Tôi là Trần Nguyễn Anh Minh, sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Năm 20 tuổi, tôi bước vào trận chiến lớn nhất cuộc đời. |
Từ tháng 8/2023, tôi bắt đầu gặp "rắc rối" với những trận ho triền miên, bao nhiêu thuốc thang không giảm. Sức khỏe cũng dần tụt dốc. Trên phim chụp PET/CT, bác sĩ phát hiện nhiều đốm đen lạ trên phổi và khu vực trung thất. Sau hàng loạt xét nghiệm nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ gợi ý xét nghiệm Sarcoma. Sarcoma là một loại ung thư ác tính chỉ có khoảng 1% dân số mắc phải, không may mắn, tôi lại nằm trong số đó. |
Hôm nhận được tin, cả gia đình tôi như chết lặng. Tôi trốn vào một góc, khóc òa. Cũng từ đây, một chương mới trong cuộc đời của tôi dần được mở ra, ở đó, tôi buộc phải làm quen với mùi thuốc truyền, hoá chất nồng nặc, và những ngày bị oằn mình kiệt sức vì hóa trị. |
Dù đã vượt qua hàng chục buổi hóa trị, tôi vẫn căng thẳng như ngày đầu tiên. Sự lo lắng ấy được thể hiện rõ trong những chỉ số không ngừng tăng lên của máy đo huyết áp. Ven máu của tôi rất nhỏ, mỗi nhát kim đâm vào rất đau đớn. |
Từ nước muối chứa điện giải rồi đến hóa chất, những đợt truyền thuốc dồn dập khiến cả cơ thể tôi nóng ran. Mùi thuốc xộc lên, nghẹn ứ ở cổ. Một buổi hóa trị thường kéo dài khoảng 4 giờ, càng về sau, tôi càng rệu rã hơn. |
Dù mệt mỏi, thỉnh thoảng, tôi vẫn phải hoàn thành bài tập ngay trên giường hóa trị. Từ khi mắc căn bệnh này, niềm vui của tôi chỉ đơn giản là câu nói: “Ngày mai không cần phải đi hóa trị” của bác sĩ. Cảm giác nằm lọt thỏm giữa căn phòng, lặng im chờ từng giọt hóa chất ngấm ngầm vào cơ thể khiến tôi ám ảnh. |
Thời gian đầu, tôi kiên quyết không cạo đầu, như một cách kháng cự yếu ớt trước sự thật rằng bản thân là một bệnh nhân ung thư. Tôi vẫn nhớ ngày cuối cùng của đợt hóa trị thứ hai trùng ngày 28 Tết, cả hành lang khu hóa trị vắng hoe. Nhìn mái tóc trơ trọi vài sợi của tôi, cô điều dưỡng khuyên nên cạo đầu, tượng trưng cho sự vứt bỏ những điều không may mắn lại năm cũ. |
Người đang ân cần kiểm tra ống truyền thuốc này là bố. Điều may mắn nhất với tôi trong trận chiến này chính là sự yêu thương, chở che và không bao giờ cảm thấy đơn độc. Hơn 30 buổi hóa trị, ròng rã 6 tháng trời, hàng ghế cho thân nhân ở trước cửa phòng hóa trị vẫn luôn luôn có bố mẹ tôi ngồi đấy, chưa bao giờ vắng một trong hai. |
Nhiều người khuyên bố mẹ cho tôi bảo lưu kết quả học tập để tập trung điều trị, mẹ đều lắc đầu ngay. Mẹ không muốn cuộc sống của tôi chỉ quẩn quanh cung đường từ nhà đến bệnh viện. Mẹ mong tôi vẫn là đứa trẻ ít nói nhưng hay cười như trước đây. |
Khi những giọt hóa chất cuối cùng được truyền vào cũng là lúc cả cơ thể tôi lả đi vì mất sức. Đôi lúc, tôi nôn thốc nôn tháo ngay khi mũi kim vừa được rút ra khỏi ven. Những lúc ấy, bố mẹ đều kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi tôi ổn định hơn. Kể từ khi tôi mắc bệnh, không ai bảo ai, các thành viên đều tránh nhắc đến hai từ “ung thư”, như một cách âm thầm bảo vệ tôi trước căn bệnh quái ác ở tuổi 20. |
