Hà Ân Điền (29 tuổi, TP.HCM)
Nhà văn
Tôi bước vào tháng thứ 5 của thai kỳ khi dịch bệnh tràn qua thành phố. Ban đầu, đôi vợ chồng chúng tôi nghĩ mọi chuyện cũng chỉ như năm trước, chừng một tháng sau mọi thứ sẽ bình thường trở lại. Song, lệnh giãn cách xã hội được ban hành, kéo theo một số ngành nghề buộc ngưng hoạt động. Vợ chồng tôi bắt đầu có những xao động.
Trước sự lây lan nguy hiểm của chủng virus mới, chúng tôi ngồi lại và bàn tính kỹ càng mọi chuyện, quyết tâm bảo vệ trọn vẹn hạnh phúc của gia đình.
Lập kế hoạch chi tiêu
Công việc của vợ chồng tôi đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Những dự trù, sắp xếp cho kỳ sinh nở đầu tiên đều phải tính toán cẩn trọng. Bảo vệ mẹ cũng chính là bảo vệ đứa trẻ trong bụng. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế đến mức tối thiểu việc tiếp xúc bên ngoài để phòng trường hợp nhiễm bệnh. Do đó, chúng tôi chọn mua hàng online hoặc nhờ bạn bè và người thân. Mọi hoạt động giao, nhận hàng đều thực hiện trước cửa nhà. Người giao hàng để đồ phía trước rồi đi. Chồng tôi sẽ xịt khuẩn cẩn thận và mang gói hàng vào nhà.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến vợ chồng tôi phải bàn tính lại kế hoạch chuẩn bị cho ngày sinh con. |
Thời điểm đó, số ca nhiễm vẫn ở mức 3.000-4.000 ca/ngày. Mọi hoạt động cũng bị ảnh hưởng theo dây chuyền và ngày một sâu rộng hơn. Để tránh bị động trong việc mua sắm đồ cho bé, đặc biệt khi kỳ sinh có khả năng rơi vào giai đoạn thành phố vẫn còn phong tỏa, vợ chồng tôi ráo riết đặt tã, khăn, sữa cùng nhiều đồ dùng khác thật sớm.
Bài toán tài chính được chúng tôi bàn tính kỹ lưỡng, từ những việc như dự trù chi phí chênh lệch giữa sinh thường và sinh mổ. Vợ chồng tôi không ngại nói về trường hợp xấu nhất. Số tiền tích góp được trích ra một khoản riêng, không đụng tới để chuẩn bị cho việc sinh con. Phần còn lại được chia nhỏ cho chi phí ăn uống, tiền nhà và dự trù tình huống khẩn cấp.
Chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu dựa trên khoản tiền đang có một cách rõ ràng và tiết kiệm nhất. Vợ chồng tôi thống nhất chỉ tiêu tiền vào những điều chính đáng và cần thiết. Bên cạnh đó, cả hai cũng xác định phương án phòng thân và phòng xa khi phải sống chung với đại dịch. Khoản thu nhập bình quân hàng tháng sẽ được trích ra một phần để mua bảo hiểm cho chồng và con tôi.
Vợ chồng tôi động viên nhau vượt qua đại dịch. |
Sẵn sàng cho cuộc sống mới
Dự báo khả năng phải sống chung với dịch bệnh lâu dài, vợ chồng tôi lo xa hơn bình thường, nghĩ đến cả chuyện định hướng dạy con sau này. Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu tài liệu về cách rèn cho con tính tự lập và tâm lý vững vàng trước nguy biến từ nhỏ.
Chúng ta thường xem nhẹ việc tập cho trẻ lối sống mạnh mẽ, thích nghi và tự lập vì thương con, chiều con từ bé. Thế nhưng, điều vợ chồng tôi quan tâm hơn cả là số lượng trẻ mồ côi tăng từng ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Chẳng ai biết trước ngày mai thế nào. Chúng ta có bao nhiêu thời gian để sống cạnh bên và bảo bọc con cái? Vì vậy, bên cạnh khoản tiền mua bảo hiểm đã chuẩn bị, vợ chồng tôi quyết định sẽ dạy con kỹ năng mềm để sinh tồn giữa thời dịch càng sớm càng tốt. Đây cũng là cách để con có sự phòng bị vững chãi.
Đối mặt dịch bệnh cũng giúp tôi suy nghĩ nhiều hơn về hai tiếng "gia đình". Những ngày quẩn quanh với 4 bức tường giúp chúng tôi học cách điềm tĩnh trước mọi nguy biến. Vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng đi qua cơn dịch bằng tâm thế cẩn trọng và an tĩnh nhất. Không xao động trước thông tin trái chiều, không phụ thuộc niềm vui bên ngoài, chúng tôi chọn lọc những điều tích cực và chia sẻ cho nhau.
Vợ chồng tôi nói về đứa trẻ chuẩn bị ra đời và sự ấm áp của tình cảm gia đình. Chúng tôi dành thời gian thủ thỉ bên nhau những điều sẽ làm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Hai người đều tập nói chuyện với con hàng đêm. Đôi khi chỉ là những điều vu vơ, nhưng ai cũng hạnh phúc vì tin đứa trẻ sẽ thấu cảm tình yêu từ cha mẹ.
Sự chuẩn bị kỹ càng giúp chúng tôi không bỡ ngỡ trong lần đầu làm cha mẹ. |
4 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi sinh con trong những ngày đầu TP.HCM dỡ phong tỏa. Ngày bồng con về nhà, chồng tôi tập tắm cho bé qua video hướng dẫn của bác sĩ. Cuộc sống mới bắt đầu khi mái nhà vang tiếng khóc cười của con trẻ. Dù lần đầu làm cha mẹ, chúng tôi không cảm thấy xa lạ, bởi khoảng thời gian giãn cách đã giúp vợ chồng chuẩn bị kỹ càng và thực hành một cách kiên tâm, bền trí nhất.
Sau cùng, bình yên trong nguy biến là cách chúng ta tận dụng cái "khó" để "ló" điều hay, tiếp tục vững tâm tiến về phía trước.
Được thực hiện bởi Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam), chuỗi nội dung "Tiến về phía trước" là những câu chuyện có thật đầy cảm hứng về cách vượt qua giới hạn bản thân và nghịch cảnh của nhiều người ở độ tuổi khác nhau trên khắp cả nước. Chuỗi nội dung hứa hẹn tiếp thêm năng lượng tươi mới để độc giả có thêm động lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và tiến bước vững chắc về phía trước, cho một tương lai tươi sáng hơn.