Không làm giàu bằng nghề dạy học
Năm 1988, tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Mát-xcơ-va, TS Trần Nam Dũng được nhận vào Đại học Tổng hợp. Khoản lương đầu tiên thầy giáo trẻ nhận được ngày ấy là 800.000 đồng. Ông gắn bó với nghề giáo viên từ đó.
Thầy Dũng kể: “Tôi dạy học không nghĩ đến tiền nong, cũng không tiêu tốn gì ngoài tiền ăn, không nghĩ đến mua nhà, mua xe”. Ngoài giảng dạy trên lớp, thầy giáo này còn đưa học trò về nhà dạy học, đùm bọc như những đứa con.
Nhắc đến chuyện trở về Việt Nam thay vì làm việc ở nước ngoài, thầy giáo dạy toán vui vẻ trả lời: "Nếu đó không là niềm vui, niềm đam mê do chính học trò mang lại, thì tôi không thể đứng vững như ngày hôm nay".
Thầy Trần Nam Dũng đoạt huy chương bạc Toán quốc tế năm 1983. |
Người giành huy chương bạc kỳ thi Olympic Toán (IMO) năm 1983 (huy chương đầu tiên của Quảng Nam, Đà Nẵng) đã có gần 10 năm là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM. Thầy bảo luôn giữ quan điểm: Dạy và học không phải để kiếm sống.
“Lương của tôi đi dạy đôi khi chỉ đủ đóng tiền học phí cho con. Có lần, vợ tôi nói vui, 'huề' như vậy thì nên ở nhà tự dạy con”, giảng viên của Đại học Quốc gia TP HCM chia sẻ.
TS Trần Nam Dũng kể lại câu chuyện, năm 2001, khi con trai tròn một tuổi, dù còn nợ tiền mua nhà, hai vợ chồng vẫn quyết định đi Nga chơi hai tuần. "Tôi sống thoải mái, biết sức mình sẽ làm được, chẳng có vấn đề gì. Tôi không bao giờ đặt nặng mục tiêu kiếm tiền nhờ dạy học”.
Nếu muốn làm giàu thì nhanh nhất là luyện thi đại học, nhưng thầy Dũng bảo, không thể “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Ông tự nhận, luyện thi đại học không phải sở trường của mình, dạy học sinh đâu phải chỉ nhờ cái tên. Giáo viên này cho biết, chỉ dạy học sinh năng khiếu, đó là niềm vui, đam mê, giúp các em có thêm niềm tin trong sự chọn lựa.
"Tôi cũng luôn tâm niệm, làm toán để trở thành người giỏi toán, chứ không phải thành thợ giải toán”, ông nói.
Thầy giỏi phải biết truyền cảm hứng
Trần Nam Dũng được mệnh danh là “cao thủ” luyện thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Những gương mặt nổi bật trong số học trò của vị tiến sĩ toán học này là Lê Quang Nẫm (huy chương vàng Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương 1997), Phạm Tuấn Huy (huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế 2013, 2014), Võ Anh Đức (huy chương vàng toán quốc tế 2013), Cấn Trần Thành Trung (huy chương vàng toán quốc tế 2013), Hoàng Anh Tài (huy chương bạc toán quốc tế 2015).
Theo ông, giáo viên giỏi phải truyền được cảm hứng, yếu tố tiền đề này sẽ mang đến đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ cho học trò.
Quan niệm trên bắt nguồn từ khi Trần Nam Dũng còn là cậu học trò cấp ba. Thầy chủ nhiệm của ông đã có cách dạy sáng tạo, yêu cầu mỗi học sinh tự chuẩn bị đề toán cho cả lớp giải trong từng tháng. Ông đam mê toán từ những bài tập nhỏ do chính bạn bè mình đưa ra.
Từ cậu học sinh trường bình thường, chỉ nằm trong danh sách dự bị tham gia đội tuyển học sinh giỏi, Trần Nam Dũng bứt phá lên top đầu. Năm 1983, chàng trai Nam Dũng được chọn đi thi toán quốc tế. Điều này đã không còn bất ngờ với bạn bè cùng trang lứa.
Trở thành giáo viên, thầy Dũng không chỉ quan tâm lớp học sinh giỏi, mà luôn để ý đến những em yếu kém. “Thấy bài kiểm tra của một học sinh liên tục bị 2-3 điểm, tôi tìm cách động viên, hướng dẫn, khi tiến bộ sẽ khen ngợi để em có thêm tự tin. Năm đó, em thi tốt nghiệp đạt điểm khá cao. Như vậy, nhiều học sinh có tố chất học tốt nhưng khi bị 'dừng nhịp' sẽ khó lòng đuổi theo bạn bè. Lúc này, vai trò của giáo viên rất quan trọng”, thầy giáo này chia sẻ.
TS Trần Nam Dũng đánh giá, toán học là bộ môn trừu tượng, luôn đứng trên thực tế. Vì vậy, cách tốt nhất để hiểu các vấn đề là phải đi vào lịch sử toán học, nhằm hiểu khái niệm, định lý ra đời như thế nào? Đây là phần tạo hấp dẫn cho học sinh mà nhiều giáo viên dễ dàng bỏ qua.
Người xây dựng cộng đồng toán học
TS Trần Nam Dũng là người tiên phong xây dựng cộng đồng toán học với những hoạt động mạng, trại hè lý thú, nhằm khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu toán cho giới trẻ tại khu vực miền Nam, khởi nguồn từ mạng Trí tuệ Việt Nam.
Được mệnh danh tượng đài vững chắc của cộng đồng người đam mê toán, sau nhiều năm nỗ lực, thầy Dũng đã có thế hệ học trò tâm huyết.
Hiện tại, ngoài giảng dạy tại trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP HCM, ông tham gia dạy trực tuyến tại Zuni.vn và giảng tại các tỉnh thành lân cận.
“Là người gần gũi học trò, tôi cảm nhận rất rõ niềm đam mê toán học, sự khát khao học hỏi của các em. Khát khao đó thôi thúc tôi phải dấn thân. Tôi biết, nếu chỉ một mình thì dù có phân thân như Tôn Ngộ Không cũng không thể làm được, mà phải lôi kéo mọi người, đặc biệt các bạn trẻ, giáo viên, bằng sự nhiệt tình của mình”, TS Trần Nam Dũng nói.
Là người thầy nhưng ông luôn thấy chính mình học hỏi được nhiều từ học sinh. “Lỗi lớn nhất của thầy giáo là biết quá nhiều, một bài toán đã rõ lời giải nên không còn sự sáng tạo. Trí tuệ tập thể của các em sẽ đưa ra được ý đúng và sai, đều rất đáng học hỏi. Điều hay nhất của nghề giáo là một bài giảng được lặp lại nhiều lần, mỗi lần thêm những điều mới mẻ”.
Vị tiến sĩ trăn trở, học sinh Việt Nam có nhược điểm so với bạn bè quốc tế là học thụ động, ít tranh luận. Điều này do quan niệm đã xưa cũ khi coi giáo viên là người có quyền lực lớn.