nam giới thường gặp phải trong các mối quan hệ lãng mạn.
Thông tin cá nhân của Tan - bao gồm cả số CMND - đã bị rò rỉ trên mạng và cô nhận được vô số bình luận, tin nhắn dọa giết mỗi ngày.
Dân mạng quay xe
Tuy nhiên, câu chuyện đã có một bước ngoặt kịch tính vào hôm 19/5, khi cảnh sát Trùng Khánh công bố kết quả điều tra vụ việc.
Theo thông báo, Mèo Béo gặp Tan vào năm 2021 khi đang chơi game trực tuyến và cặp đôi nhanh chóng yêu nhau. Nhưng mối quan hệ tài chính của cặp đôi không phải là kiểu đơn phương như chị gái Mèo Béo đã tuyên bố.
Theo cuộc điều tra, mặc dù Mèo Béo đã thực hiện hàng trăm lần chuyển khoản ngân hàng với tổng trị giá gần 800.000 NDT vào tài khoản của Tan, Tan cũng đã thực hiện hàng trăm lần chuyển khoản theo cách khác, tổng trị giá hơn 450.000 NDT.
Tuy nhiên, chị gái của Mèo Béo vẫn cảm thấy em trai đã chi quá nhiều tiền cho Tan, nên sau khi anh qua đời, cô quyết định trả thù. Cảnh sát Trùng Khánh cho biết cô đã thuê các tài khoản giả để tăng cường cáo buộc chống lại Tan, khiến số người theo dõi cô trên mạng xã hội Weibo tăng vọt từ 263 lên 2,9 triệu chỉ trong một ngày vào cuối tháng 4.
Người dân đặt hoa và các phần ăn trên câu để thể hiện sự thương tiếc với Mèo Béo. |
Chị gái của Mèo Béo cùng với một số người có ảnh hưởng đã bị cáo buộc thao túng dư luận và xâm phạm quyền riêng tư của Tan. Nhà chức trách cho biết họ có thể phải đối mặt với các hình phạt hành chính vì hành vi này.
Diễn biến mới của vụ việc đã gây ra "cơn bão" trên mạng xã hội ở Trung Quốc trong tuần này.
Maggie Luo, cô gái 20 tuổi đến từ tỉnh Quảng Đông, nói rằng cô cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy Tan được minh oan. Cô cho biết cuộc tranh luận gay gắt về vụ việc đôi khi giống như một cuộc chiến tranh về giới.
"Có rất nhiều bài đăng và video trên mạng kích động sự phản đối giới tính và xúc phạm những phụ nữ có liên quan, khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Đó là cảm giác mâu thuẫn. Một mặt, tôi nghĩ rằng những vấn đề này nên được thảo luận, nhưng mặt khác chúng chi phối diễn ngôn xã hội và khiến những tin tức quan trọng bị bỏ qua", Luo nói.
Guo Mengyao, 23 tuổi ở Tân Cương, nói rằng ban đầu anh cảm thấy thông cảm với Mèo Béo và phẫn nộ với Tan khi câu chuyện lần đầu tiên xuất hiện trên mạng. Bây giờ, anh cảm thấy mình thật ngu ngốc khi đã bị lừa gạt.
"Tôi cảm thấy tiếc không chỉ cho Mèo Béo mà còn cho Tan, vì cô ấy đã bị tấn công trực tuyến trong một thời gian dài. Thậm chí đến bây giờ, nhiều người vẫn tấn công cô ấy. Thật khó để biết điều gì là đúng trong thời đại Internet và cũng thật khó để chúng ta biết nên lên tiếng khi nào và vì ai", Guo chia sẻ.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.