Từ trên đỉnh núi cao, tôi cảm giác như chỉ cần vươn tay là chạm đến hàng vạn tinh tú trên bầu trời. |
Sau lần tình cờ nhìn thấy video timelapse ghi lại cảnh bầu trời đêm của một nhiếp ảnh gia người Trung Quốc vào năm 2022, niềm đam mê dành cho nhiếp ảnh thiên văn của tôi được khơi dậy.
Dành càng nhiều thời gian tìm hiểu về bộ môn này tôi càng thêm hứng thú và bắt đầu thực hiện nhiều chuyến du lịch khắp nơi để "săn" ảnh dải Ngân hà (Milky Way) cùng những tinh vân phát sáng giữa đêm đen tĩnh mịch.
Tôi là Trần Hải Huy Trường, một kỹ sư công nghệ thông tin đam mê xê dịch và chụp ảnh thiên văn hiện sống và làm việc tại TP.HCM.
Vào đầu tháng 9 vừa qua, tôi có cơ hội thực hiện chuyến trekking Tà Chì Nhù (Yên Bái), ngắm dải Ngân Hà huyền ảo trước khi cơn bão Yagi lịch sử đổ bộ vào Việt Nam.
Một mình một núi trong 2 ngày 2 đêm
Vốn sinh sống tại TP.HCM - nơi tình trạng ô nhiễm ánh sáng khá nặng, vì vậy việc nhìn ngắm trời đêm, chụp những bức ảnh thiên thể rất khó vì chúng vốn phát ra nguồn sáng rất yếu và bị lấn át bởi ánh sáng đô thị.
Để chiêm ngưỡng dải Ngân Hà, tôi thường tìm đến những nơi có bầu trời thật tối, thường là những ngọn núi hoang vu hoặc khu vực xa dân cư. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy tối thực hiện những chuyến leo núi, trekking để săn ảnh.
Nhiếp ảnh thiên văn là động lực thúc đẩy tôi thực hiện những những trekking đến các ngọn núi cao và khu vực xa xôi hẻo lánh - nơi ít bị ô nhiễm ánh sáng. |
Dành trọn một tháng nằm vùng ở khu vực Tây Bắc, tôi dự định leo một vài ngọn núi như Ky Quan San (Lào Cai), Lùng Cúng (Yên Bái) nơi sở hữu nhiều cảnh đẹp và có địa lý khá phù hợp cho việc săn ảnh thiên văn.
Trong đó, Tà Chì Nhù - "nóc nhà" Yên Bái là điểm đến đầu tiên vì ngọn núi sở hữu view toàn cảnh 360 độ cùng với những thảm hoa chi pâu tím bắt đầu khoe sắc tuyệt đẹp. Vào thời điểm đó, thời tiết nơi đây khá tốt tạo nên điều kiện lý tưởng cho chuyến leo núi, săn ảnh.
Mang trên lưng chiếc balo đựng 2 máy ảnh, 4 ống kính, 2 chân máy cùng nhiều phụ kiện như star trackers, ballheads, đèn flash,... tôi bắt đầu khám phá Tà Chì Nhù. Để đảm bảo an toàn, tôi thuê porter bản địa dẫn lên núi và quay trở lại đón theo lịch hẹn, còn lại toàn bộ thời gian tôi sẽ tự khám phá.
Với tổng khối lượng khoảng 15 kg, chiếc balo khiến tôi gặp không ít khó khăn trong hành trình trekking 10 km từ bản Nậm Nghiệp (Sơn La) lên lán gần đỉnh núi. Những đoạn lên dốc, cứ đi khoảng 100-200 mét tôi phải dừng lại để nghỉ mệt, vì vậy tôi mất khoảng 7,5 giờ đồng hồ mới lên đến nơi. Đường đi tuy vất vả, bù lại cảnh núi non trùng điệp rất đẹp và nên thơ.
Đêm xuống, khi vạn vật chìm vào bóng đêm tĩnh mịch cũng là lúc hàng vạn tinh tú trên trời bắt đầu lấp lánh. Nơi đây ít bị ô nhiễm ánh sáng, vì vậy tôi có thể ngắm rõ dải Ngân hà tuyệt đẹp bằng mắt thường.
Cảnh quan Tà Chì Nhù đẹp siêu thực ở mọi khoảnh khắc từ đêm muộn đến khi bình minh lên. |
Đứng trên đỉnh núi cao gần 3.000 mét cho tôi cảm giác chỉ cần với tay ra là có thể chạm vào dải Ngân hà cách xa hàng chục nghìn năm ánh sáng. Đó quả là một trải nghiệm khiến tôi đặc biệt ấn tượng.
Tháng 9 là thời điểm Tà Chì Nhù khoác lên mình lớp áo màu tím đầy thơ mộng của loài hoa chi pâu. Loài hoa tím dại mọc dày phủ kín những triền đồi, bên trên là dải Ngân hà huyền bí treo lơ lửng khiến tôi thấy mình thật nhỏ bé giữa vũ trụ bao la.
Hai ngày trên núi trời đều mưa rất lớn, may mắn thay vào ban đêm trời không mưa. Tuy nhiên lượng mây tầng cao tại đây vẫn khá nhiều so với dự báo khiến tôi có chút hụt hẫng. Dù vậy tôi vẫn hài lòng với những bức ảnh chụp được.
Hành trình theo đuổi tuyệt tác
Du lịch săn ảnh thiên văn khác với du lịch trải nghiệm thông thường ở chỗ tối đến tôi thường thức khuya chụp ảnh, thậm chí không ngủ, việc này làm tôi khá mệt. Có những thời điểm mây xuất hiện mù mịt ở từ nhiều hướng khiến tôi không thể thực hiện một số shot ảnh đã được lên kế hoạch.
Để săn ảnh, 18h chiều tôi lại vác thiết bị vượt quãng đường dài 2,5 km từ lán lên đỉnh núi, đến khoảng 6h sáng khi mặt trời mọc lại ôm máy về lán nghỉ ngơi. Với mục đích là chụp hình thiên văn là chính nên ban ngày tôi ít khi lấy máy ra chụp dù xung quanh nhìn đâu cũng thấy cảnh đẹp.
Hai ngày một mình trên núi mang đến cho tôi cảm giác thích thú khi có thể hòa mình với thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Tuy nhiên đôi lúc tôi cũng thấy khá buồn vì không có ai cùng chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời này.
Khi lên núi, anh porter có mang theo ít thức ăn như mì tôm, xúc xích để tôi ăn khi đói. Theo kế hoạch thì buổi tối sẽ có chủ lán lên, mang thêm thức ăn và nấu ăn cho tôi. Tuy nhiên, 2 ngày đó chủ lán bận việc không lên và tôi đã phải ăn mì gói, 4 củ su su, một đống xúc xích và một nải chuối. Đó cũng là lý do khiến tôi xuống núi sớm hơn một ngày so với kế hoạch vì hết thức ăn.
Một mình trong căn lán rộng thênh thang trên núi cũng là trải nghiệm khó quên của tôi trong chuyến hành trình này. |
Để săn ảnh Milky Way phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi lựa chọn một điểm đến, tôi luôn ưu tiên yếu tố thời tiết vì nếu địa điểm đẹp như tiên cảnh, ít bị ô nhiễm ánh sáng nhưng trời đầy mây thì cũng không có ý nghĩa gì.
Bên cạnh đó, để chụp ánh sáng phát ra từ những tinh vân, chiếc máy ảnh của tôi đã được loại bỏ bộ lọc hồng ngoại để máy có thể xử lý màu sắc từ các tinh vân phát xạ trên bầu trời một cách tốt hơn.
Có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại hỗ trợ việc chụp ảnh thiên văn dễ dàng hơn. Trong đó, tôi dùng Photopills, SkySafari, Stellarium, Light Pollution Map, Planit, đó là những ứng dụng về thiên văn, giúp lên kế hoạch cho bức ảnh. Những ứng dụng khác quan trọng không kém giúp dự báo thời tiết như Clear Outside, Weather, Weather XL, Windy, Nautide, Clime,...
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.