Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi áp lực vì chơi với bạn giàu hơn mình'

Dù mọi người muốn thừa nhận hay không, tiền bạc thực sự có ảnh hưởng đến tình bạn thông qua việc đi ăn uống, nhậu nhẹt, du lịch cùng nhau.

Zing trích dịch bài đăng từ VICE, đề cập những câu chuyện xoay quanh vấn đề chênh lệch thu nhập trong các nhóm bạn.

Sau khi bỏ ngang đại học, Charlie chật vật vài năm để kiếm được việc làm. Thế nhưng, vì mức lương quá thấp, anh phải nhận thêm trợ cấp thất nghiệp để sinh sống.

Một ngày, Charlie nhận thấy nhiều bức thư được gửi đến bạn cùng nhà. Hóa ra, đó là những tấm thiệp chúc mừng người bạn này được thăng chức và hưởng lương hơn 133.000 USD/năm.

“Tôi biết rằng anh ấy kiếm được kha khá nhưng không ngờ rằng số tiền lại lớn như vậy”, Charlie nói.

Dù mọi người muốn thừa nhận hay không, tiền bạc có ảnh hưởng đến tình bạn thông qua việc đi ăn uống, nhậu nhẹt, du lịch cùng nhau.

Với nhiều người, thật khó để không tự nhìn nhận bản thân là một kẻ thất bại khi chứng kiến khoảng cách giữa tài khoản ngân hàng của mình với bạn bè.

ban giau hon minh anh 1

Vấn đề tiền bạc luôn tồn tại trong các nhóm bạn.

Không thể theo kịp khả năng chi tiêu của bạn

Đối với Charlie, tiền nong luôn là nguyên nhân của nhiều vấn đề.

“Một lần, người bạn đó chuẩn bị đi công tác ở New York (Mỹ). Anh ta khoe khoang về phong bì đựng 1.000 USD tiền công tác phí mà sếp đưa, mặc dù biết tôi không một đồng trong ví. Ước gì anh ta biết nhận thức một chút”, anh kể lại.

Ngay cả không chung sống cùng nhà, khoảng cách giàu nghèo vẫn có thể tạo ra căng thẳng trong các nhóm bạn.

Ellen (30 tuổi) ước tính ít nhất 1/2 bạn bè của cô sở hữu mức lương 6 con số, thậm chí có một người kiếm nhiều gấp 5-6 lần thu nhập của cô.

“Tôi thực sự ghét phải đi ăn với cô gái đó vì cô ấy luôn gọi rất nhiều món và vô số rượu vang. Tuy nhiên, cô ấy lại chia đôi hóa đơn và tôi không thể từ chối. Không ít lần tôi phải trả nhiều hơn số tiền mình ăn 15-20 USD”, cô kể lại.

ban giau hon minh anh 2

Những người thu nhập thấp thường cảm thấy lo lắng và bực bội khi phải trả nhiều tiền hơn phần mình ăn uống do cả nhóm chia đều hóa đơn.

Tuy nhiên, Ellen nhận thấy việc cởi mở về tình hình tài chính của mình với bạn bè sẽ giúp cô đi chơi cùng họ thoải mái hơn, không cần quá lo lắng về khoản chi ăn uống, nhậu nhẹt trong chuyến đi.

“Tôi nghĩ vấn đề nảy sinh khi bản thân cố gắng theo kịp khả năng tiêu xài của đám bạn. Một lần nọ, tôi thẳng thắn trò chuyện với các bạn về thu nhập của mình - thấp hơn họ rất nhiều. Kể từ đó, nếu cả nhóm muốn ăn tiêu xa xỉ, họ sẽ giúp tôi trả một phần tiền”, cô nói.

Thế nhưng, không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi được bạn trả tiền cho. Calum, một nam thanh niên ở London (Anh), quyết định lấy bằng Thạc sĩ báo chí sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi nhiều bạn thân của anh theo đuổi công việc ở lĩnh vực tài chính và công nghệ.

