“Cờ bạc là bác thằng bần”, từ xa xưa, cha ông đã ý thức rất rõ những hậu quả do cờ bạc mang lại. Các triều đại phong kiến như nhà Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều ban hành những luật lệ nghiêm cấm và xử lý nặng những "con bạc".
Các tội về đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chứa chấp, bảo kê cho người đánh bạc tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau: Nhẹ thì bị phạt tiền, bắt đi lao dịch, nặng hơn có thể bị chặt ngón tay, phạt đánh gậy đến chết.
Đánh chết bằng gậy
Theo những tư liệu lịch sử còn sót lại, nhà Trần chính là triều đại phong kiến đầu tiên của nước ta ban hành các điều luật để ngăn chặn đánh bạc. Hình phạt phổ biến thời Trần là đánh bằng gậy, kẻ đánh bạc có thể bị đánh đến chết.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép năm 1296, dưới thời vua Trần Anh Tông, viên quan của triều đình tên Nguyễn Hưng đã bị vua ra lệnh phạt đánh gậy đến chết.
Luật pháp thời phong kiến nghiêm trị tội đánh bạc. Ảnh: Lịch sử Pháp luật Việt Nam. |
Dưới thời Hậu Lê, ngay sau khi đánh thắng quân Minh, lên ngôi hoàng đế, năm 1429, vua Lê Thái Tổ đã ra chỉ dụ: "Kẻ nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ chặt một phân ngón tay".
Ngay khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông nhận thấy cờ bạc là tệ nạn cần phải được xóa bỏ. Bấy giờ, quan lại tham nhũng, đục khoét của nhân dân, trong nước nảy sinh nhiều tệ nạn như cờ bạc, đàng điếm.
Để ổn định xã hội, triều đình đã cho xây dựng và ban hành luật Hồng Đức. Theo đó, tội đánh bạc sẽ bị đánh 70 gậy, phạt ba quan tiền. Những người có công tố cáo sẽ được triều đình ban thưởng. Quan lại đánh bạc bị hạ cấp bậc, người đứng đầu và những kẻ tái phạm bị tăng tội. Tiền đánh bạc thu được bị sung công.
Chính nhờ những quy định cụ thể, nghiêm khắc, nạn cờ bạc được xóa bỏ, tình hình xã hội đi vào ổn định. Vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một đất nước hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Kế tục sự nghiệp của những vị vua đi trước, nhiều vua Lê sau này như Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông cũng ban hành những quy định để nghiêm trị những kẻ đánh bạc.
Quan lại bị xử tội chết vì đánh bạc
Sau khi lên ngôi (năm 1802), vua Gia Long ban chỉ dụ xử phạt kẻ đánh bạc và ban thưởng cho người tố cáo. Theo đó, tội đánh bạc bị xử phạt nặng, tiền dùng để đánh bạc bị sung công quỹ. Người có công tố cáo được ban thưởng.
Theo Luật Gia Long, "nếu người trong bọn cùng đánh bạc mà cáo giác ra cũng được thưởng như thế. Kẻ can phạm đều xử tội mỗi người bị đánh 100 roi, đưa ra làm phu phục dịch 3 năm… Người mở nhà chứa bạc, tuy không dự vào hạng người đánh bạc, cũng xử cùng một tội như người đánh bạc. Chỗ nhà đánh bạc ấy cũng sung vào Nhà nước".
Trường hợp dung túng, bao che nếu có người tố giác thì hương trưởng bị xử đánh 50 roi, bị bắt làm phu phục dịch 6 tháng, lại phải nộp 50 quan tiền để thưởng cho người cáo giác.
Dưới thời Minh Mạng, triều định có rất nhiều luật lệ trừng phạt nặng những kẻ phạm tội trên mọi lĩnh vực, trong đó có tội đánh bạc. Năm 1828, đích thân vua Minh Mạng xử án can phạm Đỗ Bá Thố - người giữ chức quan nhỏ trong quân đội - xem thường lệ cấm đánh bạc của vua.
Khi sự việc bị phát giác, Đỗ Bá Thố bị quan trên cách chức, phạt trượng nhưng vua Minh Mạng cho như thế chưa đáng tội và phê chuẩn hình phạt nặng hơn: "Vậy tên Đỗ Bá Thố chuẩn cho đem đóng gông bêu ở ngoài cửa trại lính ấy 2 tháng, hết hạn xử phạt 100 trượng đem thi hành ngay, rồi giao về làm binh ở đội ấy".
Không chỉ phạt nặng Đỗ Bá Thố, vua Minh Mạng cũng ra lệnh xử tội cả cấp trên của Bá Thố vì quản quân không nghiêm: "Viên chánh, phó quản cơ ở cơ ấy không biết xem xét cáo giác ra, chuẩn choét rõ chức danh mỗi viên đều xử phạt lương 6 tháng để răn. Lại chuẩn cho Bộ Hình đem chỉ dụ này sao ra nhiều bản cấp cho các vệ, cơ ở các thành hạt đem treo ở trại lính để được biết và lo răn sửa. Nếu kẻ nào còn dám theo lối làm bậy như trước, một khi bị phát giác ra, tất phải trừng trị nghiêm ngặt không tha".
Giống như cha mình, sau khi lên ngôi, vua Thiệu Trị cũng có những biện pháp xử lý rất nghiêm tội đánh bạc và những kẻ cho mở sòng bạc. Năm 1842, vua ra lệnh phạt nặng và xử “giảo giam hậu” - giam chờ ngày thắt cổ - đối với viên quan Phạm Công Đạt vì tội tổ chức đánh bạc trong quân đội.
Ngay cả giai đoạn cuối của triều Nguyễn, khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình chỉ còn bù nhìn, các vua Nguyễn cuối cùng như Khải Định, Bảo Đại vẫn ra những chỉ dụ nghiêm cấm tội đánh bạc trong nước.