Tới thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn coi ngoại hình và sắc vóc là tiêu chí trọng yếu để đánh giá nam và nữ giới, theo nhận định của bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW).
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng phụ nữ có xu hướng chịu nhiều áp lực, định kiến về ngoại hình hơn.
"Với phái nữ, ngoại hình ưa nhìn là tiêu chí được nhắc đến đầu tiên, tiếp theo mới tới năng lực chuyên môn và kinh nghiệm”, bà Hà chia sẻ với Zing.
Trong câu chuyện với Zing, 4 phụ nữ ở độ tuổi 20-30 đã kể lại câu chuyện về những lần họ bị gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay cấp trên đánh giá dựa trên ngoại hình.
Đây là những cô gái được người xung quanh nhận xét là "có nhan sắc", song lời khen này lại khiến khả năng, cống hiến của họ bị coi nhẹ, nghi ngờ. Tình trạng trên ít nhiều ảnh hưởng tới lòng tự trọng và vị thế của họ ở trường học và công sở.
Bảo Trân (20 tuổi): "Họ nói nhờ ngoại hình mà tôi xin được việc"
Ở tuổi 20, tôi vui mừng khi trúng tuyển công việc bán thời gian ở một công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Cùng thời điểm đó, tôi cũng được nhận làm cộng tác viên thời vụ của một tòa soạn báo sau khi vượt qua bài kiểm tra đầu vào khó khăn.
Việc trúng tuyển 2 công việc cùng lúc khiến tôi tự tin vào năng lực của mình hơn, đặc biệt là kỹ năng viết lách. Thế nhưng, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, tôi sững người khi nghe một cậu bạn bàn tán về mình.
Được nhận việc vì khả năng, nhưng nhiều nữ giới lại bị giễu cợt rằng "xinh đẹp thì cơ hội đến dễ dàng hơn". Ảnh: HuffPost. |
“Xinh gái như cái Trân thì thế nào chả có cơ hội. Mà nó cũng khôn nữa, biết chọn chỗ làm có sếp là nam giới. Chỉ cần mềm mỏng, ve vãn sếp chút là được yêu chiều”, người đó hả hê nói với các bạn cùng lớp tôi.
Ban đầu, tôi còn lầm tưởng rằng người bạn ấy chỉ đang đùa giỡn bởi chúng tôi khá thân thiết. Nhưng sự xúc phạm lên đến đỉnh điểm khi cậu ấy thẳng thừng tuyên bố rằng tôi nên “cặp kè” với sếp.
“Có ngoại hình thì cặp luôn với ông sếp đấy đi. Tao thấy có tiềm năng đấy, có gì còn giúp đỡ bạn bè về sau”, người này nói.
Trong mắt cậu bạn ấy, những nỗ lực của bản thân tôi khi tham gia xét tuyển, phỏng vấn ở cả 2 công ty chẳng có nghĩa lý gì. Tất cả chỉ bởi tôi là con gái, lại có ngoại hình ưa nhìn mà thôi.
Phương Uyên (21 tuổi): "‘Họ quy chụp tôi học kém chỉ vì biết ăn diện"
Ngay từ khi bước chân vào năm nhất đại học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), tôi bị các bạn nữ cùng lớp dò xét ngoại hình. Thậm chí, họ mặc định rằng sức học của tôi yếu kém chỉ vì tôi ăn diện và trang điểm khi đến lớp.
Do còn bỡ ngỡ với môi trường mới, tôi không năng nổ giơ tay phát biểu, cũng chẳng trả lời được câu hỏi của các thầy cô. Kết thúc năm nhất, tôi không đủ điều kiện điểm số nên phải rời khỏi lớp chất lượng cao, chuyển sang lớp thường.
Sự việc lần đó lại càng củng cố quan điểm của những cô bạn kia, rằng tôi đến trường chỉ mải phấn son, yêu đương chứ đâu học hành gì.
Một số cô gái bị đánh giá thấp về năng lực học tập vì có ngoại hình sáng sủa, biết cách ăn diện. Ảnh: Getty. |
Không lâu sau, tôi trở thành người đầu tiên của khóa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Thế nhưng, ánh mắt các bạn nhìn tôi vẫn chẳng đổi thay. Họ tặc lưỡi nói rằng vì tôi là gái Hà Nội, lại học khối D nên giỏi tiếng Anh là phải.
Tôi cố gắng bỏ ngoài tai những lời xì xào sau lưng. Tôi chỉ mong những nỗ lực và thành quả của mình sớm được ghi nhận.
Hết kỳ 1 năm 2, tôi dốc sức trở lại lớp chất lượng cao. Nhờ đã nắm được cách học tập phù hợp ở môi trường đại học, tôi chăm chỉ thảo luận trên lớp, liên tục phát biểu và được thầy cô nhớ mặt.
Đến khi ấy, những bạn trong lớp mới gỡ cái mác “chỉ được cái ngoại hình ưa nhìn” mà họ gắn cho tôi từ năm nhất.