“Tôi rất muốn giao du với bạn bè nhưng chỉ với điều kiện họ chọn quán rượu nào không mất phí vào cửa. Hơn nữa, tôi không thể theo kịp họ vì ngân sách có hạn, không thể chi thêm tiền cho việc ăn chơi. Đôi khi, họ tự đứng ra bao tôi nhưng điều đó khiến tôi cảm thấy khó chịu”, anh chia sẻ.

ban giau hon minh anh 3

Không phải ai cũng vui vẻ khi được bạn bè bao mọi chi phí vui chơi.

Mặt khác, trở thành người có thu nhập cao nhất cũng không vui vẻ gì.

Abdul, lớn lên ở miền bắc nước Anh, làm việc trong lĩnh vực tài chính với mức lương 53.000 USD/năm - nhiều hơn hẳn so với anh chị em trong gia đình. Không ít lần anh bị vướng vào những cuộc tranh cãi.

“Tôi ít khi trò chuyện về công việc với người thân bởi họ cảm thấy bất an, ghen tị”, anh nói.

Bên cạnh đó, dù đã chuyển đến thủ đô London để làm việc, gia đình Abdul vẫn yêu cầu anh đóng tiền thuê nhà cho họ.

“Tôi cảm thấy như bị lợi dụng. Rõ ràng là tôi làm việc rất chăm chỉ để đạt được thành quả hiện tại nhưng lại chỉ để đưa tiền cho người khác tiêu xài. Tôi rất phẫn uất và tức giận”, anh chia sẻ.

Thu nhập cao cũng khiến Abdul xa cách hơn với những người bạn cũ. “Nhiều người trong số họ còn chưa thực sự trưởng thành. Họ vẫn thích buôn dưa lê hoặc chủ đề bóng đá, chứ không bàn về những vấn đề mang tính thời sự”, Abdul kể lại.

Một thế hệ nghèo

Theo thống kê, thế hệ Millennials ở Anh nghèo hơn các thế hệ trước dù có mức sống cao. Đồng thời, có sự chênh lệch lớn giữa người kiếm được nhiều tiền và người không có thu nhập cao ở thế hệ này.

ban giau hon minh anh 4

Mặc dù có đời sống cao hơn, thế hệ Millennials lại nghèo hơn các đời trước.

Bất chấp áp lực kiếm tiền ngày càng lớn, không có gì đảm bảo rằng ai cũng có thể mua nhà hoặc thậm chí là nghỉ hưu. Giả dụ, cùng độ tuổi 27, tỷ lệ những người sinh vào cuối những năm 1980 sở hữu nhà là 25%, thấp hơn 18% so với những người sinh trước đó 10 năm.

Nhờ sự tiến bộ của luật pháp, thế hệ Millennials có thể không bị phân biệt đối xử nhiều như trước. Thế nhưng, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của giới trẻ, bên cạnh trình độ, kỹ năng bản thân.

Trong đó, người da đen, gốc Á hoặc các dân tộc thiểu số khác ở Vương quốc Anh có khả năng bị chênh lệch mức thu nhập tới 17%. Năm 2019, nam giới được trả lương nhiều hơn nữ giới tại 7.765/10.016 công ty và cơ quan nhà nước tại nước này.

Mặc dù kiếm tiền không bằng các bạn, Ellen tự nhận mình ở một vị trí tốt hơn họ.

“Tôi nhìn những người bạn của mình và thực sự không muốn sống một cuộc đời như họ. Hầu hết đều không thích công việc hay hài lòng về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, đó là quyết định của mỗi người”, cô nói.

Có nên ganh ghét khi bạn đời kiếm tiền giỏi hơn?

Phần lớn các cặp đều cảm thấy khó xử khi nói về vấn đề tiền bạc, khiến sự bực bội cứ thế âm thầm tích tụ, dần dần sẽ dẫn đến cãi vã, sứt mẻ tình cảm.

Hồng Chang

Ảnh: Getty, iStock

Bạn có thể quan tâm