Một mình trong phòng chụp MRI, nằm trên cổ máy năng lượng to lớn phát ra thứ từ trường mạnh mẽ, tôi ngột ngạt, cắn chặt môi. Tôi muốn vùng chạy khỏi đây, nhưng cơ thể vẫn nằm im bất động.
Tôi là Phạm Ngọc Thảo Mai (sinh năm 1993), đang làm việc trong ngành kế toán và phân tích dữ liệu. Ở tuổi 23, tôi đã trải qua những ngày cùng kiệt nhất khi đối mặt với ung thư.
Uớc mơ dang dở
“Thực tập”, “tốt nghiệp”, xin việc làm” - Tuổi 23, tôi háo hức đặt một chân vào thế giới của người trưởng thành với hàng tá dự định trong đầu.
Tôi giục bản thân nhanh lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền vì phía sau tôi là người mẹ đã ngoài 50 tuổi vẫn cặm cụi làm thêm mỗi ngày, là bố đang chật vật với bệnh tai biến và đứa em nhỏ đang tuổi đến trường.
Một ngày năm 2016, cổ tôi xuất hiện một cục hạch nhỏ. Chưa đầy một tuần sau, ở vùng cổ và bẹn, những cục hạch khác cũng trực chờ xé toạc da thịt để trồi lên. Hai tháng ròng, tôi sống cùng với những cơn đau âm ỉ, cố chờ đến lịch khám.
Tôi vẫn nhớ thứ Sáu ấy, chỉ 3 ngày sau khi tôi được sinh thiết hạch, những thuật ngữ y học lạ hoắc từ miệng bác sĩ chui thẳng vào tai của tôi.
“Một dạng của ung thư máu, xác suất sống sau 5 năm dưới 50%”, vị bác sĩ nhấn mạnh. Lúc này, khi đã hiểu rõ từng câu từng chữ, đầu tôi như muốn vỡ tung. Nước mắt đua nhau rơi lã chã.
Mẹ tôi lặng đi khi hay tin. Bà không khóc, nhưng tôi biết bên trong bà, từng tế bào đều đang thét gào đau đớn. Nhiều năm sống với căn bệnh ung thư cổ tử cung, mẹ biết tôi sắp phải chịu nỗi đau như thế.
Hàng trăm viễn cảnh trong đầu đánh gục tôi ngay trước khi chiến đấu. Từng chăm người nhà nằm viện, tôi ám ảnh những tiếng gào thét đau đớn của bệnh nhân, sợ bầu không khí đượm mùi thuốc.
Tôi nghỉ học một năm, dành trọn thời gian cho việc điều trị. Ở tuổi 23, tôi bắt đầu hành trình giành giật sự sống với tử thần.
Trong những năm tháng tuổi trẻ nhiệt huyết nhất, tôi chật vật chiến đầu với ung thư. |
Quyết định liều lĩnh
Tôi choàng tỉnh sau một giấc ngủ ngắn, cố rướn người bật dậy nhưng toàn thân nặng trịch. Tay trái có thể cử động yếu ớt, còn tay phải dường như bất động. Cố cắn răng động đậy người thêm vài lần, thân thể vẫn cứng đờ. Lúc này, sự hoảng loạn trong tôi được đẩy lên đến tột cùng.
Vài tháng nay, sau nhiều đợt hóa trị, tóc tôi rụng dần, cơ thể cũng yếu lã đi. Dù vậy, tôi vẫn trở lại với công việc thực tập, cố kiếm một khoản tiền để trang trải gia đình. Sáng hóa trị, chiều làm việc, cứ ngỡ mọi thứ đang thuận lợi trôi qua, thế nhưng, hôm nay lại khác.
Mở mắt một lần nữa, tôi cố bập bẹ nhưng chỉ thốt ra những âm thanh vô nghĩa. Tôi được đẩy thẳng vào phòng Hồi sức tích cực. Áp lực từ trường cùng thứ âm thanh dồn dập đến inh tai của chiếc máy MRI khiến tôi chẳng thể thở nổi.
Tôi biết, thứ thuốc trị ung thư đang dần lấy đi sự linh hoạt của cơ thể. Ngày nhập viện, chính tôi là người đã gật đầu ngay khi bác sĩ đề xuất thử nghiệm phác đồ điều trị mới.