“Vì sao căn bệnh này lại chọn mình?” - Câu hỏi này cứ mãi quẩn quanh trong đầu tôi. Khi bạn bè đồng trang lứa đang lên kế hoạch thực tập, xin việc làm, tương lai của tôi cũng mơ hồ trôi theo những buổi hóa trị. Nhiều lần muốn gửi hồ sơ ứng tuyển nhưng dòng suy nghĩ “chẳng ai muốn nhận một nhân sự phải nghỉ 5 ngày/tháng để đi hóa trị” cứ thế trỗi dậy, những kế hoạch tương lai cũng vì thế mà dở dang. |
Đâu đó trong quãng thời gian khó khăn này, tôi vẫn nhận được những tia ấm áp. Những lời động viên của mọi người tiếp thêm dũng khí để tôi đương đầu với căn bệnh. |
Tôi thích mèo vì bản tính trầm lặng của chúng. Hơn nửa năm nay, cuộc sống của tôi là một vòng lặp đơn điệu giữa việc hóa trị - đi học. Sự xuất hiện của những người bạn bốn chân này như một nét màu tươi sáng giữa bức tranh vốn chỉ có hai gam màu trắng và đen. |
Những đợt hóa trị đầu tiên, tôi mất gần cả tuần để lấy lại sức. Đi nhiều thành quen, thời gian ấy dần được rút ngắn, chỉ khoảng 2-3 ngày sau, tôi đã có thể trở lại cuộc sống thường nhật. Hôm nay, lớp tôi có bài thi cuối kỳ môn Xử lý khủng hoảng truyền thông. Tôi diện sơ mi đen, điểm nhấn là chiếc cà vạt để trông thật ngầu. |
Tôi nhớ như in một buổi học cách đây vài tháng, vì vướng lịch hóa trị nên tôi không thể tham gia. Các bạn cùng nhóm quyết định gọi cho tôi để cùng xem sản phẩm cuối cùng được trình chiếu trước lớp. Giảng viên của tôi bật khóc khi nghe kể về tình trạng của tôi rồi gửi gắm những lời động viên mà có lẽ cả đời tôi chẳng bao giờ quên. Giá mà được ở đấy, tôi sẽ ôm chầm lấy cô. |
Từ khi mắc bệnh, cuộc sống của tôi thay đổi nhiều. Không còn chuyến đi chơi xa, những cuộc vui giờ đây chỉ quẩn quanh trong thành phố vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Thi thoảng, tôi lại rủ bạn bè đi mua sắm để tâm trí được thư thả hơn. |
Tôi là một tín đồ của phong cách vintage. Khoác lên người những chiếc áo blazer hay sơ mi mang đậm gam màu hoài cổ khiến tôi trở nên tự tin hơn. Tôi lựa chọn những loại quần áo mang tính ứng dụng cao, vừa có thể mặc thường ngày, vừa có thể sử dụng cho đợt kiến tập vào mùa hè sắp tới. |
Cứ mỗi đợt hóa trị về, danh sách những món ăn yêu thích của tôi lại ngắn hơn. Mùi hóa chất lởn vởn trong mũi, trong vòm họng khiến tôi mất đi cảm giác thèm ăn. Sự thay đổi về khẩu vị kéo theo hàng loạt phiền hà cho mẹ - người đảm nhận việc bếp núc trong gia đình. Ba và anh trai cũng cố gắng mua những món ăn tôi yêu cầu bất cứ lúc nào mà không một lời than vãn. |
Karaoke là một trong những hoạt động yêu thích của tôi và nhóm bạn. Hòa mình vào giai điệu bài hát và không gian rộn ràng tiếng nói cười của các bạn giúp tôi tạm quên đi những muộn phiền. |
Không có gu nhạc cố định hay “bài tủ”, tôi thường thử thách bản thân bằng những bài hát có độ khó cao để rồi khàn cả giọng. Trong những giây phút cháy hết mình này, tôi như trở thành một con người khác, không còn là Anh Minh rụt rè, ít nói như mọi khi. |
Cuối tháng 5 vừa rồi, tôi kết thúc đợt hóa trị cuối cùng. Các chỉ số trong bệnh án đều chỉ rõ căn bệnh ấy đã hoàn toàn biến mất khỏi cơ thể tôi. Những ngày hóa trị như một thước phim mà từng giây, từng phút của thước phim ấy dạy tôi biết trân quý khoảnh khắc mình được tồn tại. Hồi còn bé, mỗi khi được hỏi về ước mơ, tôi đều trả lời rằng muốn trở thành một người hạnh phúc. Tôi xem đây là một chướng ngại mà khi vượt qua nó tôi đã chạm đến ước mơ của mình. |