Trước nội dung clip dùng búp bê "xin vía học giỏi" gây xôn xao dư luận của Thơ Nguyễn, tôi đồng cảm với những suy nghĩ lo sợ của cộng đồng và nhiều phụ huynh.
Clip "xin vía học giỏi" của Thơ Nguyễn khiến nhiều phụ huynh lo lắng. |
Khi "người bạn ảo" không phải hình mẫu tốt
Với trẻ trong độ tuổi tiểu học, các em vẫn có tư duy trực quan sinh động, thấy gì dễ tin cái đó. Các bé sẽ cho rằng điều đó là đúng đắn và được chấp nhận.
Ở tuổi này, các em bắt đầu có khả năng liên kết giữa nguyên nhân và kết quả nhưng không thể tư duy theo kiểu ẩn dụ hoặc phải chú ý chi tiết để suy luận được.
Vì vậy, xã hội từng có những tai nạn, trò nghịch dại của trẻ như nuốt dao lam sau khi xem màn trình diễn ảo thuật hay đòi mua áo siêu nhân rồi nhảy từ trên lầu xuống đất vì tin rằng mình có thể bay được như trong phim.
Độ tuổi này, các em cũng hình thành nhận thức hình ảnh bản thân. Trong điều kiện không có nhiều sự tương tác chất lượng với phụ huynh, các em thường có những "người bạn ảo” trên mạng, đồng nhất như người thân của mình.
Và như vậy, họ nói, hành xử, làm gì, các em cũng tin, cho là hay ho và làm theo. Thậm chí, các em còn chống lại cả chỉ dẫn của bố mẹ. Điều này cũng tương tự việc con chúng ta đôi khi không chịu làm theo cách bố mẹ hướng dẫn chỉ vì “cô con ở trường bảo khác” hoặc “con thích làm theo cô”, “con thích ăn theo cô”, đòi bố mẹ mua thứ này, vật khác vì “các cô trên YouTube làm như thế”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu những “người bạn ảo” không phải hình mẫu tốt? Mục tiêu họ xây dựng các nội dung không phải giáo dục con trẻ mà chỉ có nhiều lượt view? Điều gì sẽ xảy ra nếu những "người bạn ảo" mà con tin, bắt chước kia toàn tuyên truyền những giá trị xấu, những kiến thức phản khoa học, mê tín?
Tác giả sau đó giải thích clip có tính ẩn ý và đã có clip ngay sau đó để nói rõ việc xin vía học giỏi không có tác dụng. Tuy nhiên, tôi cảm giác đây chỉ là lời giải thích mang tính chữa ngượng.
Thời gian và sự chú ý của một người rất có giá trị, mang lại tiền bạc cho người khác. Trong nền văn hóa vội vã này, thói quen xem đọc trên mạng thậm chí chỉ dừng lại ở tên bài chứ làm gì chú ý vào từng câu chữ, tiểu tiết.
Nên đừng nói trẻ em, kể cả người lớn xem nội dung clip, ấn tượng trong đầu mà họ nhớ được cũng chỉ là búp bê kumanthong, là cách xin vía học giỏi thế nào, để xin vía thì phải cho ăn uống gì..., chứ có mấy ai ghi nhớ rằng đây chỉ là đùa vui.
Ekip của Thơ Nguyễn cho rằng clip được đăng trên Tik Tok - nền tảng dành cho người từ 13 tuổi trở lên, không phải trẻ nhỏ để dẫn đến "hiểu nhầm" như một số người lo lắng. Đây cũng là cách chữa ngượng vụng về nữa. Vì ngay trong nội dung clip, tác giả nói rõ đối tượng nghe là "các em khán giả rất yêu quý, những người đang muốn xin vía học giỏi" và "mong muốn này không có gì sai trái cả".
Trên thực tế, ai trong chúng ta cũng biết với quy chế lỏng lẻo đăng ký các tài khoản mạng xã hội hiện tại, trẻ dưới độ tuổi 13 vẫn hoàn toàn có thể tiếp cận và xem các nội dung trên Tik Tok. Ai cũng biết kênh của tác giả có lượt người theo dõi rất lớn và hầu hết đối tượng là trẻ em.
