Một dược chất phóng xạ được điều chế tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thông tin trên được ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố, chiều 1/8.
Theo ông Nam, dược chất phóng xạ dùng cho máy chụp PET/CT là loại Fluorine 18 Fluorodeoxyglucose (18F-FDG), các bệnh viện điều trị ung thư ở TP.HCM có sử dụng loại thuốc này như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Theo thông tin được đăng tải tại website của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện có 3 cơ sở được cấp phép sản xuất dược chất phóng xạ, trong đó 2 cơ sở ở Hà Nội và 1 cơ sở ở TP.HCM.
Cơ sở sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG ở TP.HCM là Công ty cổ Phần Y học Rạng Đông, cơ sở này thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Nam cho biết thuốc 18F-FDG có tuổi thọ ngắn (dưới 12 giờ) và thời gian bán hủy ngắn (khoảng 110 phút) nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về TP.HCM để sử dụng là không khả thi. Do đó, các bệnh viện tại TP.HCM chỉ có thể tự sản xuất thuốc, hoặc mua thuốc từ các đơn vị sản xuất hoặc nhượng từ các bệnh viện có khả năng sản xuất trên địa bàn.
Hiện, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được trang bị 2 máy PET/CT, công suất tối đa là 60 ca/ngày. Tuy nhiên, nguồn dược chất phóng xạ được lấy từ Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ cung cấp được 7-9 ca/một ngày, một tuần chỉ có 3 ngày.
Do vậy, tình trạng thiếu dược chất phóng xạ đang diễn ra tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM. Điều này khiến người bệnh phải chờ đợi nhiều ngày để được chụp PET/CT.
"Có nhiều trường hợp người bệnh ở TP.HCM phải đến các địa phương khác để được chụp PET/CT, thậm chí phải ra nước ngoài. Từ đó, làm tăng chi phí điều trị, tốn kém cho người dân", ông Nam nói.
Qua phân tích, Sở Y tế TP.HCM nhận thấy có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Đầu tiên, nguồn cung cấp dược chất phóng xạ cho thành phố là từ Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở này đã lâu năm nên năng suất sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các bệnh viện.
Thứ hai, Sở nhận thấy mặc dù ở thành phố có Trung tâm nghiên cứu công nghệ bức xạ, do một số nguyên nhân khách quan nên trung tâm này chưa thể đi vào hoạt động. Vì vậy, các bệnh viện ở thành phố chưa thể lấy nguồn dược chất phóng xạ từ trung tâm này.
Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị. Cụ thể, trước mắt các bệnh viện vẫn tiếp tục chuyển nhượng dược chất phóng xạ từ Bệnh viện Chợ Rẫy để sử dụng. Song song đó, để giải quyết nhu cầu chẩn đoán bệnh, các bác sĩ điều trị có chỉ định khác để thay thế cho PET/CT như MRI, Scan cắt lớp... giảm nhu cầu dùng PET/CT xuống.
Sở đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa nhà máy của Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông tại TP Thủ Đức vào hoạt động.
Ngoài ra, các bệnh viện của TP.HCM không chỉ tiếp nhận điều trị cho người dân ở địa phương mà còn người dân ở các tỉnh, thành lân cận. Do đó, để cung ứng dược chất phóng xạ lâu dài, thành phố cần có biện pháp căng cơ như trang bị thêm các lò sản xuất dược chất phóng xạ.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển thành phố giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được giao chủ trì xây dựng lò sản xuất nguồn đồng vị phóng xạ dùng trong y tế và dự án đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị proton.
"Qua các giải pháp đồng bộ, ngành y tế thành phố sẽ giải quyết bền vững được tình trạng thiếu dược chất phóng xạ", ông Nam nhấn mạnh.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.