Tôi cố cựa quậy nhưng tay và chân nặng trịch. Ống catheter chọc vào xương bả vai đau đớn đến tột cùng. Hàng trăm lần, tôi đã cố bật dậy.
Đáp lại ý chí đang vùng dậy mạnh mẽ là cả cơ thể chẳng còn nhựa sống, cứ thế nằm im bất động. Tôi thoáng nghĩ “hay là cắn lưỡi chết cho xong?”.
Tôi là Lương Hà Châu (19 tuổi, ở Hòa Bình), hiện là sinh viên năm nhất, Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Tôi đón tuổi 18 với chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp và u não.
Trận liệt không rõ nguyên nhân
Trong màn đêm tháng 1 tĩnh mịch, tôi thức dậy với bàng quang đang căng cứng. Mắc bệnh đái tháo nhạt nhiều năm, tôi đã quá quen với những lần tiểu đêm như thế.
Nhưng buổi tối hôm đó rất khác. Tôi thử động đậy ngón chân, sau đó là co duỗi cẳng chân, tất cả đều bất thành. Tôi nhập viện ngay trong đêm với đôi chân liệt tạm thời.
Dù đã truyền không ít dung dịch Kali Clorid, thế nhưng, tình hình không cải thiện, tôi với hai chân chẳng thể cử động, giờ đây liệt hẳn tứ chi và cổ.
Không thể ăn bằng đường miệng, tôi được đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm catheter để truyền dinh dưỡng, thuốc vào cơ thể. Những ngày sau đó, sự sống của tôi phụ thuộc vào một chiếc ống chỉ lớn bằng đầu đũa trong lúc chờ bác sĩ tìm ra căn nguyên của cơn liệt.
Tôi vẫn giữ được ý thức, đó là điều may mắn, nhưng cũng là thứ đau đớn nhất. Hàng trăm lần, tôi cố bật dậy nhưng cơ thể cứ thế nằm im bất động. Thấp thoáng trong cơn mê, tôi thấy mẹ cặm cụi lau người cho tôi sau những lần đi vệ sinh không tự chủ. Len lỏi trong từng tế bào thần kinh là dòng suy nghĩ “hay là cắn lưỡi chết cho xong”.
Gần một tuần sau, hai chân có chút cảm giác, tôi xuất viện với hàng chục loại thuốc tẩm bổ đắng nghét. Thứ thuốc khiến cơ thể tôi tích nước, tăng vèo 15 kg. Mặc cảm, tôi giấu bố mẹ âm thầm cắt thuốc.
Một lần nữa, tôi nhập viện với cả tứ chi đều liệt.
Căn bệnh lạ tìm đến tôi khi 18 tuổi tròn
Tôi tiếp tục làm bạn với chiếc giường bệnh nhiều ngày sau đó. Nhưng lại chợt nhận ra điều khác lạ qua những tiếng thở dài của bố mẹ, qua ánh mắt đăm chiêu của bác sĩ mỗi khi thăm khám.
Một buổi chiều khi bố mẹ vắng mặt, tôi lén xem bệnh án để tìm câu trả lời cho mình.
Kết quả chẩn đoán dài với hàng tá loại bệnh mà cả đời tôi chưa từng nghe đến. Tim hẫng đi một nhịp khi thấy bốn chữ “ung thư tuyến giáp”. Sau dấu phẩy lại thêm một căn bệnh khác, chưa từng xuất hiện trong tiềm thức của tôi - U bào Langerhans đa hệ thống Letterer-Siwe.
Tay tôi run run tra tên căn bệnh trên Internet. Bốn chữ “u não ác tính” đập vào mắt khiến tôi chết lặng. Tôi cùng lúc phát hiện bản thân là bệnh nhân ung thư tuyến giáp và u não ở tuổi 18.
Chưa có một giải pháp chính thức cho căn bệnh hiếm gặp này, tôi được điều trị cầm cự bằng phác đồ của bệnh u não do biểu hiện giống nhau.
Ở tuổi 18, tôi cùng lúc đối mặt với hai căn bệnh quái ác. |
Kỳ thi đặc biệt nhất cuộc đời
Qua ô cửa sổ phòng bệnh, tôi nhìn thấy những lớp học sáng đèn, những khuôn mặt ngái ngủ khi bắt đầu tiết học từ sáng sớm, những nụ cười tươi trong chiếc sơ mi trắng, tôi cũng từng trải qua những tháng ngày êm ả như thế.
Khung cảnh trước mắt tựa như một bức tranh, tôi thấy, nhưng chẳng thể chạm. Mớ dây nhợ chằng chịt trên cánh tay níu tôi ở lại phòng bệnh nồng nặc mùi thuốc.
Mỗi khi sức khỏe ổn định hơn, tôi lại vào lớp để rồi gần như bật khóc khi nhận ra bản thân đã tụt lại một đoạn dài so với các bạn.
Tôi đón kỳ thi quan trọng nhất đời mình với những đoạn kiến thức không liền mạch và một vết sẹo ở cổ, dấu tích của ca mổ tuyến giáp. Cách kỳ thi THPT 2023 không lâu, tôi được đẩy vào phòng phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và vét hạch.
Vết mổ bị mưng mủ, bác sĩ quyết định không khâu lại để dễ dàng vệ sinh. Đêm trước ngày thi, các bác sĩ mới hối hả khâu lại vết mổ.
Kỳ thi diễn ra không mấy suôn sẻ. Ngay trong giờ thi, miếng băng gạc che đi vết khâu ở cổ đột nhiên rơi xuống. Tôi một tay cầm bút, tay còn lại cố gắng kéo áo lên cao che chắn để vết thương không bị nhiễm trùng.
Như để bù đắp cho những tháng ngày khó khăn mà tôi đã đi qua, kết quả thi tốt hơn mong đợi. Những con điểm không cao ngút nhưng lại vượt ngoài tưởng tượng của một đứa trẻ đã gắn liền với hóa chất, kim tiêm suốt một quãng dài.
“Mẹ ơi, con hết u rồi!”
Sau kỳ thi, tôi lại trở về với những tháng ngày truyền hóa chất bất tận. Tràn ngập trong khoan mũi, vòm họng chỉ là mùi của hàng trăm loại thuốc. 13 viên Prednisolon đắng nghét mỗi ngày khiến tôi mất luôn cảm giác thèm ăn.
Tôi cất gọn váy, đầm vào tủ, cất luôn cả sự tự tin về hình thể của trước đây. Tôi diện những chiếc áo phông rộng để che đi cả cơ thể đang tích nước, sắp đạt ngưỡng 70 kg.
Có một châm ngôn mà tôi luôn dốc hết lòng tin tưởng, rằng cứ cố gắng sống tốt, mọi điều phước lành sẽ đến với mình. Nó thật sự đã đến, vào một ngày cuối năm oi ả. Sau đợt truyền hóa chất thứ hai, kết quả chụp MRI cho thấy các khối u ở não gần như biến mất.
Tôi ngồi bần thần ở hàng ghế bệnh viện nửa tiếng sau đó, chưa tin vào sự thật. “Mẹ ơi, con hết u rồi”, tôi nói và khóc to trong điện thoại. Đầu dây bên kia, tiếng mẹ cũng nấc nghẹn ngào.
Hai căn bệnh ung thư đã khiến tôi trở thành một Hà Châu rất khác. |
Căn nhà nhỏ lại trở về như trước đây, tôi nhìn thấy bố mẹ nói cười nhiều hơn, thứ mà họ gần như đánh mất suốt một năm nay. Căn bếp lại đỏ lửa để nấu những bữa cơm nóng hổi mỗi sáng chiều.
Cũng như cách tôi đã vượt qua những tháng ngày tăm tối, mong rằng những bệnh nhân đang kiên cường chiến đấu ngoài kia cũng sẽ sớm nhìn thấy cầu vồng.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.