Minh Trang (22 tuổi): "Họ nói công việc này chỉ cần xinh là đủ"
Vài tháng sau khi lên đại học, tôi đăng ký tham gia vào đội lễ tân do nhà trường thành lập với mong muốn có thêm trải nghiệm trong đời sinh viên.
Lúc ấy, tôi khá bất ngờ khi một câu lạc bộ sinh viên lại có tiêu chí tuyển chọn khắt khe như vậy. Các ứng viên cần có ngoại hình sáng sủa, khả năng ngoại ngữ tốt, nhạy bén và có tinh thần trách nhiệm cao.
Tôi may mắn đáp ứng một vài tiêu chí và trở thành một phần của đội sau 2 tháng thực tập. Suốt 3 năm sau, tôi thường có mặt tại các chương trình, hội thảo do trường tổ chức, đảm nhận vị trí lễ tân giúp mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Định kiến về ngoại hình khiến cống hiến trong công việc của những cô gái có nhan sắc bị gạt bỏ. Ảnh: Acacia Brinley. |
Dù luôn xuất hiện ở các sự kiện, ấn tượng mà tôi để lại cho các đại biểu, giảng viên và sinh viên chỉ dừng lại ở từ “xinh đẹp”.
Ban đầu, tôi nghĩ đó là một lời khen. Nhưng sau khi hoạt động được một thời gian, tôi nhận ra “xinh đẹp” lại hàm chứa định kiến nhắm tới các sinh viên trong đội lễ tân.
Nhiều bạn học từng nói với tôi “Muốn vào đội lễ tân chỉ cần xinh là đủ” hay “Xinh thế này chỉ hợp làm lễ tân”. Thậm chí, một số giảng viên cũng nghĩ công việc này thuộc dạng “bưng trà, rót nước”, không cần yêu cầu cao.
Tôi thực sự chạnh lòng khi nghe những “lời khen” ấy vì lễ tân không phải công việc đơn giản. Với mỗi sự kiện, chúng tôi phải có mặt từ 6h để chỉnh trang đồng phục, chuẩn bị tài liệu, lắp đặt thiết bị và làm việc theo sự điều động từ ban tổ chức.
Ngoài ra, tôi còn đảm nhiệm phần phiên dịch cho các đoàn đại biểu, giảng viên trao đổi nước ngoài tới công tác. Các thành viên vừa phải đảm bảo việc học trên lớp, vừa cố gắng tham gia các sự kiện.
Đáng buồn thay, tôi không thể giải thích với từng cá nhân tin vào định kiến “lễ tân chỉ cần ngoại hình” rằng công việc này vất vả, áp lực tới nhường nào.
Giang Trần (28 tuổi): "Họ nói tôi được thăng chức vì là nữ"
4 năm trước, khi chuyển tới công ty mới, tôi từng gây ấn tượng mạnh với cấp trên và đồng nghiệp nhờ cá tính mạnh mẽ và ngoại hình nổi bật.
Tôi nhận được nhiều người khen xinh đẹp, thú vị, thích hợp để chơi chung ở văn phòng nhờ phong cách ăn mặc trẻ trung, lối trang điểm tươi tắn và thái độ hòa đồng.
Vì ấn tượng ấy, tôi khiến cấp trên và đồng nghiệp bất ngờ khi chia sẻ về mục tiêu trở thành trưởng phòng sau vài tháng làm việc. Thời điểm đó, hầu hết thành viên cấp quản lý đều là nam giới, phụ nữ thường giữ vị trí phó trưởng phòng hoặc chuyên viên.
Khoảng thời gian tiếp theo, tôi phấn đấu cật lực, thể hiện khả năng với nhiều vị trí, vai trò khác nhau trong công ty.
Qua từng dự án, tôi nhận được sự tín nhiệm từ cấp trên và khẳng định bản thân với các đồng nghiệp.
Thay vì công nhận khả năng thực sự, nhan sắc và giới tính lại trở thành vấn đề được bàn tán nhiều hơn. Ảnh: Getty. |
Cuối cùng, tôi cũng thành công đạt được vị trí trưởng phòng như ước nguyện. Dù thời gian qua vô cùng căng thẳng, đầy ắp cạnh tranh, tôi vẫn cảm thấy nỗ lực của mình thật sự xứng đáng được công nhận.
Tuy nhiên, điều khiến tôi bất ngờ nhất lại là lời khen ngợi từ cấp trên.
"Công ty chúng ta đang cố gắng đa dạng hóa, em được chọn vì là nữ, lại là 9X đấy. Môi trường của chúng ta rất cần những bạn vừa biết làm việc, lại vừa xinh xắn như em".
Câu nói ấy khiến tôi giật mình, tự hỏi bản thân rằng liệu mình đạt được chiếc ghế này vì nỗ lực lâu dài, hay chỉ vì là nữ giới.
Thoạt đầu, đây chỉ là một lời khen bình thường. Nhưng khi ngẫm nghĩ, tôi cảm thấy có chút tủi thân khi mọi người không bàn tới khả năng, cống hiến của mình mà chỉ chăm chăm nói về câu chuyện giới tính.