Tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe toàn diện - Thời 4.0 diễn ra ngày 23/4 ở Hà Nội, ông N.V.V. (84 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ cách đây 2 tháng, ông đã có kết quả sinh thiết của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khẳng định mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn IV. Dù đã uống thuốc điều trị được 2 tháng, ông vẫn không tin được điều này.
Nam bệnh nhân tự nhận bản thân là người có sức khỏe tốt. Năm năm gần đây, cân nặng của ông luôn ổn định ở mức 66 kg. Bắt đầu từ năm ngoái, ông thấy cơ thể giảm cân nhiều, còn 58 kg, nhưng chủ quan không kiểm tra. Sau đó, con trai khuyên nên ông đến một bệnh viện tư gần nhà để khám. Bác sĩ không phát hiện bất thường.
Ông tiếp tục đi khám khi bị đau ở hông. Sau 10 ngày nằm viện, người đàn ông này thấy hết đau nên được xuất viện. Tuy nhiên, sau đó một tuần, ông V. thấy cơ thể mệt mỏi, không ăn được, nổi 2 hạch ở cổ. Nam bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội mới biết mình mắc ung thư.
Ung thư tuyến tiền liệt thường diễn biến âm thầm, khó phát hiện. Ảnh: Getty Images. |
“Trước đó, tôi không thấy cơ thể có gì bất thường, đi tiểu bình thường, không ra máu. Tôi cũng không tiểu rắt, tiểu buốt. Tôi mắc ung thư giai đoạn cuối dù vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng. Tại sao lại như thế?”, ông V. đặt câu hỏi.
Giải đáp thắc mắc này, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Tuyết, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, nói: “Ung thư tiền liệt tuyến diễn tiến rất âm thầm kín đáo. Phần lớn trường hợp mắc chỉ phát hiện ra khi bệnh đã di căn đến nơi khác. Khi bệnh còn khu trú, thường không có dấu hiệu gì”.
Theo bác sĩ này, đa số ung thư tiền liệt tuyến được phát hiện từ hạch, di căn ở phổi, bụng. Đặc biệt, ung thư tuyến tiền liệt thường di căn đến xương.
“Nhiều người chỉ đau lưng, xương đùi, hông, đi khám bệnh, chụp phim, xét nghiệm thì phát hiện tổn thương ung thư. Ung thư chính là như thế, dù không có dấu hiệu, bệnh vẫn tiến triển”, tiến sĩ Tuyết nói.
Theo ghi nhận của Globocan, tại Việt Nam, năm 2018 chỉ phát hiện 3.959 ca mắc ung thư tuyến tiền liệt mới, nhưng có tới 1873 ca tử vong do bệnh lý này. Điều này có thể được giải thích là việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, do đó, các ca mắc mới đa phần ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong còn cao.
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, người dân cần có ý thức hơn trong việc chủ động đến cơ sở y tế để khám tầm soát định kỳ.