Năm 2007, Việt Nam có ca hiến giác mạc đầu tiên. Kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, là người lấy giác mạc cho ca này. Đến nay, ông là người thực hiện nhiều ca lấy giác mạc nhất Việt Nam.
Ca hiến giác mạc đầu tiên
- Xin ông cho biết lấy giác mạc là gì?
- Giác mạc chỉ được lấy ở người đã chết, tuyệt đối không được nhận từ người còn sống. Tôi là một trong những người trực tiếp lấy giác mạc từ họ. Khi có người chết đồng ý hiến, chúng tôi lên đường đến nhà họ để lấy giác mạc, sau đó, chúng được ghép cho những người có bệnh về mắt khác. Một nửa công việc của tôi là làm việc cùng người đã khuất. Chính vì thế, bạn bè thường bảo tôi "đi chơi với người chết”.
Nhiều người e ngại hiến giác mạc sẽ khuyết toàn bộ 2 mắt. Thực tế không phải vậy. Giác mạc như một lớp kính mỏng phía trước con ngươi. Chúng tôi sẽ lấy nhẹ nhàng lớp kính đó, đôi mắt người đã khuất gần như còn nguyên vẹn. Quá trình lấy diễn ra khoảng 25-30 phút, người nhà vẫn có thể đứng bên cạnh theo dõi.
- Ông là người lấy giác mạc từ ca hiến đầu tiên của Việt Nam. Ca hiến diễn ra như thế nào?
- Cuối năm 2006, tôi trở về nước khi vừa kết thúc khóa học về kỹ thuật lấy và bảo quản giác mạc tại Ấn Độ. 6h sáng 5/4/2007, chúng tôi nhận được thông báo về việc qua đời và đồng ý hiến giác mạc của bà Nguyễn Thị Hoa ở Kim Sơn, Ninh Bình.
Chiếc xe cứu thương duy nhất của bệnh viện được dành riêng cho anh em lên đường. Trên xe, anh Đỗ Văn Đông (giờ là Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương - PV) hỏi tôi: ‘Chú có run không”. Thực sự lúc đó tôi không biết trả lời như thế nào. Ba tháng học ở nước ngoài, tôi đã lấy giác mạc khoảng 200 ca, chưa kể những lần tập trên mắt lợn trước đó. Nhưng ở Việt Nam, đây là ca đầu tiên, sự thành bại sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác vận động tuyên truyền hiến giác mạc lúc đó. Nếu chẳng may có gì sơ suất, mọi công sức “đổ sông, đổ bể” và sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân.
Đến nơi, chúng tôi tắt còi xe, đỗ xe ở đầu làng, cởi áo blue, chỉ mặc thường phục và được đưa vào bằng xe máy. Đồ đạc, dụng cụ phải cho vào bao tải. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính, 10h30 tôi bắt đầu thu giác mạc trong căn phòng đóng cửa kín mít, phải bật đèn pin suốt 45 phút mới xong.
Khi bước ra, mồ hôi ướt sũng áo. Lúc đó, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm vì thành công như mình mong muốn. Hai giác mạc của cụ Hoa được ghép cho người cùng xã và một cô bé hơn 20 tuổi ở Thanh Hóa. Hai người này nhờ nhận giác mạc mà đôi mắt được chữa lành.
Thân nhân người quá cố được chứng kiến kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Hoàng lấy giác mạc. Ảnh: BSCC. |
- Đó có phải là trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông?
- Tôi nhớ hơn lần lấy giác mạc của bé trai 4 tuổi bị tự kỷ. Đó là trường hợp nhỏ tuổi nhất hiện nay. Bé sống cùng cha mẹ ở Nhật. Năm 2019, trong lần về ngoại ở Phú Thọ chơi, bé bị rơi từ tầng 2 xuống đất. Điều đau buồn là tai nạn xảy ra vào đúng ngày sinh nhật của bé.
Khi tôi đến, bé đã chết não. Bé nằm lọt thỏm trong căn phòng hồi sức tích cực. Điều tôi bất ngờ là người mẹ dù khóc ngất khi người ta khám nghiệm tử thi con trai, đến lúc tôi lấy giác mạc, chị không khóc mà bình tĩnh đứng xem. Kết thúc công việc, tôi đến cảm ơn họ vì sự dũng cảm, quyết đoán. Không phải người mẹ nào cũng dũng cảm đứng xem như vậy.
Người ta thường hỏi tôi có bị chai sạn cảm xúc không khi lấy giác mạc từ hàng trăm người chết như thế. Chứng kiến những cảnh như thế, thực ra tôi cũng khó kìm lòng. Bởi tôi cũng là một người cha, một con người có cảm xúc chứ không phải cỗ máy. Nhiều lúc sóng mũi cay, tôi phải kìm nén lại, nuốt nước mắt vào trong để tiếp tục công việc. Với công việc đòi hỏi sự tỉ mẫn, chính xác và không có công cụ hỗ trợ nhiều, tôi không được phép để cảm xúc lấn át. Chúng tôi cần phải có trách nhiệm với người đã khuất để hoàn thành tâm nguyện của họ.
- Có khi nào ra về tay trắng?
- Nhiều gia đình gọi chúng tôi đến lấy giác mạc người đã khuất. Nhưng đến phút chót, họ lại từ chối. Thậm chí, họ thay đổi ý định 2-3 lần. Mỗi năm, chúng tôi gặp 3-4 ca như thế. Đôi khi chỉ cần một người hoặc một câu nói tác động, gia đình lại thay đổi ý định. Nhưng cũng có những trường hợp từ chỗ họ không đồng ý hiến giác mạc, họ quyết định hiến toàn bộ xác của người thân sau khi nghe vận động và hiểu được ý nghĩa của hành động này.
Cung chưa bao giờ đủ cầu
- Từ việc phải kín đáo vào nhà người ta lấy giác mạc, đến nay, công việc của ông và đồng nghiệp được người dân ủng hộ hơn chưa?
- Đúng là với ca đầu tiên chúng tôi phải rất lặng lẽ để tránh sự chú ý của người dân. Sau khi hiến giác mạc của cụ Hoa, các con cháu bị dị nghị một thời gian.
Ngay lập tức, bệnh viện chúng tôi tổ chức tri ân cụ, đồng thời tổ chức khám miễn phí cho người dân khu vực này. Chúng tôi cũng kết nối với vị linh mục tại địa phương để nói rõ ý nghĩa của việc hiến giác mạc và nhờ giúp đỡ tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn. Dần dần, người dân đã bắt đầu đăng ký hiến tặng và tự nguyện gọi cho chúng tôi khi có người thân mất. Về sau, phong trào hiến giác mạc tại đây phát triển mạnh mẽ. Hiện Kim Sơn, Ninh Bình trở thành xã đi đầu trong cả nước về hiến giác mạc. Tính chung toàn tỉnh, Ninh Bình hiện có 394 ca hiến giác mạc.
Giác mạc chỉ được lấy từ người đã khuất. Ảnh: BSCC. |
- Hiện số người hiến giác mạc là bao nhiêu?
- Năm 2007, chúng ta có ca hiến giác mạc đầu tiên. Trong năm đó, 9 người hiến. Mười năm tiếp theo, trung bình 35-45 người/năm. Đến 2018, số lượng hiến giác mạc tăng hơn 100 người.
Năm 2019, 167 người hiến giác mạc. Đây là con số khá kỷ lục vì chưa bao giờ có nhiều ca hiến như vậy. Mặc dù số lượng người hiến tăng trong những năm gần đây nhưng muốn nhiều hơn nữa thì cũng không đơn giản.
Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc đăng ký tại Ngân hàng Mắt lên tới 700-800 trường hợp, trong khi 10 năm qua, mới có 817 người hiến. Nhu cầu ghép giác mạc rất lớn. Nguồn cung vẫn thiếu, chưa thể đáp ứng đủ tại bệnh viện chứ chưa nói tới việc phân phối giác mạc cho cả nước. Việc tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức của người dân rất khó khăn.
Ngược lại, nhiều trường hợp người dân muốn hiến song chúng tôi không thể đến lấy vì quá xa. Cả nước chỉ có 3 Ngân hàng Mắt. Hiện tại, toàn bộ phần miền Trung bị bỏ ngỏ khi chưa thành lập được Ngân hàng Mắt và cuộc vận động hiến tặng mô tạng sau khi qua đời tại đây cũng không được truyền thông tích cực.
Tại miền Nam, 2 ngân hàng mắt hoạt động cũng cầm chừng, một năm chỉ nhận được khoảng 20 ca hiến giác mạc và chủ yếu ghép cho người nghèo.
Việc đào tạo kỹ thuật viên thu nhận giác mạc cũng khó khăn vì cơ chế kiêm nhiệm. Anh em Ngân hàng Mắt chúng tôi chỉ mong đào tạo xây dựng được ở mỗi địa phương ngân hàng mắt vệ tinh, có tổ hỗ trợ nhau để nếu có người hiến sẽ lấy ngay tại địa phương được, thay vì bỏ phí như hiện nay.