Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi bàng hoàng khi bố mẹ yêu cầu chu cấp tiền'

Phụ huynh thường là người hỗ trợ tiền bạc cho con cái. Tuy nhiên, chuyện thanh niên trở thành trụ cột tài chính của gia đình cũng không phải điều gì quá xa lạ.

Zing trích dịch bài đăng từ BBC, đề cập đến tranh cãi xung quanh chuyện thế hệ nào xứng đáng nhận được hỗ trợ tài chính hơn - thế hệ Millennials hay bố mẹ họ.

Lamees Wajahat sống với bố mẹ ở vùng ngoại ô Ontario (Canada). Cô chưa đầy 30 tuổi và đang làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung.

Bởi bố mẹ cô đều không có việc làm, Wajaha là trụ cột kinh tế của gia đình suốt 4 năm qua.

con cai chu cap tai chinh cho bo me anh 1

Ở một số quốc gia, độ tuổi 18 được coi là đã trưởng thành, cần phải dọn ra ở riêng và độc lập tài chính. Ảnh: Alamy.

Cách đây khoảng một thập kỷ, bố mẹ Wajahat - người gốc Pakistan - đã chuyển từ Dubai đến Canada để tìm kiếm một nền giáo dục tốt hơn cho con cái.

Tuy nhiên, nguồn thu nhập của gia đình trở nên eo hẹp bởi mẹ của Wajahat chỉ ở nhà nội trợ, còn bố cô không tìm được việc làm.

Lần đầu tiên bố mẹ Wajahat đề nghị cô đưa tiền để trang trải sinh hoạt phí là khi cô mới 18 tuổi, đang làm part-time tại một cửa hàng kem. “Tôi bàng hoàng trước yêu cầu của bố mẹ”, cô nhớ lại.

Từ lúc đó, Wajahat bắt đầu đưa cho mẹ 77 USD mỗi tháng. Hiện nay, số tiền đã tăng lên mức 450 USD.

Ban đầu, Wajahat cảm thấy bực bội khi bỏ cho đi một khoản thu nhập của mình.

“Tôi đã quen với lối sống hồi ở Dubai. Tôi cứ nghĩ rằng bố mẹ sẽ luôn có thu nhập riêng. Do đó, tôi cảm thấy bị tổn thương khi phải nộp tiền cho mẹ hàng tháng - một điều tôi chưa làm bao giờ”, cô thừa nhận.

con cai chu cap tai chinh cho bo me anh 2

Tâm lý chung thường tán thành rằng thế hệ Millennials thường gặp nhiều khó khăn hơn bố mẹ. Vì vậy, họ nên được phụ huynh hỗ trợ. Ảnh: Getty.

Wajahat nói rằng hầu hết bạn bè đều nhận xét rằng việc cô chu cấp cho bố mẹ thật kỳ quặc. Ở những đất nước như Canada, một người thường được coi là trưởng thành ngay sau khi bước sang tuổi 18. Sau đó, họ sẽ chuyển đi một nơi khác sống và độc lập tài chính.

Tuy nhiên, Wajahat dần nhận ra rằng những gì cô đang làm mới là thực sự trưởng thành, dù nhiều khi cô phải chọn trả tiền hóa đơn, nhu yếu phẩm thay vì mua sắm cho bản thân.

Thế hệ Millennials có nhiều cơ hội tốt hơn

Sarah Harper là Giáo sư ngành Lão khoa tại Đại học Oxford, đồng thời là người chỉ đạo Viện Lão hóa Dân số Anh.

Bà nói rằng việc con cái chu cấp tiền bạc cho cha mẹ thực ra không phải điều gì mới mẻ. Nó vốn tồn tại từ lâu trong xã hội nhưng thông qua các hình thức khó nhận thấy.

“Ví dụ, con cái có thể không đưa tiền trực tiếp cho bố mẹ. Thay vào đó, họ đóng thuế. Thuế này sẽ tài trợ vào khoản lương hưu hàng tháng của bố mẹ họ”, bà cho biết.

Tuy nhiên, nguồn phúc lợi quốc gia đang bị thu hẹp trên khắp thế giới trong bối cảnh tài chính công suy yếu, chủ nghĩa dân túy gia tăng, tuổi thọ con người kéo dài và đại dịch Covid-19 làm điêu đứng các nền kinh tế.

Do đó, cách các thế hệ hỗ trợ nhau như thế nào trong tương lai gần bắt đầu nhận được sự quan tâm. Thế nhưng, điều này cũng đặt ra câu hỏi: ai nên hỗ trợ ai và hỗ trợ bao nhiêu mới đủ.

Tâm lý chung thường tán thành rằng thế hệ Millennials thường gặp nhiều khó khăn hơn bố mẹ. Vì vậy, họ nên được phụ huynh hỗ trợ.

con cai chu cap tai chinh cho bo me anh 3

Thế hệ Millennials có nhiều cơ hội thành công hơn những thế hệ trước. Ảnh: Unsplash.

Tuy nhiên, Giáo sư Harper tin rằng việc giới trẻ nghèo hơn, thu nhập kém hơn bố mẹ vẫn chỉ là giả thuyết. Bà cho biết thanh niên ngày nay thực sự có nhiều cơ hội để thành công, không hề thua kém thế hệ trước.

“Thế hệ Millennials có nhiều cơ hội hơn hẳn. Nhìn vào chính gia đình mình, tôi thấy bà ngoại còn không được học hành tử tế hay tự đưa ra quyết định trong đời. Nhiều bạn bè của bà qua đời trong lúc sinh nở. Mẹ tôi thì không được học đại học”, bà nói.

“Trong khi đó, cả 3 đứa con của tôi đều tốt nghiệp đại học với trình độ học vấn cao. Cả chúng và bạn bè của chúng đều được kỳ vọng như vậy”, Harper cho biết.

Vì vậy, có lẽ không có gì đáng bàn cãi khi cho rằng những thanh niên có điều kiện sống thoải mái nên hỗ trợ tiền bạc cho cha mẹ già của họ.

Phụ huynh nên tiết kiệm tài chính cho tuổi già

Mặt khác, Giáo sư Harper cho rằng xã hội cần thay thay đổi cách nghĩ về “nghĩa vụ chu cấp” theo cả hai chiều. Ví dụ, phụ huynh nên bắt đầu lập kế hoạch tiết kiệm cho tuổi già khác với truyền thống.

“Những người lớn tuổi nên làm việc lâu hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Ngoài ra, có một số cách khác nhau để chúng ta chuẩn bị cho tuổi già như đóng bảo hiểm hoặc khoản thuế cụ thể cho người cao tuổi”, Harper nói. Bà cho biết đó là những biện pháp đã được áp dụng ở các quốc gia phát triển.

con cai chu cap tai chinh cho bo me anh 4

Các phụ huynh nên chủ động chuẩn bị khoản hưu trí cho bản thân. Ảnh: Getty.

Nhưng cuối cùng, giáo sư chia sẻ rằng chúng ta không nên xem đây là một cuộc tranh cãi giữa các thế hệ hay so sánh xem nhóm tuổi nào khổ hơn. Bởi hiện nay, có một vấn đề lớn hơn cả mà xã hội cần phải giải quyết, đó là liệu các gia đình có thể tự nuôi sống bản thân được không?

Harper thừa nhận ngày càng nhiều gia đình không có khả năng hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều nhà chỉ đủ kiếm ăn qua ngày ngay cả trước đại dịch Covid-19 xuất hiện. Xu hướng bất bình đẳng cũng từ đó gia tăng.

“Sự chia rẽ giữa các nhóm kinh tế xã hội ngày càng sâu sắc”, Harper nhận xét.

Bà cũng cho rằng Covid-19 - mối đe dọa khủng khiếp của những người cao niên - đã thách thức tính tự mãn của giới trẻ và khiến họ “nhận thức rõ hơn về khả năng dễ bị tổn thương của bố mẹ”.

“Tôi đã chứng kiến được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ thực sự giữa các thế hệ trong thời gian qua”, Harper nói.

Đối với Wajahat, trở thành trụ cột tài chính trong nhà đã trở thành lối sống của cả gia đình cô từ lâu, dù có đại dịch hay không. Bằng một cách nào đó, việc này giúp cô gái trẻ suy nghĩ lại về bản thân với tư cách là một người trưởng thành trong nhà.

“Tôi không còn cảm thấy bực tức như trước, đúng hơn là tôi cảm thấy vinh dự khi là người chu cấp tài chính cho gia đình”, cô nói.

'Tôi áp lực vì chơi với bạn giàu hơn mình'

Dù mọi người muốn thừa nhận hay không, tiền bạc thực sự có ảnh hưởng đến tình bạn thông qua việc đi ăn uống, nhậu nhẹt, du lịch cùng nhau.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm