Tôi có gần 10 năm làm chiến lược nhân sự kiêm tuyển dụng trực tiếp, từ vị trí lao động phổ thông đến vị trí điều hành cao cấp. Bằng ấy thời gian, tôi phỏng vấn biết bao nhiêu người, không thể tính được. Các kiểu nhân sự tôi đều đã gặp.
Những vị trí lao động phổ thông (bảo vệ, tạp vụ) thì không, nhưng với các vị trí tốt nghiệp cao đẳng trở lên, trong buổi phỏng vấn, tôi thường hỏi một câu: "Mơ ước của em là gì?" hoặc "Khi còn đi học, em có mơ ước sau này mình trở thành ai và làm nghề gì?" hoặc vài câu hỏi với nội dung đại loại thế.
Vì sao? Vì tôi đánh giá rất cao những người có mơ ước (dù mơ ước đó viển vông, điên rồ). Có nhiều vị trí tuyển dụng, khi đăng báo, tôi còn yêu cầu ghi rõ trong tiêu chí cần có: "Là người có hoài bão".
Đây là quan điểm cá nhân và văn hoá của doanh nghiệp. Ở một số vị trí, chúng tôi cần những người trẻ có khát vọng và hoài bão.
"Tôi mong các ứng viên là người có hoài bão". Ảnh minh họa. |
Câu hỏi "Em (từng) ước mơ gì?" góp phần giúp tôi tìm được người phù hợp cho hầu hết mọi vị trí. Bởi tôi sẽ chọn người "mơ thành doanh nhân X" vào vị trí kinh doanh và không bao giờ chọn người "ước mơ trở thành nhà ngoại giao" cho vị trí thủ kho. Nhưng bằng cách nào để ứng viên nói thật về ước mơ của mình, đó là kỹ năng và trực cảm từ người phỏng vấn .
Có nhiều ứng viên "chảnh" khi đi xin việc không? Đầu tiên, tôi không bao giờ gọi ứng viên là "người đi xin việc". Không có xin hay cho ở đây. Doanh nghiệp cần người, ứng viên cần việc, thông qua kỳ tuyển dụng, nếu đôi bên thấy nhu cầu phù hợp nhau thì sẽ ký hợp đồng.
Ứng viên không đến xin gì ở doanh nghiệp chúng tôi. Họ mang đến cho chúng tôi những lựa chọn và cơ hội có được nhân sự giỏi ngay lúc đó, hoặc trong tương lai.
Vì bình đẳng như vậy nên khi gặp phải ứng viên chảnh, tôi thấy đó là việc bình thường. Trong kinh nghiệm của tôi, những ứng viên chảnh thường là các bạn vừa mới tốt nghiệp ở trường danh giá.
Với nhu cầu của doanh nghiệp chúng tôi, những ứng viên chảnh thường là các bạn vừa tốt nghiệp loại khá - giỏi ĐH Dược, ĐH Ngoại thương.
Tôi nghĩ đó là bình thường, họ có quyền, vì họ giỏi mới thi đỗ vào trường đó. Trong trường, họ được dạy về những điều vĩ mô, với ví dụ to tát. Họ nghĩ mọi chuyện ở đời cũng dễ như khi học.
Nếu vậy, cũng đừng nên trách họ, ai cũng có tuổi trẻ, ai cũng có thể ảo tưởng khi trẻ. Sau một năm thôi, nếu bạn gặp lại những người đó, ở một kỳ tuyển dụng khác, bạn sẽ thấy họ thay đổi rất nhiều.
Vì muốn thành công, chỉ số IQ cao chưa đủ, cần phải có EQ cao nữa (các nhà khoa học bảo thế) và vì cuộc đời, công việc đã dạy họ, thậm chí tát cho họ để họ bừng tỉnh.
Tôi từng phỏng vấn các dược sĩ đại học tới 3 lần cho cùng một vị trí ở 3 thời điểm khác nhau nên tôi hiểu như vậy.
Tôi đánh giá cao những bạn có khả năng phỏng vấn lại nhà tuyển dụng. Khi các bạn tìm hiểu thêm về công ty, chế độ đãi ngộ.
Tại sao tôi dùng chữ "có khả năng"? Bởi qua cách ứng viên phỏng vấn lại, tôi sẽ thêm một lần được đánh giá lại họ. Những người chỉ làm theo "bí quyết đi xin việc" sẽ lộ ngay khi họ đặt câu hỏi. Tư duy người hỏi sẽ bộc lộ rõ khi họ quyết định hỏi gì và hỏi như thế nào?
Việc này tôi không cho là đòi hỏi. Mà theo tôi, đó là sự tìm hiểu để dẫn đến đàm phán, thoả thuận lao động. Đó là quyền chính đáng của ứng viên, cũng như của doanh nghiệp. Nếu nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp có điểm chung thì mới có sự hợp tác cùng phát triển, đương nhiên.
Tôi kể hai câu chuyện:
Chuyện thứ nhất: Tôi tuyển thư ký, vòng phỏng vấn cuối cùng còn 3 bạn. Dựa trên kết quả các vòng trước và nội dung phỏng vấn, tôi nghĩ tôi đã chọn được một trong 3 bạn ấy.
Nhưng, chính bạn tôi định chọn, khi kết thúc buổi phỏng vấn, bạn ý bắt tay tôi và bảo: "Em nghĩ em sẽ không được tuyển. Nhưng em rất vui vì vào được đến vòng này. Dù sao em cũng cảm ơn chị. Khi nào chị có nhu cầu về xe ôtô, em hy vong chị sẽ liên lạc với em" (khi đến phỏng vấn, bạn ấy đang là nhân viên sale của một hãng xe hơi).
Tôi lúc ấy cố gắng nhịn cười và hỏi: "Sao em nghĩ mình không được tuyển?" Bạn ấy nói: "Em cảm giác vậy, vì danh sách có 3 người, em ở giữa, thường người ta sẽ chọn đầu hoặc cuối. Hơn nữa em đi phỏng vấn mà gặp sếp nữ là trượt".
Không ai nghĩ tôi tuyển bạn ấy, vì bạn ấy nhìn bình thường, nói rất nhiều, hay cãi, đến mức sau này khi làm việc cùng nhau, tôi từng hỏi: "Này em, em có cái lò xo ở cổ à?", bởi có nhiều lúc tôi chưa nói xong bạn ấy đã cãi xong.
Nhưng tôi vẫn chọn bạn này. Vì bạn ấy phù hợp với vị trí tôi cần và bạn ấy làm tôi yên tâm mỗi khi giao việc. Quan trọng nhất là bạn ấy thông minh, có trách nhiệm với công việc. Giờ không làm việc cùng nhau, nhưng chúng tôi vẫn là bạn, bạn thân.
Chuyện thứ hai: Tôi tuyển trưởng phòng nhân sự phía Nam, ứng viên phù hợp nhất cho vị trí ấy tôi chỉ phỏng vấn trong 15 phút và bạn ý phỏng vấn tôi trong 40 phút (mà theo cách nhìn thiếu thiện cảm thì là bạn ấy đòi hỏi chế độ đấy).
Những yêu cầu của bạn ấy về lương vượt qua khung cho phép của vị trí tuyển dụng tại công ty. Tôi không thể trả lời ngay, tôi chỉ nói: "Công ty sẽ suy nghĩ và liên lạc lại".
Tôi đã phải đề xuất và tranh luận với ông tổng giám đốc để tuyển dụng bạn này. Kết quả, tôi thấy lựa chọn này là hoàn toàn xứng đáng. Bạn ấy làm tốt hơn những gì công ty mong đợi. Tôi thấy mình may mắn khi có một cộng sự như vậy. Giờ mỗi người một phương, nhưng tôi vẫn muốn làm việc cùng bạn ấy nếu có cơ hội.
Người ta trẻ, người ta có quyền. Ước mơ hay ảo tưởng là do cách đánh giá của mỗi người. Với tôi, tôi thích những người có ước mơ, điên rồ cũng được, nhưng phải có ước mơ và khát vọng. Rồi thời gian sẽ trả lời.