Xung quanh câu chuyện bộ SGK Công nghệ Giáo dục (CNGD) do GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên đã không đạt ở vòng thẩm định đầu tiên, đồng nghĩa sang năm sẽ không được áp dụng trong chương trình phổ thông, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với bà Trần Lan Hương - HLV Dinh dưỡng và Sức khỏe, cựu học sinh nổi tiếng cùng niên khóa với GS. Ngô Bảo Châu, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu... trường Thực Nghiệm Hà Nội.
Bộ sách 40 năm luôn trong tư thế… "bị gạt"
- Khi nhận được thông tin bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại không đạt thẩm định, bà và những người bạn học trường Thực nghiệm Hà Nội cảm thấy thế nào?
- Cảm giác chung là rất buồn. Nhưng rồi tôi tự hỏi, nếu đây không phải là sách của thầy tôi mà là 1 cuốn sách giáo khoa bình thường nào khác thì mình sẽ cảm thấy thế nào? Câu trả lời là… "kinh ngạc".
Kinh ngạc vì một vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều thế hệ như giáo dục, sách giáo khoa mà lại được xử lý một cách thiếu chuyên nghiệp, thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng trí tuệ xã hội đến vậy.
Bà Trần Lan Hương - cựu học sinh trường Thực Nghiệm Hà Nội luôn kính trọng GS. Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Quang Huy. |
- Bà có cho rằng nhiều người đang "ác cảm" với bộ SGK Công nghệ giáo dục?
- Tôi có cảm giác đa số người dân không hề biết là hiện nay ở cấp tiểu học đang có 2 phương pháp giảng dạy (2 bộ sách giáo khoa) khác nhau là của Bộ GD và CNGD nên họ nhầm lẫn hai phương pháp này với nhau. Mỗi lần người ta đưa CNGD ra đấu tố thì lại thấy giống câu chuyện "thầy bói xem voi", người chê hết mức người khen hết lời.
Nếu hỏi bất cứ học sinh, phụ huynh hay giáo viên CNGD nào, bạn sẽ được nghe hầu hết là những lời khen ngợi. Những lời chê bai CNGD toàn là từ những người không trực tiếp học hoặc giảng dạy CNGD đủ lâu, hay những chuyên gia chỉ nhìn từ góc độ khoa học thuần túy và so sánh với những nền giáo dục khác trên thế giới chứ không so sánh hai phương pháp đang được sử dụng trên cùng một mặt bằng tại Việt Nam.
- Bà đánh giá thế nào về kết quả thẩm định về bộ SGK của GS.Hồ Ngọc Đại không đạt?
- Theo tôi, cái mà Hội đồng thẩm định cần loại bỏ chính là phương pháp của Bộ hiện nay khiến trẻ con không có tuổi thơ, không lấy trẻ con làm trung tâm mà lấy thành tích làm trung tâm. Sự vội vàng xóa bỏ CNGD trong khi chương trình thay thế của Bộ chưa ai biết "mặt mũi" thế nào thì có khách quan?
Một Hội đồng 15 người thẩm định một sản phẩm chưa ai biết là gì so với sự thẩm định của cuộc sống do chính những người đã sử dụng thẩm định 40 năm qua, cái nào đáng tin cậy hơn?
Triết lý giáo dục theo suốt cuộc đời
- Sau nhiều năm học bộ sách CNGD, chị đánh giá bộ sách thế nào? Có dễ hay khó với học sinh?
- Không ai nói bộ sách CNGD là hoàn hảo hay tốt nhất, vì ngay cả trên thế giới cũng không có bộ sách nào được coi là tốt nhất cả. Vấn đề ở đây đánh giá bộ sách CNGD phải đi kèm với triết lý, phương pháp và được thực hiện bởi những giáo viên được tập huấn đầy đủ để dạy theo phương pháp này.
Là người đã trải nghiệm cả hai phương pháp giáo dục (học CNGD từ lớp 1 đến lớp 8, học chương trình của Bộ từ lớp 10 đến lớp 12) tôi thấy hai trải nghiệm sản phẩm rất khác nhau. Nếu mục tiêu ở cấp tiểu học là đọc thông, viết thạo, tính toán tốt, thì học sách CNGD hay sách của Bộ đều có thể đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, học theo CNGD học đâu chắc đó, trẻ miền núi cũng không tái mù chữ như khi học theo cách của Bộ. Quan trọng hơn nữa, học CNGD không khó mà còn vui và mang lại những lợi ích lớn hơn và lâu dài suốt đời người.