Phụ huynh cần thay đổi nhận thức, không bỏ mặc con một mình trên mạng. Ảnh: Parents. |
Bỏ mặc con trên mạng cần được coi như "bạo hành lạnh"
Hiện tại, làm các nội dung cho trẻ em là một mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp và kiếm tiền trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi việc sáng tạo nội dung trên Internet đã trở thành nghề được nhiều quốc gia công nhận.
Một khi sáng tạo nội dung trên mạng đã trở thành nghề, việc công nhận nghề để từ đó xây dựng các tiêu chí nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức hành nghề là cần thiết.
Bản thân những người muốn xây dựng nội dung dành cho trẻ em trên kênh của mình cũng cần phải có kiến thức nhất định về giáo dục, sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ để phục vụ cho công việc.
Điều đó vừa đảm bảo sự an toàn cho cả sự nghiệp của cá nhân và cả cộng đồng, tránh tình trạng làm ra clip có nội dung vô bổ, chẳng mang lại bất cứ lợi ích nào về mặt phát triển thói quen hành vi, phẩm chất giá trị và nhân cách.
Với sự phát triển rất nhanh và phổ biến của các nền tảng mạng xã hội cùng vô số nội dung tốt, xấu đan xen, cha mẹ sẽ không thể tuyệt giao con với các nền tảng mạng xã hội. Hiện tại, chúng cũng là các kênh thông tin hữu ích trong một hệ sinh thái học tập của trẻ.
Tuy nhiên, phụ huynh cần thay đổi nhận thức để việc bỏ mặc con trên mạng xã hội phải được nhìn nhận như một hình thức "bạo hành lạnh".
Người lớn cần hiểu nhiều mạng xã hội đang là kênh phát tán các video lạm dụng trẻ, quảng cáo không phù hợp độ tuổi của trẻ, nhiều tương tác bắt nạt và quấy rối trẻ, dạy các hành vi xấu như chửi bậy, hút thuốc, uống rượu, các thử thách nghịch dại gây chấn thương như cắt tay, thử thách ấn ngực gây nghẹt thở, đốt lửa...
Để bảo vệ con, cha mẹ cần lưu ý dạy trẻ cách yêu cầu giúp đỡ khi gặp vấn đề an toàn trên mạng, thông báo cho cha mẹ biết các video nguy hiểm cổ súy cho các hành vi nguy cơ.
Cha mẹ cũng cần tự trang bị kiến thức công dân số cho bản thân, có khả năng nhận diện sớm dấu hiệu của nghiện Internet, biết cách nói chuyện với con về những vấn đề trẻ sẽ phải đối mặt trên thế giới ảo. Các bậc cha mẹ cần tự tạo động lực để tự học và giỏi hơn về mặt công nghệ so với trẻ mới có thể hướng dẫn và đồng hành với con.
Chúng ta cần có những nghiên cứu cơ bản để đánh giá ảnh hưởng từ mặt trái của mạng xã hội đối với vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần, chất lượng học tập, những hành vi dại dột, cũng như sự phát triển của trẻ em và vị thành niên nói chung.
Ngoài ra, việc tăng cường các chính sách kiểm soát nội dung trên mạng Internet và mạng xã hội chặt chẽ hơn là cần thiết, bao gồm nâng cao nhận thức, kỹ năng và bộ quy tắc đạo đức ứng xử cho những người sản xuất nội dung trên mạng, ban hành chiến lược yêu cầu gắn nhãn hướng dẫn cha mẹ về video phù hợp trẻ, yêu cầu đưa chương trình giáo dục về an toàn mạng vào nhà trường...
PGS.TS Trần Thành Nam tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành tâm lý tại Đại học Vanderbilt, Mỹ.
Hiện, ông là chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE).
Ông Nam có nhiều năm tham gia tư vấn học đường, tác giả của nhiều công trình và bài viết nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý.