"Vùng đất thuần khiết cuối cùng"
Vi vu khắp bốn phương dành cho những ai nhiều năng lượng, đam mê xê dịch và thử thách bản thân như tôi. Bước ra khỏi ranh giới về công việc, đi đến những vùng đất xa lạ, gặp gỡ những con người mới, trải nghiệm mới luôn là điều thôi thúc tôi mỗi ngày. Tôi là Nguyễn Xuân Nghĩa (27 tuổi, sống và làm việc tại TP.HCM) - một cá nhân tự do làm trong lĩnh vực marketing. Công việc này đôi khi khá căng thẳng nhưng bù lại tôi không bị gò bó quá nhiều về thời gian. Hành trình đến Trung Quốc của tôi bắt đầu vào ngày 24/4 - 10/5 (16 ngày). Lịch trình xuyên suốt qua một số địa danh nổi tiếng ở Trung Quốc gồm Tây An - Đại Lý - Lệ Giang - Shangrila - Đạo Thành, Á Đinh - Thành Đô. Trong đó, khu bảo tồn thiên nhiên Á Đinh (huyện Đạo Thành, tỉnh Tứ Xuyên) là điểm đến sở hữu cảnh đẹp thuần khiết và đẹp nhất tôi từng có cơ hội đặt chân đến. Khu vực có 3 ngọn núi bao quanh đại diện cho các vị bồ tát trong Phật giáo Tây Tạng. Đến đây, du khách có thể chọn trekking đi qua một số điểm đến nổi tiếng như hồ Ngũ Sắc, hồ Sữa... Tôi đã thử sức qua ngọn núi tuyết Yangcaoshan ở vùng Đông Bắc, Trung Quốc. Nhưng với độ cao 4.700 m, Á Đinh khó hơn nhiều, đường leo đến đỉnh núi rất xa và nhiều dốc cao. Không quá sức với tôi, nhưng việc vận động mạnh trong thời gian dài cộng với oxi rất loãng khiến cho tôi cảm thấy khá mệt và có triệu chứng say độ cao nhẹ.
Gò đá Mani đặc trưng
Văn hoá và tôn giáo luôn là những điều thu hút sự quan tâm lớn đối với tôi, đặc biệt là văn hoá Phật giáo Mật Tông của người Tây Tạng. Sự huyền bí này gắn liền với hình ảnh các ngọn núi tuyết kỳ vĩ. Hơn 7 tiếng chinh phục cung dài Á Đinh với tôi rất xứng đáng. Tôi luôn nhớ như in hình ảnh ngày hôm đó. Tôi là một trong những người đầu tiên trong đoàn leo đến hồ Sữa. Dưới trời tuyết rơi dày, tôi nhìn thấy hình ảnh một nhà sư Tây Tạng đang ngồi bên hồ nước tĩnh lặng, bên cạnh là gò đá Mani (những viên sỏi, đá chồng lên nhau). Khung cảnh ấy thật sự rất đẹp! Đối với người Tạng, những viên sỏi, đá không phải là những thứ vô tri, vô giác mà chúng được xem là những vật có sự sống và linh khí. Họ tin rằng các gò đá Mani chính là phương tiện để kết nối tâm thức con người với trời đất và thần linh. Chính vì vậy người Tạng thường tạo ra các gò đá Mani để bày tỏ lòng thành tín hoặc để cầu nguyện. Với trải nghiệm của một du khách nước ngoài khi đặt chân đến vùng đất linh thiêng này, tôi rất trân trọng những giá trị truyền thống của người dân nơi đây. Việc tôi xếp chồng các viên đá và cúi đầu lạy là thể hiện sự biết ơn đối với những điều tuyệt vời mà tôi được trải nghiệm tại vùng đất Á Đinh.
Nhập mô tả cho ản |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.