|
Hạ cánh ở sân bay Cam Ranh, tôi tốn khoảng 75 phút để đến được một resort 6 sao tọa lạc tại vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Có giá lên đến hàng trăm triệu đồng/đêm, nơi này gắn liền với những cụm từ như “đắt đỏ”, “xa xỉ”, “resort đắt nhất Việt Nam”.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 vòng đi dạo quanh resort rồi về đến căn villa có tầm nhìn ra biển, tôi hiểu rằng sự xa xỉ ở đây rất khác với các định nghĩa phổ biến thường gắn với sự bề thế, lấp lánh, dát vàng.
Resort “hướng nội”
Amanoi, resort nơi tôi đến, được bao bọc bởi vườn quốc gia Núi Chúa, nằm bên đường bờ biển xanh ngọc bích của vịnh Vĩnh Hy, thuộc khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.
Thứ đắt đỏ ở nhất ở đây chắc chắn là thiên nhiên rộng lớn với cảnh sắc hòa trộn giữa núi non và biển cả. Màu xanh của nước biển, bầu trời, cây lá như ùa vào tận giường ngủ. Thiên nhiên ở ngay trước mắt nên bạn chỉ cần ngồi dưới mái hiên nhìn mặt trời mọc hay bước vài bước chân là tới bãi biển lúc chiều tà.
Cảnh sắc nhìn ra từ cửa sổ villa. |
Điều đắt đỏ thứ 2 của resort này, với tôi, là sự tuyệt đối riêng tư.
Dù rộng tới 50 ha, nơi đây chỉ có 22 căn villa với hồ bơi riêng và 11 khu biệt thự từ 1 đến 5 phòng ngủ.
Tôi gọi nơi này là “resort hướng nội” vì những căn villa với màu sắc nhẹ nhàng, mộc mạc luôn nằm lấp ló, len lỏi giữa những tán cây đem lại cảm giác rất kín đáo. Khoảng thời gian “chỉ ta với ta” gần gũi với thiên nhiên hoá ra lại dễ chịu, nhẹ nhõm đến không ngờ.
![]() ![]() |
Không gian yên tĩnh và tuyệt đối riêng tư. |
Cuối cùng, sự đắt đỏ của nơi đây đến sự tinh tế, nhẹ nhàng của con người. Tôi luôn thấy mình được để ý, quan tâm một cách tỉ mỉ khi phòng ngủ đã ngăn nắp trở lại dù tôi mới rời đi một tiếng hay mỗi tối về phòng, trên giường luôn có sẵn 1 món quà nhỏ xinh mang đậm văn hóa địa phương. Dịch vụ ở đây không ồn ào, không rập khuôn mà rất lặng lẽ, ý tứ.
Tìm lại cảm xúc và sự kết nối bị bỏ quên
Trong ngày thứ 2 ở tại resort, tôi có dịp trò chuyện về việc viết lách và vẽ tranh cùng dịch giả, hoạ sĩ, nhà văn Trịnh Lữ.
Trước đó, tôi đã có nhiều năm yêu thích các cuốn sách được bác chuyển ngữ như Rừng Nauy, Cuộc đời của Pi, Đại gia Gatsby. Đứng trước một học giả nổi tiếng, tôi bỗng có chút e dè, ngần ngại nhưng cảm giác này nhanh chóng bị xua đi bởi sự ân cần, ấm áp từ phía bác.
Buổi sáng, chúng tôi quầy quần thủ thỉ nói về những cuốn sách, về cách viết tốt, viết có cảm xúc.
|
Trò chuyện cùng dịch giả, hoạ sỹ, nhà văn Trịnh Lữ. |
“Làm thế nào để con chữ ta viết có cảm xúc ư? Vấn đề là ở cảm xúc, chứ không phải ở cách viết và chọn chữ. Bản chất của việc viết là đặt tên cho nhận thức và cảm xúc. Hãy tìm cảm xúc của mình ở những giao đãi giản dị mà luôn luôn bất ngờ với thế giới ngoài kia. Khi cảm xúc đã được hữu hình, câu chữ sẽ tự tìm đến thôi”, bác Trịnh Lữ nói.
Tôi bất chợt nhận ra khi ở đây, tôi đã tìm được những thứ “giao đãi giản dị” này. Một cái cây có mùi lá thơm đặc trưng đã khiến tôi hân hoan trên đường về sau bữa ăn tối. Tôi cũng bất giác mỉm cười khi nhìn lên bầu trời đêm đầy sao và đoán già đoán non rằng phía kia chắc chắn là chòm sao Song Tử.
Buổi chiều, chúng tôi ngồi dưới hiên nhà vẽ lại cảnh sắc thiên nhiên trước mặt. Vốn không có năng khiếu hội hoạ, tôi chỉ bôi nguệch ngoạc lên bức tranh của mình những màu sắc đầy chiếu lệ.
Khi nhìn sang bức tranh bác Trịnh Lữ vẽ, tôi ngạc nhiên với cách bác sử dụng những màu sắc được hòa quyện đầy nhẹ nhàng, dịu dàng.
Bác bảo màu sắc của trời đất toàn là những màu không thể gọi được tên, không hiện diện như những khái niệm hoặc tên gọi rõ ràng. Toàn bộ cảnh vật là một hòa trộn âm dương ngũ hành biến hoá vào nhau.
Tuy nhiên, điện thoại và máy ảnh đều có khuynh hướng tách biệt sự hài hoà ấy để hình ảnh “bắt mắt” hơn, nổi bật hơn. Bị bao vây suốt ngày đêm bởi quảng cáo và phim ảnh, mắt chúng ta nhiễm thói lúc nào cũng tìm kiếm cái tương phản, càng mạnh càng thích, gọi là “bắt mắt”. Cảm xúc “bắt mắt” ấy khiến ta mất dần cái phép màu tĩnh lặng của lẽ âm dương ngũ hành. Khả năng hòa nhập với sự hài hoà của thiên nhiên bị bào mòn, mối quan hệ với thiên nhiên cũng han rỉ và phai nhạt.
“Muốn bảo tồn cảm xúc nguyên sơ, hãy trở lại với thiên nhiên và bản thể giản dị của mình”, bác Trịnh Lữ nói.
Đến tối, chúng tôi lại quầy quần ở nhà hàng bên cạnh bờ biển. Tôi cảm ơn bác vì đã cho chúng tôi cách tiếp cận mới mẻ, thú vị về thiên nhiên và cảm xúc con người.
“Những chuyện bác nói các cháu biết cả rồi, chỉ là mải sống nên quên mất thôi, bác chỉ nhắc lại cho các cháu nhớ”, bác Trịnh Lữ đáp.
Kết thúc 48h ở Amanoi, tôi quay trở về TP.HCM và nghĩ đến một câu hát trào lưu của giới trẻ: “Yên bình có quá đắt không?”. Yên bình ở resort thì đắt, nhưng đáng. Hoặc bạn cũng đã luôn biết cách để yên bình, chỉ là mải sống quá, nên quên mất thôi.