Sau 13 năm lăn lội, thất bại này là một trải nghiệm quý giá cho quá trình trưởng thành của tôi.
Trong thời gian bình thường mới, nhiều người phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, họ vẫn nhìn thấy cơ hội để thích nghi và tiếp tục phát triển.
Zing chia sẻ câu chuyện của Hà Thanh Phúc (sinh năm 1988).
Mất 2 quán cà phê, 1 phòng trà
Tôi đã có 13 năm kinh doanh quán cà phê. Các quán của tôi đều khá đông khách. Trong đó, có quán cà phê hát mộc đã tồn tại ở TP Hồ Chí Minh suốt 13 năm. Ngoài ra, tôi còn đồng sở hữu thương hiệu Dabao concept, là chuỗi quán cà phê dành cho giới trẻ với 3 chi nhánh.
Chợ Gạo là phòng trà tôi đã làm được 3 năm nay với rất nhiều tâm huyết. Nhiều ngôi sao cả nước đã từng biểu diễn tại đây. Tôi dự định phát triển thương hiệu này tại nhiều thành phố lớn khác.
Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi gặp rất nhiều khó khăn với việc kinh doanh. Mô hình phòng trà cần thu hút đông khách mới đủ chi phí cho một đêm nhạc. Quán của tôi hoạt động cầm chừng cho đến khi thành phố siết chặt giãn cách. Lúc này, tôi đành chấp nhận vì đây là thời điểm khó khăn chung cho các hoạt động nightlife.
Trước đó, tôi đầu tư nhiều tiền để nâng cấp âm thanh. Khi giãn cách xã hội, vì không được ai bảo trì, máy móc âm thanh hư hỏng nhiều. Tường, vách nhiễm ẩm, mốc meo, nội thất xuống cấp, phải tân trang lại.
Trong thời gian này, tôi cũng đau đầu tìm cách xoay sở tiền mặt bằng, tiền trả lương cho nhân viên. Tiền mặt bằng có chủ nhà giảm, có chủ nhà vẫn giữ nguyên. Nhiều nhân viên cốt cán của tôi cũng cần đồng lương để sống. Quán đóng cửa không có doanh thu, tôi phải lấy hết tiền tiết kiệm sau nhiều năm kinh doanh ra để cố gắng trụ vững.
Tôi còn nghĩ ra cách bán hàng online để có thêm thu nhập.
Cuối cùng, tôi vẫn không thể giữ lại 3 “đứa con" của mình. Chủ nhà bán nhà. Họ cũng không gồng gánh nổi sau một thời gian khó khăn. Chủ nhà mới không có nhu cầu cho thuê tiếp.
Tôi từng nghĩ dù có bán nhà vẫn phải giữ được Chợ Gạo nhưng vẫn không thể vượt qua được hoàn cảnh này. Tổng cộng, tôi thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Còn sống là còn cơ hội
Tôi buồn nhưng khá bình tĩnh đón nhận mọi chuyện. Trong 13 năm lăn lộn, tôi đã nếm trải nhiều lần thất bại, bị đóng cửa quán nhiều lần nên đây có lẽ là một trải nghiệm nữa cho hành trình trưởng thành của tôi.
Suốt 4-5 tháng qua, tôi tham gia làm từ thiện với các hoạt động như nấu cơm cho người nghèo, kết nối F0 với bác sĩ… Việc này đã thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều.
Giữa những khó khăn, tôi nhận thấy việc còn giữ được mạng sống, còn khoẻ mạnh đã là một ân huệ. Quá nhiều bạn bè và người thân của họ qua đời khiến tôi tin rằng, mình còn sống thì sẽ còn cơ hội.
Tôi vẫn còn giữ được 3 quán nên sẽ cố gắng tìm cơ hội ở 3 quán này. Dù biết sẽ rất khó khăn, thử thách nhưng mình vẫn phải có niềm tin trước đã. Tôi cho đây là cơ hội được “khởi nghiệp” lại lần nữa. Điều này nếu nghĩ tích cực sẽ lại là một kỷ niệm, một dấu ấn rất đặc biệt trong cuộc đời.
Sau đại dịch, ngành F&B có rất nhiều cơ hội và thách thức. Đi một vòng thành phố, không khó để bắt gặp những quán xá đã đóng bụi treo biển sang nhượng mặt bằng. Nhiều cái tên đã rời cuộc chơi khiến số lượng đối thủ giảm đi.
Tuy nhiên, khách hàng sẽ cẩn thận hơn trong việc chi tiêu nên quán xá cần nỗ lực cải thiện dịch vụ để họ cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra. Đây cũng là mục tiêu chính của tôi khi trở lại kinh doanh: nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ để giữ chân khách.
Song song đó, tôi cũng mở công ty thiết bị y tế để kinh doanh bộ test Covid để có thêm thu nhập gồng gánh cho quán xá. Việc chuyển hướng kinh doanh là cách tôi thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, tôi không muốn than vãn mà sẽ tìm cơ hội, con đường khác.