“Đã có trường hợp bị tai biến khi sử dụng liệu trình này”, vị bác sĩ cảnh báo. Tôi chẳng quan tâm vì 4 từ “nhanh hết bệnh hơn” của bác sĩ khiến tôi bị mê hoặc. Như một trò đùa của số phận, tôi lại trở thành một trong số ca tai biến đó.
Tập đi, tập nói như trẻ lên 3
Năm tháng cứ lặng lẽ trôi, sau trận tai biến, tôi tiếp tục dính chặt với chiếc giường bệnh. Ống catheter vẫn đều đều truyền hóa chất, đạm vào trong cơ thể, đó là tất cả nguồn sống của tôi lúc này. Những đợt truyền hóa chất khiến tôi nôn tháo, mệt lả, đi không được, nằm cũng chẳng xong.
Những ngày mắc ung thư, thứ tôi thiếu thốn nhất là sức khỏe, còn thứ dư dả nhất lại chính là nỗi buồn. Chỉ vài tháng trước, tôi sợ cái chết đến với mình ở tuổi 23. Thế nhưng những ngày truyền hóa chất, tôi lại tha thiết nó đến tột cùng, tôi sợ mình trở thành gánh nặng cho cả gia đình.
Trận tai biến để lại di chứng nặng nề, khiến tôi như đứa trẻ đang mắc kẹt trong thân hình của người lớn. Mỗi ngày, tôi phải có mặt tại phòng tập vật lý trị liệu, cố chập chững từng bước. Mất 6 tháng, tôi mới có thể tập tễnh đi những bước đầu tiên.
Đầu lưỡi, thanh quản của tôi cũng dường như quên mất cách phát ra âm thanh suốt một năm. Tôi bập bẹ tập đọc từng từ trên sách để rồi đau đầu như búa bổ khi chỉ vừa hoàn thành một trang.
Đôi lúc, tôi muốn từ bỏ. Thế nhưng, sự đồng hành của gia đình và chồng sắp cưới khiến tôi vững tin.
“Tốt nghiệp” trường K
Sau 3 năm điều trị, tôi chẳng thể nhớ nổi đã có bao nhiêu dòng hóa chất được truyền vào cơ thể, bao nhiêu viên thuốc đắng nghét được tôi cố nuốt vào. Nhưng hy vọng đã lóe, tôi cảm nhận rõ sự sống đang dần trở lại cơ thể khô cằn.
Cuối năm 2018, tôi quyết định kết hôn. Sau đấy vài tháng, tôi được bác sĩ thông báo khỏi bệnh. Tôi đã từng khao khát khung cảnh này hàng trăm, hàng vạn lần, kể cả trong giấc mơ.
Những dòng hóa chất giết đi hàng triệu tế bào trong cơ thể, cũng giết luôn ước mơ về một mái ấm có tiếng cười trẻ thơ. Ấy thế mà hai thiên thần nhỏ đã đến với tôi như một kỳ tích.
Tổ ấm của tôi ngập tràn tiếng cười với hai thiên thần nhỏ. |
Năm 2020, con trai lớn Sumo cất tiếng khóc. Sumi ra đời sau anh trai 4 năm. Sự xuất hiện của các con cũng đặt dấu chấm hết cho màn đêm tối mịt, mở ra một chương mới đầy ánh sáng mặt trời.
Căn bệnh ung thư lấy đi sức khỏe, hoài bão và những tháng ngày tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của tôi. Thế nhưng, ở một góc độ nào đó, căn bệnh này cũng để lại nhiều bài học quý báu. Nó dạy tôi cách sống chậm lại, biết lắng nghe cơ thể hơn và dám đương đầu với mọi thách thức xảy đến trong đời.
Là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, nhiều người xem ung thư là dấu chấm hết của cuộc đời. Tuy nhiên, với sự tân tiến của nền y học hiện đại, nhiều bệnh nhân ung thư đã vượt qua và sống khỏe sau điều trị.
CHIẾN THẮNG UNG THƯ là series chia sẻ về hành trình điều trị, vượt qua căn bệnh ung thư. Thông qua series, độc giả sẽ có cơ hội thấu hiểu thêm về tâm lý, cuộc sống của một người khi phải gắn liền với bệnh K và hơn hết là nghị lực sống kiên cường của họ. Tuyến bài cũng mong muốn tiếp thêm động lực, thắp lên niềm hy vọng cho những độc giả là bệnh nhân hay có người thân đang đối mặt với ung thư.