Bà Trần Lan Hương hiện là HLV về Dinh dưỡng và Sức khỏe luôn sống và làm việc theo triết lý được học năm xưa. Ảnh: Quang Huy. |
- Theo chị, triết lý của giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được thể hiện ra sao trong bộ sách CNGD?
- Triết lý CNGD là "Đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Cho nên, ở cấp tiểu học CNGD không có chấm điểm, xếp hạng. Thầy cô ra đề Văn nhưng chúng tôi có thể trả bài bằng thơ, bằng tranh vẽ, tùy trí tưởng tượng của mình, tuyệt đối không có văn mẫu, rất ít phải học thuộc lòng. Chúng tôi được tự do bàn luận bài học với thầy cô, tự do phát biểu ý kiến của mình mà không sợ bị phán xét.
CNGD dạy theo kiểu "thầy thiết kế trò thi công", tức là dạy nguyên lý chứ không học vẹt. Dựa trên các nguyên lý, học sinh tự do ứng dụng vào việc làm bài tập tùy theo năng khiếu và sở thích của mình. Chúng tôi học rất nhàn, về nhà không phải làm bài tập, không phải học thêm... Nói chung là rất thích đi học.
- Đến bây giờ, những cựu học sinh cảm nhận và thực hiện triết lý đó ra sao?
- Khi phải chuyển sang học chương trình của Bộ GD&ĐT, tôi bắt đầu thấy việc học trở thành áp lực. Phải học thuộc lòng rất nhiều, học thêm, nơm nớp lo trước mỗi giờ kiểm tra miệng đầu giờ? Rồi sự căng thẳng khi thi cử và cảm giác buồn bã khi bị xếp hạng thấp hơn bạn bè.
Sau khi tiếp cận với nền giáo dục của Mỹ, tôi nhận ra rằng triết lý và phương pháp CNGD áp dụng chính là giáo dục khai phóng mà các nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng, lấy học sinh làm trung tâm, học bằng cách tự khám phá tri thức chứ không tiếp thu kiến thức thụ động. Tôi càng thấm thía hơn triết lý giáo dục đầy nhân văn của CNGD: "Đi học là hạnh phúc".
Ứng dụng nguyên lý này vào cuộc sống, tôi nhận ra, khi lớn lên thì "đi làm là hạnh phúc, sống là hạnh phúc". Mỗi ngày đi học, đi làm, mỗi ngày sống đều là một ngày vui. Nếu chưa vui, hãy dừng lại và tìm giải pháp vì chắc chắn đang có vấn đề.
Cựu học sinh trường Thực nghiệm Hà Nội cho biết, rất buồn khi sách CNGD không đạt thẩm định. Ảnh: Quang Huy. |
- Đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới, mong muốn của chị về bộ SGK như thế nào?
- Ai trong chúng ta cũng khao khát có một sự đột phá mang lại sức sống mới cho giáo dục và hy vọng cho đất nước. Tôi mong muốn Bộ công khai triết lý và phương pháp giáo dục mới, có lộ trình thử nghiệm thực tế và để chính cuộc sống thẩm định giống như cách mà Bộ đã làm với CNGD. Nếu chương trình mới được cuộc sống chứng minh là tiến bộ vượt trội hơn CNGD thì tôi tin rằng GS. Hồ Ngọc Đại cũng như toàn dân sẽ rất hạnh phúc và sách CNGD đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn qua.
Còn trong lúc này, khi chương trình mới của Bộ còn chưa soạn xong, chưa được công khai và chưa đủ thời gian để cuộc sống thẩm định, hãy để các trường được tiếp tục lựa chọn bộ sách nào mình thấy phù hợp với điều kiện từng nơi.
Bà Trần Lan Hương từng là cựu học sinh trường Thực nghiệm Hà Nội. Bà Hương là HLV Dinh dưỡng và Sức khỏe đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận bởi AADP (Hiệp hội trị liệu không dùng thuốc Mỹ); Chuyên gia Dinh dưỡng Cân bằng Chuyển hóa, chứng nhận bởi Viện Metabolic Balance (CHLB Đức). Bà Hương từng giữ chức Giám đốc Đầu tư Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SEAF), chuyên viên Kinh tế Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM