Tôi quay trở lại Mông Cổ lần 2 vì muốn được ngắm nhìn hồ Khuvsgul đóng băng hoàn toàn. |
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi đón năm mới ở Mông Cổ. Trước đó, vào tháng 10/2023, tôi đã đến cao nguyên này một lần. Thế vậy chỉ sau vài tháng, tôi quyết định quay lại vì muốn tận mắt chứng kiến hồ Khuvsgul đóng băng hoàn toàn. Đặt chân trên mặt hồ cổ đại hơn 2 triệu năm tuổi là một trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ trong đời.
Tôi là Trần Giang Lê Vũ, 45 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Tôi có niềm đam mê với du lịch, từng đi đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Không tắm trong 3 ngày và lần đầu điều khiển cả đàn chó
Hành trình khám phá Mông Cổ vừa qua của tôi kéo dài 11 ngày, chưa kể thời gian bay đến và đi. Trước chuyến đi, tôi đã dành nhiều thời gian để sắm áo quần, găng tay, giày đi tuyết… để giữ ấm cơ thể ở điều kiện thời tiết -35 độ C.
Vào mùa đông, đa số sông suối ao hồ đóng băng dẫn đến tình trạng thiếu nước. Vì vậy, điều khó khăn nhất đối với tất cả du khách đó là không được tắm trong khoảng 3-4 ngày. Đồng thời, việc sử dụng nước để vệ sinh cũng rất hạn chế.
Tôi phải thường xuyên sử dụng khăn ướt vệ sinh cơ thể, lau mặt, lau tay. Bù lại, sau quãng thời gian "ở dơ", cảm giác ngâm mình một ngày trong nước suối khoáng nóng thực sự sảng khoái.
Do đa số sông suối ao hồ ở Mông Cổ đóng băng vào mùa đông, tôi phải "nhịn" tắm trong 3-4 ngày. |
Điều ấn tượng nhất với tôi là sông "thần tiên" Jargalant. Ở cái lạnh -35 độ C, từng chiếc lá, cành cây đều đóng băng, nhưng dòng sông này vẫn hiền hòa chảy xuyên qua rừng thông tuyết phủ trắng xóa. Dạo bước men theo con sông, ngắm nhìn hơi nước bốc lên do ánh nắng xuyên qua, tôi như bước vào thế giới thần tiên, nửa thực nửa mơ.
Tại công viên quốc gia Terelj National Park, tôi lần đầu được điều khiển xe kéo chó trên tuyết, rất hạnh phúc, phấn khích.
10 chú chó husky chạy theo bản năng quanh hồ băng với tốc độ 20-30 km/h. Ban đầu, tôi chưa hiểu đàn chó nên bị ngã lăn quay. Việc khó nhất là phải điều khiển xe ở phía sau sao cho vững, uyển chuyển. Khi đàn chó chạy quá nhanh, cần linh hoạt đạp thắng, hoặc tới chỗ ôm cua, cần giữ thăng bằng và nghiêng người về phía đối lập.
Du lịch cùng người lạ
Chuyến đi lần này cũng là lần đầu tiên tôi đi du lịch chung với những người hoàn toàn xa lạ. Chúng tôi chỉ kết nối qua mạng xã hội, cả đoàn gồm 7 người chưa từng gặp nhau cho tới khi cùng lên máy bay tại Bangkok (Thái Lan) để bay đến Ulaanbaatar (Mông Cổ).
Trước đó, tôi đến Mông Cổ một mình. Lần này, có thêm 6 bạn đi cùng nên tôi vui hơn rất nhiều. Rất may mắn, chúng tôi đồng điệu tâm hồn, cùng đam mê du lịch, khám phá những vùng đất lạ. Vì vậy, suốt hành trình, cả đoàn không bao giờ ngớt tiếng cười.
Tôi điều khiển xe kéo chó và leo núi băng tại Mông Cổ. |
Khi ngủ trong lều tròn truyền thống của người Mông Cổ (ger), lều cần được đốt củi sưởi ấm suốt đêm. Nếu không canh giữ, để lửa tắt sẽ rất lạnh. Chính vì vậy, chúng tôi phải thay phiên nhau thức dậy, bỏ củi vào lò sưởi để giữ ấm cho nhau suốt đêm.
Một lều ngủ 3-4 người, nên cứ một tiếng có một người thức dậy để thêm củi. Tôi thường thức khuya, nên chọn khung giờ 0-1h sáng. Người bạn cùng lều dễ ngủ nên đi ngủ sớm, 2-3h sáng dậy thay phiên.
Lần đầu đón Tết ở Mông Cổ
Chúng tôi đi vào dịp Tết Nguyên đán nên mỗi người đem theo một ít món ăn ngày Tết. Có bạn đem theo cành mai, đào để tối giao thừa đón Tết cùng nhau. Các bạn nữ thì mặc áo dài.
Chúng tôi cũng tặng người dân Mông Cổ những món ăn Tết cổ truyền Việt Nam như bánh tét, mứt dừa, mứt gừng… Cả đoàn ngồi quây quần cùng người dân xứ lạ như được giao thoa hai miền văn hoá.
Chủ nhà Mông Cổ (đứng thứ 3 từ trái qua) nhiệt tình mời chúng tôi ở lại dùng bữa đón Tết. |
Người Mông Cổ rất hiếu khách, sống chan hòa. Họ trồng trọt, canh tác, chăn nuôi thuận theo tự nhiên. Họ ăn khoai tây nhà trồng, ăn thịt đàn gia súc mình chăn nuôi, uống sữa bò, sữa dê tự vắt lấy. Cuộc sống bình dị nhưng hạnh phúc.
Hôm đó là mùng 1 Tết Nguyên đán, cả thị trấn duy nhất một siêu thị mở cửa. Bạn gái bán siêu thị sau khi biết chúng tôi từ Việt Nam đã nhiệt tình mời vào nhà chơi và ăn Tết cùng gia đình. Bên cạnh các loại bánh truyền thống, trên bàn ăn là một tảng thịt lớn để thiết đãi du khách.
Tôi thưởng thức món bánh truyền thống Mông Cổ và được tặng chai thuốc hít bằng bạc. |
Để tỏ lòng hiếu khách của gia chủ, họ đưa cho chúng tôi mỗi người một chai đựng thuốc thơm bằng bạc để hít. Chai hít là một trong những phụ kiện chính của đàn ông, tượng trưng cho cách cư xử cao quý của người Mông Cổ xưa. Người Mông Cổ có truyền thống lâu đời là đổi chai thuốc hít để chào nhau.
Những người Mông Cổ hiện đại ở thành thị đã ngừng sử dụng chai thuốc hít trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng vào đêm giao thừa, ngày Tết, họ vẫn lấy một chai thuốc hít, hít rồi đổi cho nhau. Điều này thể hiện sự tôn trọng, nồng nhiệt chào đón.
Sau hành trình này, cả đoàn từ 7 người xa lạ trở nên thân thiết hơn, cùng nhau lên kế hoạch khám phá chung những nơi khác. Hiện tại, chúng tôi dự tính đi leo núi ở Nepal trong thời gian sắp tới.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.